Site icon Thời báo Việt Đức

Những điều cần biết về hiến tạng ở Đức

Ảnh minh họa: https://pixabay.com/

TBVĐ- Nói tới hiến tạng, nhiều người thường nghĩ sẽ tặng tất cả mọi bộ phận cơ thể, moi sạch giống như trong giết mổ, nên băn khoăn lo ngại. 

Tại Đức hiện có khoảng 12.000 bệnh nhân đang nằm trong danh sách chờ đợi để được ghép tạng. Trong số đó không ít người đã không thể chờ được đến lượt mình, bởi danh sách đó ngày một dài thêm, trong khi số lượng người hiến tạng so với nhu cầu thực tế quá ít ỏi. Thời gian chờ đợi vì thế kéo dài nhiều năm trời, như cấy ghép thận chờ khoảng từ 4 đến 8 năm.

Để giảm thời gian chờ đợi và mang lại hy vọng sống cho nhiều người, không còn cách nào khác, phải thuyết phục dân chúng nâng cao ý thức hiến tạng trong trường hợp tử vong. Một Ban nghiên cứu về chính sách y tế và sức khỏe của Chính phủ Đức đề xuất, cho phép các quỹ bảo hiểm y tế liên lạc trực tiếp với khách hàng của mình để giải thích vấn đề hiến tạng đồng thời được phép thăm dò ý định của họ.

Trong thời gian tới tất cả mọi người dân ở tuổi trưởng thành sẽ nhận được lá thư đầu tiên liên quan đến việc đó. Bức thư sẽ giải thích cụ thể nội dung trên, đồng thời yêu cầu người dân trả lời việc họ có sẵn sàng hiến tạng hay không. Kèm theo thư, là một tấm thẻ cá nhân chứng nhận đồng ý hiến tạng (Organspendeausweis). Nhận được thư này, người dân không nhất thiết phải trả lời và có thể vứt bỏ nếu không muốn quan tâm, hoặc trả lời theo ý riêng của mình, bởi hiến tạng hoàn toàn tự nguyện. Sau đó hai năm, bức thư thứ 2 sẽ được gửi tiếp và từ năm 2017 trở đi, cứ 5 năm một lần, các quỹ bảo hiểm sức khỏe sẽ liên lạc với khách hàng để nhắc lại vấn đề.

Hiện đang có nhiều bàn cãi xung quanh vấn đề hiến tạng, bởi có nhiều ý kiến khác nhau từ phía nhà chức trách. Có ý kiến cho rằng, mỗi một người dân có trách nhiệm ít nhất một lần trong đời phải nói lên chính kiến của mình, nghĩa là phải trả lời “muốn” hay “không”. Lại có ý kiến cho rằng phải có quy định nếu ai im lặng không trả lời có nghĩa là đồng ý. Tất cả những ý kiến này chỉ nhằm cải thiện tình hình căng thẳng bởi nhu cầu cấp bách của y học trong vấn đề cấp ghép tạng, nhưng tất cả đều chưa đi đến kết quả, bởi luật pháp hiện hành chưa cho phép.

Nhưng theo xu hướng hiện nay, trong tương lai một số điều luật sẽ được sửa đổi để các biện pháp nâng cao ý thức người dân trong vấn đề vốn dĩ rất nhạy cảm này được dễ dàng hơn. Việc cho phép các quỹ bảo hiểm y tế quảng bá và thăm dò ý dân là bước mở đầu cho chính sách đó, tuy nhiên chắc chắn sẽ không ít trở ngại cho đến khi nhà chức trách đưa ra được một điều luật rõ ràng. Thực tế hiến tạng ở Đức và những lời khuyên của các chuyên gia:

Ai quyết định hiến tạng?

Theo thống kê, 9 trong 10 trường hợp tử vong được hỏi hiến tạng, đều do thân nhân người chết trả lời đồng ý hay không. Trong trường hợp người chết để lại di chúc, người thân cũng thường băn khoăn, nên làm đúng hay trái với tâm nguyện người chết. Khi đó, băn khoăn có thể được giải toả ít nhiều, bằng cách giới hạn hiến tạng vào một vài bộ phận cơ thể, chứ không phải tất cả.

Băn khoăn nhất trong hiến tạng

Nói tới hiến tạng, nhiều người thường nghĩ sẽ tặng tất cả mọi bộ phận cơ thể, moi sạch giống như trong giết mổ, nên băn khoăn lo ngại. Để tránh điều đó, hiến tạng nên giới hạn vào những bộ phận cơ thể nhất định, mà mình muốn. Không chỉ nhân thân mà cả người hiến tạng khi viết thẻ hiến tạng đều có thể chỉ định bộ phận cơ thể mình muốn hiến tạng, cũng như đưa ra những yêu cầu ngoại trừ.

Quyết định lấy tạng khi nào?

Không bás sỹ nào ở phòng mổ có thể một mình tự quyết định lấy tạng. Và hoàn toàn không được quyết định lấy tạng, chừng nào não người hiến tạng chưa được khẳng định đã chết vốn thường gặp ở những người trọng thương hay những người hôn mê, sống thực vật. Để khẳng định não đã chết, cần giám định của 2 bác sỹ độc lập với nhau. Bởi mục đích của bác sỹ là cứu sống bệnh nhân, chứ không phải lấy tạng bệnh nhân. Chỉ sau khi hết mọi liệu pháp cứu chữa, lúc đó mới đặt ra vấn đề hiến tạng.

Quy trình lấy tạng

Sau khi được 2 bác sỹ khám nghiệm xác nhận người hiến tạng đã chết và thống nhất xong với gia đình, quy trình mổ cắt tạng mới bắt đầu: bác sỹ tập hợp toàn bộ dữ liệu y khoa người hiến tạng chuyển về trung tâm giao dịch tạng châu Âu Eurotransplant. Một chương trình Computer đặc dụng so sánh dữ liệu y khoa người hiến tặng với dữ liệu các bệnh nhân trong danh sách chờ đợi, và thông báo về đối tượng nhận tạng. Trung tâm giao dịch tạng chuyển thông tin tới cho người nhận tạng. Nếu người nhận tạng đang điều trị, tạng sẽ được đưa thẳng tới bệnh viện. Bác sỹ ở đó được báo trước chuẩn bị kíp mổ cấy ghép.

Những loại tạng có thể hiến

Đó là thận, gan, tim, phổi, tuyến tụy, ruột non, mô mắt, tủy sống. Ở Mỹ còn thay cả mặt. Tuy nhiên chỉ có thể cấy ghép tạng, khi người hiến tạng chết não trước khi tim ngừng đập. Số người chết như vậy chỉ chiếm 1% trong tổng số 400.000 người chết tại bệnh viện Đức hàng năm.

Đề tài hiến tạng trong gia đình

Thật khó cho gia đình, đang trong nỗi buồn đau đớn mất mát người thân, lại phải bàn tới hiến tạng. Nhưng điều đó sẽ đỡ được phần nào khi gia đình biết được tậm nguyện hiến tạng của người chết. Trong trường hợp đó, khi được bác sỹ hỏi tới, gia đình nên bàn sớm, nhất là khi người chết không làm thẻ hiến tạng, hay thẻ ghi không chính xác về các bộ phận cơ thể định hiến. Những gia đình muốn trong tương lai hiến tạng nhẹ nhàng, nên bàn sớm về điều đó, có thể để con cái từ 14 tuổi tham gia. Cơ hội để bàn luận tốt nhất, khi cả nhà cùng xem chương trình truyền hình về hiến tạng.

Nguyễn Văn Nghĩa (tổng hợp)

Exit mobile version