Site icon Thời báo Việt Đức

Nước Đức chống thiên đường thuế và công ty hộp thư

Tài liệu Panama (Panama Papers) cung cấp thông tin chi tiết về hơn 214.000 công ty hộp thư, bao gồm cả danh sách của các cổ đông và các giám đốc, gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Chính phủ Liên bang nhanh chóng phản ứng, công bố các biện pháp chống trốn thuế. Một tuần sau khi tài liệu Panama bị phát hiện, Bộ trưởng Tài chính Đức Schảuble đệ trình một kế hoạch gồm 10 điểm chống gian lận thuế, trốn thuế và rửa tiền. Ngay sau đó, G5 (Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha) đưa ra những biện pháp mới trao đổi thông tin về đặc quyền kinh doanh các công ty. Tại Đức, lãnh đạo các cục, vụ chuyên về thuế thuộc Bộ Tài chính Liên bang và các tiểu bang đề nghị sửa đổi luật thuế trong ba lĩnh vực:

Mở rộng trách nhiệm hợp tác của người nộp thuế

Người nộp thuế trước kia chỉ có trách nhiệm thông báo sở tài chính khi mua lại một mức cổ phần tối thiểu một công ty nước ngoài (ví dụ 10%), nay mở rộng không còn giới hạn ngưỡng  cho  bất  kỳ mối quan hệ kinh doanh nào với các công ty nước ngoài, không chỉ sở hữu pháp lý mà cả khi có ảnh hưởng trực tiếp kinh doanh tại công ty đó, ví dụ qua tín thác (Treuhand) hoặc các thỏa thuận tương tự và nhờ đó họ có thể chia lợi nhuận và có trách thiệm thông báo cho sở tài chính dù không có thu nhập ở Đức. Trường hợp vi phạm trách nhiệm thông báo có thể bị phạt đến 25.000 Euro thay vì chỉ 5.000 Euro như hiện nay.

Trách nhiệm thông báo của ngân hàng

Ngân hàng có trách nhiệm thông báo cho sở tài chính tên họ, địa chỉ và mã số trương mục của người môi giới hoặc tạo điều kiện cho khách hàng đầu tư vào các công ty hộp thư. Các dữ liệu này được chuyển từ sở tài chính nơi công ty có tài khoản trong ngân hàng đến sở tài chính nơi chủ tài khoản đăng ký thường trú. Từ Panama Papers mới lòi ra nhiều công ty trung gian ở nước ngoài giao dịch qua các chi nhánh ngân hàng Đức ở ngoại quốc như Luxembourg. Vi phạm trách nhiệm này sẽ bị phạt một khoản tiền không nhỏ và ngân hàng phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại thuế có thể xảy ra.

Mở rộng quyền điều tra của cơ quan thuế vụ

Quyền giữ bí mật ngân hàng về thuế theo Điều 30a Luật thuế AO sẽ bị bãi bỏ. Luật mới không những cho phép thuế vụ điều tra không giới hạn các dữ liệu về quan hệ tài chính kinh doanh giữa khách hàng với các công ty hộp thư khi kiểm tra thuế, mà còn buộc ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin về các mối quan hệ kinh doanh kể cả khi không kiểm tra thuế. Ngoài ra, khi điều tra quan hệ kinh doanh với các công ty hộp thư , thuế vụ được mở rộng biện pháp kiểm tra tài khoản tự động của đương sự. Thuế vụ khi điều tra mối quan hệ giữa khách hàng của ngân hàng với các công ty hộp thư không cần có sự chấp thuận trước để xác nhận ai là chủ sở hữu công ty đó và người này có khai thuế chính xác hay không. Nếu có lý do cụ thể, ngân hàng phải cung cấp thông tin cần thiết cho nhiều trường hợp một lúc. Ngân hàng có quyền từ chối cung cấp thông tin chỉ trong trường hợp điều tra một cách ngẫu nhiên không có lý do. Ngoài ra, Cơ quan Giám sát tài chính Liên bang (BaFin) phải cung cấp toàn bộ thông tin cho thuế vụ địa phương về những mối quan hệ kinh doanh với các công ty hộp thư. Ngân hàng phải cam kết cập nhật và lưu trữ mã số thuế của chủ tài khoản và những người có quyền sử dụng tài khoản này. Hiện nay, theo Điều 154, bằng chứng nhận dạng chủ tài khoản chỉ giới hạn bởi tên và địa chỉ. Ghi nhận và lưu trữ mã số thuế sẽ trợ giúp thêm một tính năng quan trọng trong biện pháp truy cập tài khoản, phục vụ cho điều tra thuế.

Cho đến nay, ngân hàng phải lưu giữ dữ liệu tài khoản chỉ trong 3 năm, nay tăng lên 10 năm để tạo điều kiện truy xét trốn thuế dễ dàng hơn. Gian lận thuế bằng cách đầu tư bí mật qua các công ty hộp thư được đưa vào sanh sách những tội trốn thuế nghiêm trọng, thời gian để xóa miễn truy tố là 10 năm, hiện tại chỉ 5 năm.

Exit mobile version