Site icon Thời báo Việt Đức

Như thế nào là hạnh phúc?

Ảnh minh họa: pixabay.com

 “Nếu còn viết, tôi muốn đề cập sâu hơn một chút về khái niệm hạnh phúc của chúng ta. Về cuộc sống tinh thần khá là nghèo nàn của những người Việt Nam trên nước Đức. Do rào cản về văn hoá, về ngôn ngữ hầu như chúng ta không ai ra rạp xem phim hay đi nghe hoà nhạc hoặc đến các viện bảo tàng. Đó cũng là một sự thiệt thòi”.

Đó là dòng chia sẻ súc tích của tác giả “Từ xa Hà Nội” – Nhạc sỹ, Nhà văn Mai Lâm, khi chúng tôi hỏi ông về ý định viết tiếp những câu chuyện “rất con người, rất tình đời” về hình ảnh người Việt Nam trên nước Đức. Đã không dưới một lần, chúng tôi – những người làm Thời báo Việt Đức – muốn đặt ra một câu hỏi để cộng đồng kiều bào suy ngẫm: “Chúng ta đến Đức, lao động vất vả, chấp nhận tuyết trắng sương dày phủ đẫm những mảnh đời bé nhỏ, để rồi chúng ta đổi lấy điều gì?”

Tiền! Chắc chắn rất đông đảo kiều bào chấp nhận ngụp lặn hai bờ đại dương mênh mông để tìm đến nước Đức với ước mơ đổi đời. Đó là mộng ước chính đáng, và thực tế người Việt đã và đang ăn nên, làm ra, tạo được của cải. Kiều hối chuyển về Việt Nam không chỉ ở Đức nói riêng và từ khắp thế giới nói chung là một nguồn lực đáng kể để người Việt trong nước cải thiện đời sống. Và rồi gì nữa?

Tương lai con cháu! Điều này không thể bị bất kỳ ai phủ nhận. Cái triết lý “sống vì con, chết vì con” đã ăn sâu vào tâm can của dân tộc “máu đỏ da vàng”. Có những người nhớ quê hương da diết, muốn đoàn tụ gia đình mãnh liệt, nhưng “Thôi, vì con, ở lại”. Nước Đức có nền giáo dục, y tế thuộc bậc tiên tiến của thế giới. “Không sống vì chúng ta, thì cũng phải nghĩ cho con, cho cháu. Chúng nó trưởng thành ở Đức được biết bao lợi thế”. Vậy nên, dẫu có những tháng ngày vất vả đến tận cùng; và có lúc cơn mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần kéo dài giữa tháng ngày lo chuyện áo cơm, chuyện lợi danh cứ khiến người ta hoài nghi về chọn lựa ở lại nước Đức, thì con cái vẫn là chỗ dựa – là niềm tin mạch lạc.

Thế còn gì nữa? Chắc đã hết! Ngoài lý do đổi đời và vì con, thì hiếm có người Việt nào tại Đức nghĩ đến chuyện “thưởng thức cuộc sống”. Hạnh phúc với họ vỏn vẹn trong tiếng cười của gia đình sung túc ở quê hương, và sự ấm no, đủ đầy của con, cháu tại Đức. Đến cái áo quần, đôi giầy dép, hay bất cứ thứ gì cho bản thân, họ cũng “năm lần nâng lên, bảy lần đặt xuống”. Nói đến phim ảnh, bảo tàng, du lịch nghỉ dưỡng, hay đơn giản là một bữa ăn thịnh soạn theo phong cách của người Đức, với đại đa số người Việt đều là … xa xỉ. Nói như ông Mai Lâm, đời sống tinh thần người Việt ở Đức đang rơi vào trạng thái nghèo nàn. Có hội hè, có gặp mặt, nhưng tất cả đều rất hạn hữu, và cái gọi là “thưởng thức cuộc sống”, hay “sống cho chính bản thân chúng ta”, là điều vô cùng hiếm hoi.

Thật khó có thể định lượng “hạnh phúc”, vì người Việt tặc lưỡi gật gù “thôi, sống khỏe mạnh, có con cháu vui vẻ, thế là đủ”. Nhưng đôi khi chúng tôi – những người trẻ khi nhìn vào các thế hệ “bản lề” người Việt tại Đức, lại thấy chạnh lòng. Lại mượn lời của ông Mai Lâm, rất nhiều người mê mẩn ca khúc “Hà Nội mùa thu sớm” do ông sáng tác, nhưng khi ông “đội mưa lướt thướt xách hai bịch quần áo đi qua một xe ô tô ở sân chợ Đồng Xuân”, người ta vẫn thả hồn vào bài hát của ông mà chẳng màng tác giả của ca khúc ấy đang ướt buốt ngoài kia. Thành quả chúng ta tạo ra thật là đáng quý, nhưng bản thân của chúng ta cũng là một điều quý giá mà chính chúng ta – không ai khác – phải bảo tồn, nuôi dưỡng, từ thể xác đến tâm hồn. Thế mới nói, đôi khi phải tự nói với mình: “hãy sống chậm lại, hãy “lười” đi một chút… Hãy sống cho chính các bạn, chúng ta đã vất vả đủ rồi”.

Thời báo Việt Đức

Exit mobile version