Site icon Thời báo Việt Đức

Những ngành sẽ gặp khó

Ảnh minh họa: pixabay.com

Nếu Vương quốc Anh dứt áo ra đi trong 3 tháng tới, chắc chắn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ rối loạn. Vậy, những lĩnh vực nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của kịch bản Brexit không thỏa thuận?

Cho đến nay, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn cam kết nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, dù có hay không có thỏa thuận vào ngày 31-10. Nếu Vương quốc Anh dứt áo ra đi trong 3 tháng tới, chắc chắn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ rối loạn. Vậy, những lĩnh vực nào sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của kịch bản Brexit không thỏa thuận?

Theo FT, đầu tiên là khối lượng dữ liệu kỹ thuật số cá nhân khổng lồ từ các công dân EU và Anh được chuyển giao hàng ngày thông qua các doanh nghiệp và các cơ quan khu vực công xuyên eo biển Anh. Việc gián đoạn các luồng dữ liệu sẽ là một rào cản đáng kể đối với thương mại và trong trường hợp xấu nhất có thể buộc các công ty Anh phải dừng các hoạt động của mình ở châu Âu. Về lâu dài, Anh muốn ký thỏa thuận về các luồng dữ liệu với EU để Anh thực sự được đối xử như thể vẫn là một quốc gia thành viên. Tuy nhiên, các quan chức Brussels đã cảnh báo có thể phải mất nhiều năm để đạt được thỏa thuận như Anh mong muốn.

Khu vực dịch vụ tài chính đầy lợi nhuận của Anh cũng có thể sẽ mất các quyền thông hành cho phép các công ty có trụ sở tại Anh được hoạt động ở thị trường chung của EU. Các tập đoàn dịch vụ tài chính cũng phải đối mặt với các vấn đề gai góc hơn về hậu cần vào đúng ngày diễn ra Brexit.

Ngay cả khi được chấp thuận tiếp cập thị trường trong một hệ thống được coi là “bình đẳng” của EU, lĩnh vực tài chính vẫn sẽ không có quyền tiếp cận sâu vào thị trường như khi Anh là một quốc gia thành viên – và quyền bình đẳng đó có thể bị Ủy ban châu Âu thu hồi mà gần như không báo trước. Hải quan cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Các doanh nghiệp Anh đã chỉ trích chính phủ về việc thiếu thông tin về cách chuẩn bị cho sự ra đi đột ngột, nhất là vấn đề xử lý những thay đổi về thuế quan hay việc kiểm tra hải quan hoạt động như thế nào ở biên giới Ireland.

Tuy nhiên, đầu năm nay, Chính phủ Anh đã gửi thư cho 145.000 công ty có giao dịch làm ăn với EU để yêu cầu họ đăng ký vào một hệ thống cho phép đơn giản hóa việc khai báo hải quan và thanh toán chậm thuế nhập khẩu. Theo Robert Hardy, một chuyên gia hải quan của công ty hậu cần Oakland Invicta, chỉ có khoảng 10.000 công ty đã đăng ký. Còn Brussels thì cố tình không đưa ra nhiều các biện pháp dự phòng hải quan.

Sau nữa là giao thông vận tải. Những công ty hoạt động xuyên biên giới như các hãng hàng không và Getlink – nhà khai thác đường hầm eo biển Manche – đã chuẩn bị cho một kịch bản không thỏa thuận để giảm thiểu sự gián đoạn. Các hãng hàng không sẽ có thể tiếp tục hoạt động, nhưng không thể như cũ.

Các giải pháp tạm thời trong 6 tháng mang lại một khoảng thời gian ngắn để EU và Anh đàm phán một thỏa thuận hàng không trong tương lai, nhưng thỏa thuận mới như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Vì các tàu của các nước thành viên EU khác đánh bắt cá ở vùng biển Anh nhiều hơn rất nhiều so với ngư dân Anh đánh bắt cá ở vùng biển của các nước EU khác, nên nghề cá là một trong số ít các lĩnh vực mà EU chịu nhiều thiệt hại hơn nếu Brexit cứng xảy ra. Tuy nhiên, đội tàu đánh bắt cá của Anh sẽ không có khả năng tận dụng ngay lập tức thời cơ này và bất kỳ sự thay đổi nào kiểu như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến những tranh luận gay gắt trong các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Theo Việt Khuê / sggp.org.vn

Exit mobile version