Site icon Thời báo Việt Đức

Những điểm làm nên khác biệt của trẻ em Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Độ tuổi tiền mầm non, trẻ Đức đã được dạy rất bài bản về phép lịch sự, phân loại rác, đi phương tiện công cộng, tuân thủ luật giao thông…

Những thói quen tốt của trẻ em Đức đến từ nền giáo dục từ khi nhỏ. Cụm từ “nước Đức không cho phép học tiền tiểu học” xuất hiện nhiều trên Internet thể hiện điều đó. Người Đức có những quy định riêng về giáo dục mầm non. Giáo dục tiền tiểu học ở Đức không được hiểu là học kiến thức mà đặc biệt tập trung vào việc học kỹ năng nhiều hơn. Ví dụ, giáo viên dạy cho trẻ cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi về nhà. Họ cũng dạy trẻ tuân thủ luật giao thông, không nói to ở nơi công cộng, biết phân loại rác… Nếu trẻ em thể hiện thiên hướng yêu thích âm nhạc, nghệ thuật hay thể thao, trẻ sẽ được hướng đến học tại các môi trường phù hợp, một số trong đó là miễn phí.

Giáo dục tiền tiểu học ở Đức chú trọng xây dựng cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề và nuôi dưỡng thói quen tích cực, cụ thể như:

– Khả năng tự chăm sóc: bao gồm việc ăn, ngủ, tự vệ sinh…

– Khả năng nhận thức và tuân thủ các quy tắc: ví dụ ăn hết thực phẩm đã lấy trong đĩa.

– Khả năng yêu thương: Việc chăm sóc động vật nhỏ giúp rèn luyện tình yêu thương.

– Khả năng mạnh mẽ: Khi trẻ ngã, nếu không nghiêm trọng, cha mẹ, thầy cô để trẻ tự đứng lên.

– Khả năng tôn trọng: Cha mẹ, thầy cô giáo lắng nghe trẻ, tôn trọng ý kiến, quyền riêng tư của trẻ, luôn hỏi ý kiến trẻ, qua đó dạy cho trẻ việc tôn trọng người khác.

– Khả năng lịch sự: Luôn dạy trẻ nói cảm ơn sau khi được giúp đỡ.

– Khả năng quản lý tài chính: Người lớn sẽ trả cho trẻ một khoản tiền khi làm việc nhà như một sự khuyến khích, tuy nhiên họ kiểm tra chặt chẽ số tiền tiêu vặt của trẻ.

– Khả năng tự chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra: Ví dụ khi trẻ dậy muộn, bà mẹ Đức sẽ thẳng thắn chỉ ra đó là lỗi của bé, đồng thời đưa ra lựa chọn cho con: “Bỏ bữa sáng, hoặc đi học muộn”. Hoặc khi trẻ quên tự mình bỏ quần áo vào máy giặt, nó buộc phải chấp nhận mặc quần áo bẩn.

– Khả năng trung thực: Cha mẹ là tấm gương cho trẻ trong việc giữ đúng cam kết, hoàn thành đúng như lời hứa hẹn, không “hứa hão”.

– Khả năng tự tin: Cha mẹ Đức rất coi trọng việc nuôi dưỡng sự tự tin của con. Chỉ cần con tiến bộ hơn một chút, họ sẽ khuyến khích và khen ngợi con, bởi họ hiểu sự tự tin của trẻ rất quan trọng.  

– Khả năng hợp tác: Các gia đình hay trường học Đức thường tổ chức các hoạt động nhóm cho trẻ. Quan điểm của người Đức là: Nỗ lực của một cá nhân là sự bổ sung sức mạnh, nỗ lực của một tập thể là sự nhân lên sức mạnh.

