TBVĐ- Hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại Đức khá đông vì vậy việc xin visa vào Đức cũng không dễ dàng. Khi đi xin Visa đôi khi người đệ đơn bị từ chối mặc dù đã chuẩn bị rất cẩn thận.
Những lý do từ chối thị thực
Người xin thị thực nộp hộ chiếu sai, giả mạo hoặc bị làm giả. Việc thêm hoặc bớt số trang của hộ chiếu cũng được coi là giả mạo hộ chiếu.
Người xin thị thực không chứng minh được mục đích và điều kiện lưu trú. Người xin thị thực có thể đã không nộp đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong trường hợp đơn xin thị thực bị từ chối vì lý do này, Đại sứ quán khuyến nghị người xin thị thực nên nộp một bộ hồ sơ mới và đầy đủ.
Ví dụ: Đặt khách sạn hoặc đặt vé máy bay bị hủy giữa chừng; Sau khi thẩm tra, Đại sứ quán xác định được rằng người xin thị thực không đi đúng mục đích đã đăng ký, trong quá trình thẩm tra giấy tờ người nộp đơn không nêu đầy đủ và chính xác thông tin về mục đích chuyến đi (ví dụ: người xin thị thực không biết lịch trình của chuyến đi theo mục đích du lịch); Khoảng thời gian người đặt đơn xin cấp thị thực không thống nhất với các giấy tờ khác (đặt khách sạn, đặt vé máy bay, giấy mời từ Đức, bảo hiểm); Trong trường hợp đi thăm thân, người đặt đơn không chứng minh được mối quan hệ họ hàng hoặc bạn bè, thời hạn thị thực mong muốn không tương ứng với thời gian nghỉ phép thực tế (đối với trường hợp đi du lịch).
Người xin thị thực không có bằng chứng về khả năng chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian lưu trú dự kiến hoặc chi phí quay về nước xuất thân/cư trú hoặc cho việc quá cảnh tới một nước thứ ba mà người xin thị thực được phép. Đi thăm thân: Quý vị không nộp Giấy cam kết bảo lãnh cũng như không cung cấp bằng chứng về việc Quý vị có đủ khả năng tài chính cá nhân. Thông tin trên Giấy cam kết bảo lãnh cho thấy người mời không có đủ khả năng tài chính để chi trả cho chuyến đi (có đánh dấu tại mục „không được chứng minh“ („nicht nachgewiesen“) hoặc “không đáng tin cậy” („nicht glaubhaft gemacht“). Người xin Visa cũng không chứng minh có đủ khả năng tài chính.
Đi du lịch: người xin Visa không cung cấp bằng chứng về việc có đủ khả năng tài chính để chi trả chi phí cho chuyến đi hay hiện không có việc làm (nội trợ, thất nghiệp, sinh viên, học sinh) và không tạo ra thu nhập. Người đệ đơn không chứng minh được mối quan hệ họ hàng với người đảm nhận chi trả các chi phí sinh hoạt hoặc không cung cấp đủ bằng chứng về việc người này có đủ khả năng tài chính.
Trong vòng sáu tháng tính đến thời điểm hiện tại, người xin thị thực đã lưu trú ba tháng trên lãnh thổ của các nước thành viên bằng thị thực Schengen hoặc thị thực có giá trị cho việc lưu trú trong một khu vực giới hạn. Về cơ bản, chỉ được phép lưu trú tại Khu vực Schengen tối đa là 90 ngày trong vòng 180 ngày. Vì vậy, thị thực mới chỉ có thể được cấp sau khoảng thời gian 180 ngày đó. Đối với một số hoạt động cụ thể chỉ được phép lưu trú tối đa là 90 ngày trong vòng một năm (thay vì nửa năm) tại Khu vực Schengen.
Người đệ đơn đã từng lưu trú tại Đức lâu hơn thời gian cho phép là 90 ngày/năm. Hệ thống thông tin của Khối Schengen có thông báo về việc cấm nhập cảnh đối với người xin thị thực. Thông thường sẽ không được cấp thị thực nếu bị ghi danh vào hệ thống thông tin của Khối Schengen (SIS). Người đệ đơn có thể yêu cầu nước Schengen đã ghi danh của mình vào hệ thống về nội dung ghi trên đó và hỏi xem có thể kháng nghị bằng cách nào.
