Thời báo Việt Đức xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả dự án rất hay và ý nghĩa của các thành viên trong Hội Trống cơm (Reistrommel), Berlin. Với mong muốn giúp cộng đồng người Việt hòa nhập tốt hơn vào cuộc sống ở Đức và tham gia nhiều hơn vào tình hình chính trị ở đất nước này, Hội sắp cho ra mắt độc giả cuốn sách dày 250 trang giới thiệu về đất nước, lịch sử, con người, cơ cấu xã hội của nước CHLB Đức bằng hai ngôn ngữ Đức – Việt. Sau khi xuất bản sách, vào một chiều chủ nhật hàng tháng sẽ diễn ra hội thảo về những vấn đề thời sự nổi cộm nhất của nước Đức và thế giới có liên quan đến cuộc sống của người Việt.
Cộng đồng người Việt ở Đức được hình thành cách đây khoảng 60 năm, từ ngày còn hai nước Đức. Hiện nay, với số lượng khoảng hơn 130 000, người Việt không còn là một cộng đồng nhỏ và non trẻ nữa, vì đã có ba thế hệ đang sống ở đất nước này.
Bình tĩnh nhìn lại quá trình lịch sử phát triển, người ta có thể nói rằng, thế hệ người Việt sinh ra ở Đức đã hội nhập gần như hoàn toàn. Họ suy nghĩ, ứng xử, tạo dựng cuộc sống, lập kế hoạch như người Đức. Nhưng có một điểm đáng chú ý là vẫn còn ít người thiết tha với chính trị, ít người có đam mê làm chính trị, khác với các bạn đồng lứa người bản xứ.
Thế hệ lớn tuổi và những người sang Đức khi đã trưởng thành thì thể hiện rõ nét hơn nhiều. Đề tài chính trị được rất ít người quan tâm, họ coi đó là đề tài không liên quan gì đến họ và vì thế không cần có trách nhiệm. Họ chỉ cần cố gắng không phạm luật là đã hoàn thành trách nhiệm công dân. Phải chăng chính trị là lĩnh vực buồn chán và khô khan? Phải chăng những quyết định chính trị của chính quyền không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ? Phải chăng họ không có hình dung cụ thể về lĩnh vực này, nên cho rằng họ vẫn có một cuộc sống bình thường, nếu không hiểu biết gì về chính trị? Phải chăng họ hiểu sai khái niệm này?
Trong những câu hỏi trên, tôi cho rằng có lẽ câu hỏi cuối cùng là đáng chú ý nhất. Chính trị đơn giản là phải làm thế nào để quản lý xã hội tốt nhất, để phát triển tốt hơn, để giữa người với người là chân tình đùm bọc, là bảo vệ môi trường cho sạch, là phân chia phúc lợi xã hội đều hơn… Khi được hỏi, em hiểu thế nào là chính trị, một em học sinh nữ 11 tuổi tên là Mandy trả lời: Nếu không có chính trị không cần đèn xanh đèn đỏ, ai muốn đánh ai cũng được và người ta không cần đến công an nữa! Đó là câu trả lời tuyệt vời từ miệng một đứa trẻ.
Tư duy ngại thảo luận chính trị đã tạo cho người Việt chỉ giữ vị trí song song với người bản địa chứ không hội nhập được. Nước Đức trở thành nước nhập cư từ khoảng hai thập kỷ nay. Đó là điều họ không muốn nhưng không thể khác. Tỷ lệ sinh đẻ ít nên dân số cứ giảm dần (mỗi phụ nữ Đức chỉ đẻ 1,4 con) trong khi tuổi thọ tăng do được chăm sóc y tế tốt, đời sống ngày càng cao. Tình trạng đó đã đưa nước Đức trước một bài toán rất khó: Làm thế nào để người đang ở tuổi lao động có thể nuôi gia đình họ và góp phần đóng thuế nuôi những người già trong xã hội? Càng khó khăn hơn khi trong thời đại toàn cầu hóa, cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt ở mọi lĩnh vực. Không còn cách nào khác, nước Đức phải gật đầu đồng ý để người nước ngoài đến đây sinh sống, làm việc và góp phần đóng thuế như mọi công dân khác. Nước Đức muốn người nước ngoài được hưởng mọi quyền lợi như người Đức, đồng thời cũng có bổn phận gánh vác trách nhiệm như một công dân Đức. Họ không muốn có những cộng đồng chỉ tồn tại song song, muốn hưởng quyền lợi theo luật định, nhưng sao nhãng trách nhiệm công dân.