Chính sự giáo dục đặc biệt này làm nên những đặc điểm riêng của trẻ nước Đức so với những trẻ khác. Khi trưởng thành, người Đức sở hữu những phẩm cách và thói quen tốt. Ví dụ, người Đức luôn có một cuốn sách trên tay. Trên tàu điện ngầm, thay vì sử dụng điện thoại di động, họ thường đọc sách. Tại các cửa hàng sách, lượng độc giả luôn rất đông, sách giấy vẫn rất phổ biến ở Đức trong thời đại công nghệ hiện nay. Theo thống kê, 91% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách trong năm qua, 23% đọc 9-18 cuốn sách mỗi năm, 25% trong số đó đọc hơn 18 cuốn sách mỗi năm.

Giáo dục bài bản từ thủa sơ khai làm nên những phẩm chất riêng của người Đức, đó là:

– Đúng giờ: Hầu hết người Đức rất tuân thủ đúng thời gian quy định. Phần lớn đều có một cuốn sổ ghi chép, không nhất thiết là liên quan đến công việc, mà còn liên quan đến cuộc sống hằng ngày. Họ luôn ghi lại các lịch hẹn, các kế hoạch và thực hiện đúng theo đó. Sự đúng giờ ở đây không chỉ là từ phía con người, mà còn là giao thông công cộng của nước này, chúng chính xác đến từng giây.

– Hướng về gia đình: Người Đức thiên về gia đình nhiều hơn là công việc. Họ thường về nhà đoàn tụ với gia đình thay vì tìm tới các hoạt động giải trí sau giờ làm. Trong các kỳ nghỉ, chủ yếu họ dành cho gia đình.

– Tuân thủ luật lệ giao thông và quy tắc công cộng: Người Đức tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc giao thông, đặc biệt là các tài xế, vì nó liên quan đến sự an toàn và tính mạng của bản thân họ lẫn người xung quanh. Khi lái xe ở Đức, đèn xe được bật cả ban ngày khi tham gia giao thông. Khi chuyển làn, tài xế không chỉ nhìn gương chiếu hậu, mà còn thận trọng quan sát để xem có xe nào trong “điểm mù” không, và điều này được học rất kỹ khi thi bằng lái xe.

Không chỉ tuân thủ luật lệ giao thông, người Đức vô cùng tôn trọng các quy tắc, trật tự xã hội, ví dụ như khi xếp hàng khi tham gia giao thông là một ví dụ. Họ cũng không gây ra ồn ào, mất trật tự nơi công cộng.

– Tập trung vào chất lượng cuộc sống: Người Đức hướng tới chất lượng cuộc sống, thay vì sự phù phiếm bề ngoài. Đơn cử, họ sẽ chi 200 euro cho chiếc phích nước thay vì mua ví Gucci. Họ chi 500 euro cho dụng cụ nhà bếp thay vì túi LV. Họ chi hàng ngàn euro cho khu vườn của mình thay vì chiếc túi Burberry.

– Ý thức bảo vệ môi trường: Người Đức tuyệt đối không xả rác bừa bãi, do ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Kể cả khi ra nước ngoài, họ có thể cầm rác trên tay cho đến khi tìm được thùng rác và bỏ vào đó.

– Tinh thần tôn trọng cam kết: Nhiều người Đức được cho là cứng nhắc, không dễ cam kết, tuy nhiên điều này xuất phát từ văn hóa được rèn luyện từ bé. Họ không dễ dàng đưa ra cam kết, nhưng một khi đã cam kết thì sẽ bằng mọi cách thực hiện điều đó. Nhiều thương hiệu của Đức luôn được đánh giá cao dù giá cả đắt, vì khả năng đạt được chất lượng đúng như những gì họ đã đảm bảo.

– Lòng trắc ẩn: Người Đức có tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng cao. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ người yếu, tàn tật, người già…

– Lòng yêu nước: Người Đức ít khi chủ động nói về lòng yêu nước của mình như thế nào, tuy nhiên tinh thần yêu nước được thể hiện qua việc trung thành sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước.

– Sự lịch sự và khiêm tốn: Khi bạn đi tàu điện ngầm chen chúc, người đứng gần cửa sẽ chủ đông ra ngoài để những người cần ra bước ra. Sự lịch sự và khiêm tốn là những phẩm chất mà người Đức được rèn giũa từ nhỏ.

Thùy Linh (Theo Aboluowang)

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version