Site icon Thời báo Việt Đức

Nỗi khổ những kẻ bán thuốc trị ung thư giả không bao giờ thấu

Ảnh: nguoiduatin.vn

Không chỉ đối mặt với cơn đau bệnh tật, những bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư còn phải gánh chịu muôn vàn nỗi khổ về tiền chữa bệnh, ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại…

Ghé thăm bệnh viện K3 Tân Triều, chúng tôi thấy những đứa trẻ hướng ánh mắt thơ ngây có phần mệt mỏi vì bệnh tật, khuôn mặt trắng bệch vì bị giam hãm trong bốn bức tường kín gió, nhưng những mái tóc thưa thớt mỏng manh đó vẫn tíu tít cười đùa. Các bé chưa cảm nhận được nghiệt ngã của số phận, của căn bệnh nan y mà mình đang mang. Cạnh đó, những người mẹ, người cha ngồi lặng im nhìn con, ánh mắt chất chứa sự lo lắng, mệt mỏi.

Trò chuyện với PV, chị Cà Thị Tính (SN 1987, Tuần Giáo, Điện Biên) không giấu nổi những giọt nước mắt: “Đã hai tháng nay, tôi không tài nào chợp mắt nổi, cứ nghĩ đến con mà nước mắt lưng trào. Tôi chỉ mong muốn con tôi được khỏi bệnh và về với anh chị của con. Thế nhưng, giờ ước mơ đó tôi sợ là sẽ không thể trở thành hiện thực. Nhà còn hai cháu nhỏ tôi phải gửi hàng xóm trông hộ. Có con trâu giá trị nhất cũng bán mất rồi. Xuống đây, tôi là người dân tộc, không biết gì nhiều nên phải nhờ những người cùng phòng bệnh giúp đỡ”.

Chị Tính lặn lội 500 cây số để đưa con gái mắc ung thư đi chữa bệnh. Tốn kém, vay mượn nhưng gia đình vẫn cố gắng với hy vọng con sẽ khỏi bệnh.

Cũng theo chị Tính, bé Thắm vừa bước sang tuổi thứ 5, bình thường cháu rất ngoan. Khoảng hơn 2 tháng trước, bé bỗng dưng ngã bệnh, vợ chồng chị Tính đưa con đi khám ở bệnh viện tỉnh Điện Biên, sau đó được chuyển xuống dưới bệnh viện ở Hà Nội và được các bác sĩ chẩn đoán U nguyên bào thần kinh.

Nhìn ánh mắt trìu mến của người mẹ ấy khi nói về con, rồi vẫn ánh mắt ấy lại chứa bao đau đớn khi kể về căn bệnh của con và cái “bệnh nghèo” của vợ chồng chị, không ai có thể kìm được nước mắt. Cuộc sống đôi khi thật nghiệt ngã, nghiệt ngã hơn nữa khi những người nghèo phải đứng nhìn những đứa con còn quá non nớt của mình ngày ngày chống chọi với bệnh tật. Muốn cướp lại sự sống cho con từ bàn tay của tử thần mà sao hi vọng quá mong manh, thật tội cho những đứa trẻ “con nhà nghèo mà lại mắc bệnh người giàu”.

Nằm giường kế bên Thắm là Nga (17 tuổi) em bị ung thư xương. Dù bị bệnh tật hành hạ đau đớn nhưng Nga luôn tỏ ra mạnh mẽ để làm yên lòng người bên cạnh.

Chị Vi Thị Tuyết (chị dâu của Nga) kể: “Ngày phát hiện Nga mắc bệnh ung thư, gia đình tôi sốc lắm. Bố mẹ chồng tôi, cả gia đình tôi đã khóc cạn nước mắt vì thương em. Nếu em không bị ốm thì năm nay cũng đã học gần xong lớp 12. Em cũng có ước mơ làm chiến sĩ công an, thế nhưng ước mơ đó giờ đây đã bị khép lại bởi căn bệnh quái ác đang hành hạ em hàng giờ, hàng ngày”.

Dù đau đớn, nhưng Nga vẫn luôn tự nhủ phải nỗ lực để không phụ niềm hy vọng của chị dâu và gia đình.

Theo lời tâm sự của chị Tuyết, gia đình chị thuộc diện khó khăn ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Bố mẹ chồng cũng già yếu rồi nên việc chăm sóc em gái bên chồng đều dồn hết lên vai chị: “Chồng tôi đi làm công nhân, lo lấy tiền để trang trải tiền thuốc thang cho em Nga. Nhà chồng có 6 anh chị em nhưng mọi người đều làm nông, có người không nói tiếng phổ thông hoặc không biết đường đi lối lại nên từ tháng 3/2017 tôi là người chăm sóc cho em Nga. Tôi chẳng biết em sẽ sống được bao lâu, nhưng còn nước còn tát gia đình cũng cố vay mượn, chạy vạy lo cho em”.

Nói đến bệnh tình của mình Nga ôm mặt khóc nức nở: “Em thương bố mẹ đang ngày đêm kiếm tiền để chữa bệnh cho em. Em cũng mong mình khỏi bệnh để có thể đến trường như bao bạn khác”.

Chiều muộn, phải chia tay những bệnh nhân ung thư nhưng lời tâm sự của họ về nỗi vất vả, khổ cực khi họ phải gánh chịu căn bệnh này vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi. Với họ, nếu phải bán cả tài sản, làm bất cứ việc gì để đánh bại được căn bệnh ung thư quái ác họ sẽ sẵn sàng.

Một số hình ảnh phóng viên báo nguoiduatin.vn ghi lại được tại bệnh viện K3 Tân Triều:

Những người nhà bệnh nhân ngồi dọc các hành lang tranh thủ ăn vội bữa trưa.

Ánh mắt thẫn thờ của những người mẹ bao đêm mòn mỏi trông con.

Các em còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mình phải chịu đựng.

Theo Mai Hằng / nguoiduatin.vn

Exit mobile version