Quyết định đóng toàn bộ lò phản ứng hạt nhân gây nhiều chia rẽ trong chính trường và dư luận Đức, khi năng lượng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Nhà máy Isar 2, Emsland và Neckarwestheim 2, ba nhà máy hạt nhân cuối cùng của Đức, ngừng hoạt động từ ngày 15/4, loại bỏ nguồn cung điện hạt nhân khỏi lưới điện.
Sau khi các lò phản ứng tắt, Cổng thành Brandenburg ở thủ đô Berlin cuối tuần qua chứng kiến cảnh tượng trái ngược. Một bên, các nhà hoạt động chống hạt nhân ăn mừng thắng lợi trong cuộc đấu tranh dài 6 thập kỷ. Bên kia, những người biểu tình tuần hành phản đối đóng cửa ba nhà máy.
Các nhà bình luận và chính trị gia bảo thủ nói Đức đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chú trọng loại bỏ năng lượng hạt nhân của đảng Xanh, vào thời điểm giá cả tăng do cắt giảm năng lượng Nga. Họ cáo buộc chính phủ ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thay vì sử dụng hạt nhân, vốn phát thải thấp hơn.
“Một ngày đen tối đối với công tác bảo vệ khí hậu ở Đức”, Jens Spahn, nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), nói trên sóng truyền hình.
Trong khi đó, những người ủng hộ đảng Xanh và thiên tả cho rằng theo đuổi năng lượng hạt nhân, vốn đắt hơn năng lượng gió hoặc mặt trời, là điều không hợp lý. Chính phủ lập luận rằng duy trì ba nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ hoạt động sẽ đòi hỏi đầu tư mạnh và khoản tiền này nên phục vụ các nguồn năng lượng tái tạo.
Các nghị sĩ đảng Xanh nhận xét chuyện CDU ủng hộ bảo vệ khí hậu là “kỳ lạ”, bởi phe bảo thủ thường phản đối các chính sách mở rộng hạ tầng năng lượng tái tạo.
Chính phủ Đức do CDU lãnh đạo dưới thời cựu thủ tướng Angela Merkel đã quyết định loại bỏ dần năng lượng nguyên tử, sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật năm 2011.
Các cử tri khi đó ủng hộ quyết định của bà Merkel, xuất phát từ thái độ chống hạt nhân đang lan rộng do thảm họa. Nhưng một số người cho rằng các cuộc bầu cử địa phương trọng yếu sát thời điểm đó đã ảnh hưởng đến quyết định của bà.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, 44% tiêu thụ điện của Đức năm 2022 đến từ năng lượng tái tạo, 6% đến từ năng lượng nguyên tử.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, người thuộc đảng Xanh, dự đoán năng lượng tái tạo sẽ chiếm 80% điện năng Đức vào năm 2030. Ông đang thúc đẩy thông qua các dự luật để xây dựng các trang trại điện gió và mặt trời nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong năm 2022 của Đức đã chững lại, trong khi phát thải CO2 tăng vì nước này phải nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và sử dụng nhiều than hơn để bù đắp khoảng trống khí đốt Nga. Điều này đã khiến một số cử tri đảng Xang và các nhà hoạt động chống hạt nhân ủng hộ phương án tạm thời kéo dài thời gian hoạt động của ba nhà máy cuối cùng.
Bộ trưởng Môi trường Steffi Lemke lập luận Đức ngừng chương trình điện hạt nhân bởi không bao giờ có thể loại trừ nguy cơ thảm họa, bất kể do con người hay thiên tai. Theo bà, năng lượng tái tạo an toàn, bền vững và tốt cho khí hậu hơn, có ý nghĩa kinh tế hơn.
Các lãnh đạo đảng Xanh cũng lưu ý Đức vẫn sản xuất nhiều năng lượng hơn cần thiết, thậm chí xuất khẩu năng lượng sang Pháp trong mùa hè 2022, bất chấp những dự đoán thiếu hụt.
Kết quả thăm dò của đài Đức ARD cho thấy 59% người dân nước này phản đối từ bỏ năng lượng hạt nhân, 34% ủng hộ. Kết quả thăm dò của Viện Nghiên cứu Xã hội và Phân tích thống kê Đức Forsa cũng cho thấy 2/3 người được hỏi ủng hộ kéo dài thời gian hoạt động của ba nhà máy cuối cùng.
Nhưng theo kết quả khảo sát của hãng nghiên cứu Anh YouGov tuần trước, trong số 65% ủng hộ duy trì các nhà máy, chỉ 33% người được hỏi muốn duy trì năng lượng hạt nhân vô thời hạn.
“Họ chỉ ủng hộ phương án duy trì tạm thời, có thể do nỗi lo nguồn cung bất ổn”, chuyên gia Peter Matuschek của Forsa nhận định.