Một hoặc nhiều nước thành viên của Khối Schengen cho rằng người xin thị thực gây nguy hiểm đến trật tự công cộng, an ninh của Khối và sức khỏe cộng đồng theo Điều 2, Khoản 19 Quy định (EG) số 562/2006 Luật Biên giới Schengen (Schengener Grenzkodex) hoặc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc tế của một hay nhiều nước thành viên. Người xin thị thực bị ghi danh vào hệ thống thông tin của Khối Schengen (SIS) hoặc có các dữ liệu khác về người xin thị thực chứng minh nhận định nói trên.
Người xin thị thực không có bảo hiểm du lịch phù hợp và có giá trị
Thông tin liên quan đến mục đích và điều kiện lưu trú dự kiến do người xin thị thực cung cấp không đáng tin cậy. Người xin thị thực có thể đã không nộp đầy đủ giấy tờ cần thiết. Trong trường hợp đơn xin thị thực bị từ chối vì lý do này, Đại sứ quán khuyến nghị người xin thị thực nên nộp một bộ hồ sơ mới và đầy đủ…
Đại sứ quán không xác định được liệu người xin thị thực có rời khỏi lãnh thổ các nước thuộc Khối Schengen trước khi thị thực hết hạn hay không. Đại sứ quán có thể đưa ra dự đoán về khả năng quay trở lại của người xin thị thực. Những giấy tờ đã nộp hoặc những thông tin do người xin thị thực cung cấp chưa đủ để Đại sứ quán đưa ra dự đoán mang tính khả quan.
Vì vậy, Đại sứ quán sẽ xem xét một số yếu tố sau đây: Sự ràng buộc về mặt gia đình tại Việt Nam (vợ/chồng, con cái vị thành niên, trách nhiệm giám hộ…); Sự ràng buộc về công việc (có công việc ổn định, đang học đại học); Sự ràng buộc về mặt kinh tế (thu nhập bổ sung thường xuyên từ việc cho thuê nhà hoặc sở hữu bất động sản); Đã từng sử dụng thị thực Schengen đúng quy định; Các thay đổi liên quan đến cuộc sống cá nhân kể từ lần được cấp thị thực gần nhất.
Trên trang web của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam có hướng dẫn thủ tục khiếu nại như sau
Khiếu nại bằng văn bản : Người xin thị thực hoặc người được ủy quyền có thể khiếu nại bằng văn bản quyết định từ chối cấp thị thực và đề nghị thẩm tra lại đơn xin cấp thị thực.
Những lưu ý khi khiếu nại: Thời hạn khiếu nại đối với thị thực Schengen là một tháng kể từ ngày nhận được thư từ chối; Thời gian giải quyết thông thường là bốn tuần hoặc lâu hơn; Trong đơn khiếu nại người xin cấp thị thực cung cấp mã xử lý hồ sơ (bảy số cuối trong mã số ghi trên thư từ chối) và số hộ chiếu; Cung cấp đầy đủ các thông tin liên hệ, cụ thể là số điện thoại (bao gồm cả mã vùng) hoặc số điện thoại di động, địa chỉ e-mail cũng như mã bưu chính hoặc số fax; Trong đơn có thể trình bày (lại) mục đích xin cấp thị thực.
Đề nghị nêu rõ các lập luận liên quan đến lý do từ chối. Có thể nộp bổ sung các giấy tờ mà chưa nộp khi đặt đơn. Nếu hồ sơ xin cấp thị thực ban đầu của không đầy đủ hoặc đặt phòng khách sạn đã bị hủy thì đề nghị không nộp các giấy tờ còn thiếu trong khuôn khổ thư khiếu nại. Trong trường hợp này việc đặt đơn mới sẽ là cách nhanh chóng và hứa hẹn được cấp thị thực hơn; Có thể giúp rút ngắn thời gian giải quyết khiếu nại nếu chỉ gửi hồ sơ qua một đường duy nhất tới Phòng Thị thực, giúp tránh xử lý chồng chéo vụ việc.
Nếu đã gửi hồ sơ qua fax thì đề nghị không gửi thêm qua đường bưu điện hoặc e-mail và ngược lại; Sau khi kết thúc quá trình thẩm tra lại, nếu đơn được chấp thuận người đệ đơn sẽ được liên hệ để thống nhất về lịch cấp thị thực. Trong trường hợp đơn tiếp tục bị từ chối sau quá trình thẩm tra của cơ quan đại diện, người đệ đơn sẽ nhận được thư giải quyết khiếu nại bằng tiếng Đức thông báo chi tiết về các lý do từ chối cấp thị thực. Để khiếu nại quyết định này có thể nộp đơn lên Tòa án Hành chính Berlin.
Nguồn: Đại sứ quán Đức tại Việt Nam