Site icon Thời báo Việt Đức

Những ông Tây coi điều hòa như ‘phao cứu sinh’ ở Việt Nam

Từng coi điều hòa là thứ xa lạ, ông John không thể ngủ ngon nếu không bật máy lạnh trong mùa hè hầm hập ở Hà Nội.

Khi chuyển từ Thượng Hải đến Hà Nội công tác năm 2015, vợ chồng ông John thuê căn hộ tầng thượng trên tòa chung cư cũ ở Hà Nội, nhưng nhanh chóng hối hận về quyết định này.

“Hè về là khi chúng tôi nhận ra sai lầm, bởi nắng chiếu thẳng vào căn hộ từ sáng đến chiều”, người đàn ông mang hai dòng máu Mỹ – Đức này nói với với VnExpress, mô tả cái nóng ở Hà Nội “hầm hập và dai dẳng”, khác hẳn kiểu thời tiết mà ông từng trải qua trong 12 năm sống tại Thượng Hải.

Chiếc điều hòa cũ kỹ trong phòng ngủ trở thành “phao cứu sinh” của vợ chồng ông John, 56 tuổi, suốt mấy tháng hè, dù họ ngay ngáy lo nó có thể ngừng hoạt động bất cứ lúc nào.

Ông John sau đó chuyển đến căn hộ khác trong con ngõ nhỏ râm mát, nhưng điều hòa vẫn là vật không thể thiếu trong cuộc sống của hai vợ chồng. Lần này, ông John chọn lắp loại điều hòa tốt hơn để có thể có những giấc ngủ ngon, thoải mái.

Giống như John, nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người châu Âu, lần đầu đến Việt Nam cũng bất ngờ trước mức độ phổ biến của điều hòa, nhưng dần nhận ra tính hữu hiệu của nó trước những đợt nắng nóng khắc nghiệt ở đô thị.

Phần lớn các hộ gia đình và văn phòng làm việc ở nhiều nước châu Âu không trang bị điều hòa do khí hậu ôn đới. Nhiều người trong số họ coi điều hòa là sản phẩm không thiết yếu, thậm chí có hại với môi trường.

Theo khảo sát của tập đoàn Inaba Denko, Nhật Bản, chỉ 3% hộ gia đình Anh lắp điều hòa, còn tỷ lệ này ở Pháp và Đức là dưới 5%. “Không hộ gia đình nào ở khu vực tôi sinh sống tại Đức lắp đặt điều hòa, nhiều khách sạn cũng không có”, ông John kể.

Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi, khi châu Âu liên tục hứng chịu nắng nóng ngày càng gay gắt. Trong đợt nắng nóng cao điểm hồi tháng 7 năm ngoái, công ty Sainsbury của Anh nhận khoảng 300 cuộc gọi yêu cầu tư vấn lắp điều hòa mỗi ngày, so với 20 cuộc trong mùa hè bình thường.

Từ London chuyển đến TP HCM hơn một năm trước, Stuart, nhân viên văn phòng 25 tuổi, cho hay cái nóng tại đây “bức bối gấp nhiều lần so với ở Anh” và điều hòa là thứ không thể thiếu trong mùa hè.

“Cái nóng ở thành phố này đơn giản là quá khủng khiếp. Nếu ai đó nói không cần điều hòa, xin mời đến đây làm việc trong văn phòng không máy lạnh trong một tuần, sau đó chúng ta sẽ tiếp tục tranh luận”, Stuart nói.

Để đối phó với cái nóng mùa hè, Stuart thường đến công ty thật sớm và trở về nhà vào tối muộn, tận dụng điều hòa mát mẻ trong thời gian tăng ca. Vào ngày nghỉ, anh thường “cắm chốt” ở những quán cà phê có máy lạnh.

Thị trường thiết bị làm mát của Việt Nam đã nhảy 5 bậc, lên hạng ba toàn châu Á chỉ sau 5 năm, sau Ấn Độ và Indonesia, tăng từ 660.000 máy được bán ra lên 1,98 triệu thiết bị giai đoạn 2011-2016, theo báo cáo tháng 8/2020 của Research & Market, công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, trụ sở Dublin, Ireland. Quy mô thị trường điều hòa ở Việt Nam dự kiến đạt 2,9 tỷ USD vào năm 2025.

Dù không thể sống thiếu điều hòa và có điều kiện tài chính dư dả, ông John, giám đốc chất lượng của một tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy tại Bắc Ninh, không dùng điều hòa theo kiểu “xả láng”, mà vẫn nỗ lực tiết kiệm hết mức có thể.

“Chúng tôi chỉ sử dụng một phòng và luôn đóng cửa mỗi khi bật máy, đồng thời không để nhiệt độ quá thấp. Điều này khác với khi ở Mỹ, nơi mọi người có xu hướng mở cửa các phòng và để nhiệt độ lạnh sâu”, John cho biết.

Stuart cũng chỉ đặt điều hòa tại nhà ở mức 28-30 độ C để dễ vào giấc ngủ. Theo khuyến cáo của chuyên gia, nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá lớn với bên ngoài không có lợi cho sức khỏe. Người dùng nên để mức nhiệt chênh lệch dưới 10 độ C (tốt nhất là 7 độ C) và sử dụng thêm quạt điện để phòng thoáng và tiết kiệm điện hơn.

Theo Stuart và John, mối lo ngại về môi trường là một trong những yếu tố lớn nhất lý giải cho xu hướng này. Các thiết bị làm mát như điều hòa tiêu thụ khoảng 10% lượng điện toàn cầu, vốn phần lớn được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, trong đó có than đá. Điều hòa cũng có thể tạo áp lực lên lưới điện, bởi chúng thường được bật đồng loạt vào cùng một thời điểm, như lúc nóng nhất trong ngày.

Stuart cho rằng điều hòa là thứ phải dùng khi cần, nhưng việc chấp nhận sử dụng nó vẫn là hành động thỏa hiệp có thể ảnh hưởng tới môi trường.

Trong khi đó, bà Mary, giáo viên ở Hà Nội, kiên quyết không chấp nhận thỏa hiệp như vậy. Bà đã vượt qua đợt nắng nóng đầu mùa năm nay mà không cần tới điều hòa.

Bà giáo người Anh 63 tuổi này mở toang cửa để đón gió mỗi khi tắt nắng, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát khi ở nhà và để quạt số nhỏ ở cự ly gần nhằm giảm cảm giác oi bức.

Theo bà, cơn nóng ở nhà là “có thể chịu đựng được, khác với nguy cơ say nắng khi ở ngoài trời”. Tại trường, bà cũng thường xuyên khuyến cáo học sinh hạn chế sử dụng điều hòa nhằm chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ thành phố.

“6 năm sống ở đây đem lại cho tôi cảm tình nhất định với thủ đô Hà Nội. Tôi muốn góp phần bảo vệ môi trường nơi đây, từ những hành động nhỏ nhất”, bà Mary nói.

Theo Đức Trung / vnexpress.net

Exit mobile version