Khu tượng đài Karl Marx và Friedrich Engels ở Berlin (1986 – 2023), tọa lạc giữa thủ đô nhưng có thể rất nhiều người Việt chưa biết đến 2 bức ảnh Hồ Chủ tịch chỉ đạo chiến dịch Biên giới năm 1950 và bức ảnh “O du kích nhỏ” được tạc vào những khối thép trắng không gỉ. Đó là hai trong những hàng trăm bức ảnh về lịch sử Việt Nam và thế giới thời cận đại tại thủ đô Berlin.
Đúng như Anna Mudry, nữ nhà văn, nhà báo người Ðức đã từng viết: “Từ tấm ảnh, một con người đã đi vào cuộc sống”. Và, đúng vậy!
Khu tượng đài Marx – Engels là một di tích lịch sử từ thời CHDC Đức, được khánh thành vào năm 1986. Trong tổng thể khu tượng đài này có rất nhiều bức ảnh được in trên 8 khối thép không gỉ hình chữ nhật. Sau thống nhất nước Đức, khu tượng đài có 2 bức ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam cùng những bức ảnh khác đã tồn tại sau hiệp định ký kết giữa Mikhail Gorbachev và CHLB Đức.
Theo chiều dài lịch sử, bức ảnh đầu tiên là của nhiếp ảnh gia, nhà báo Vũ Năng An (1916 – 07.2004) chụp Hồ Chính Minh ngồi trên điểm cao của chiến dịch Biên giới (mặt trận Đông Khê) năm 1950. Với bộ quần áo bộ đội, mắt hướng về phía xa quan sát trận địa, gương mặt Hồ Chủ tịch đầy suy nghĩ và tự tin, bức ảnh ấy đã đi vào lịch sử.
Bức ảnh (đen trắng) thứ 2 với tên gọi “O du kích nhỏ” của nhà báo Phan Thoan (11.11.1924 – 08.12.2020). “O du kích nhỏ” chính là bà Nguyễn Thị Kim Lai (SN 1948), bà là con út trong gia đình có 4 anh em ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trong bức ảnh, bà áp giải phi công Mỹ William Andrew Robinson (lúc đó 22 tuổi). Hình ảnh nói trên được ghi lại vào ngày 21.09.1965, là giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ đang vào giai đoạn dữ dội nhất.
Cuộc chiến kết thúc, đất nước được thống nhất, quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Mỹ được cải thiện và cới mở, cả hai nhân vật gặp lại nhau tại Việt Nam sau 30 năm.
Được biết, trong khi Nguyễn Thị Kim Lai có một gia đình yên ấm, hạnh phúc thì Robinson thiếu may mắn, người vợ đầu bị ung thư, trước khi qua đời chưa kịp sinh cho ông một đứa con. Robinson cưới người vợ thứ hai nhưng cũng không sinh được người con nào. Lúc chia tay, O Lai đã tặng cho người vợ của Robinson một chiếc nón lá để làm kỷ niệm.
Chiến tranh đã lùi rất xa, mọi thứ đều mờ dần nhưng những bức ảnh sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.
Phóng sự ảnh: Những bức ảnh, nhân chứng lịch sử chiến tranh của Việt Nam ở Berlin
Bài, ảnh: Quang Chí (từ Berlin)
PS: Bài viết có tham khảo một số tư liệu trên Internet.