Quá trình toàn cầu hóa bắt đầu từ những năm sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, nhưng thực sự bùng nổ khi chiến tranh lạnh kết thúc, mà biểu tượng của nó là sự sụp đổ của bức tường Berlin. Lúc đó, các nước nhìn thấy cơ hội nhiều hơn nguy cơ. Sân chơi bình đẳng này không dành cho những cầu thủ chưa đủ tài năng, bản lĩnh và kinh nghiệm. Hố ngăn cách giàu nghèo càng ngày càng lớn. Không còn chiến tranh xâm lược như những năm của thế kỷ 20 trở về trước, nhưng nội chiến và xung đột giữa các nền văn hóa bùng phát với cường độ bất ngờ. Các mạng lưới khủng bố nổi lên, nội chiến Sy-ri và nhà nước Hồi giáo IS, phong trào ly khai, nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, mặt trận dân tộc ở Pháp, AfD ở Đức, chủ nghĩa dân túy (ví dụ Trump lên ngôi)… đã kích động Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phát triển. Nếu không cảnh giác, tình hình trong tương lai sẽ xuất hiện những cái bất ngờ.
Ai cũng mong muốn được sống trong hòa bình để yên tâm làm ăn và hưởng thụ cuộc sống, nhưng chỉ mong muốn thì không đủ. Mỗi người cần sắn tay áo lên góp chút sức của mình. Trên tinh thần đó, nước CHLB Đức rất muốn tất cả các cộng đồng người nước ngoài, trong đó có người Việt ta, tham gia nhiều hơn vào cuộc sống chính trị ở đất nước này. Cụ thể là: Đối với những người đã nhập quốc tịch, chúng ta hãy suy nghĩ kỹ để bầu đảng xứng đáng vào chính quyền, hiểu đúng cái mạnh, cái yếu của họ. Chúng ta nên tham gia vào công tác của địa phương mình, ngăn chặn cực hữu bảo vệ người bị nạn, đề đạt nguyện vọng của mình để chính quyền xét đưa ra chính sách phù hợp hơn. Tham gia diễn đàn để hiểu về cơ cấu xã hội Đức, chiến đấu vì sự bình đẳng giữa các sắc dân. Đó chính là góp tiếng nói của mình vào việc tạo ra một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn để mình và con cháu cùng được hưởng.
Đây là một nhiệm vụ khổng lồ, rất khó, nhưng vô cùng quan trọng. Được sự ủng hộ của quận Marzahn – Hellersdorf, nhóm của chúng tôi, những người làm việc ở Hội trống cơm (Reistrommel), một cơ quan giúp người Việt ngay từ những ngày nước Đức mới tái thống nhất, dũng cảm nhận trách nhiệm này từ đầu năm 2017. Công việc đầu tiên rất quan trọng và mang tính nền tảng là làm sao để đồng bào Việt Nam biết nhiều hơn về nước Đức, nơi chúng ta đang sống và được nhiều người gọi là quê hương thứ hai. Chúng tôi đã làm một cuốn sách giới thiệu về đất nước, lịch sử, con người, cơ cấu xã hội của nước CHLB Đức bằng hai ngôn ngữ Đức – Việt. Mục đích làm song ngữ là để giúp người muốn học tiếng Đức, giúp giới trẻ đã biết tiếng Đức củng cố tiếng Việt. Các cộng đồng ngoại kiều khác có thể tham khảo và chuyển tải ra ngôn ngữ của họ, phục vụ kiều bào nước họ.
Ngoài việc giới thiệu tổng quan nước CHLB Đức, cuốn sách dày 250 trang A4 đề cập đến hai vấn đề lớn: Lịch sử nước Đức từ ngày thành lập 1871 đến nay và cơ cấu tổ chức xã hội cũng như chế độ chính trị của họ. Những thông tin được chọn lọc cho cuốn sách là những thông tin cô đọng, tối thiểu để hiểu về nước Đức, phù hợp với tư duy người Việt.
Sau khi cuốn sách ra đời, hàng tháng vào một chiều chủ nhật, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về những vấn đề thời sự nổi cộm nhất của nước Đức và trên thế giới, có liên quan đến cuộc sống của người Việt chúng ta. Chẳng hạn, BREXIT ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Đức trong tương lai, nội chiến Si- ri bao giờ kết thúc, chúng ta luôn phải sống trong lo sợ khủng bố hay đó là hiện tượng nhất thời. Tình hình cực hữu ở Đức bị kìm như thế nào mà vẫn bảo đảm nguyên tắc dân chủ…
Trong những cuộc hội thảo như thế này, những người tham dự trước hết nghe trình bày về một chủ đề, sau đó sẽ thảo luận Hỏi – Đáp, bổ sung, phản biện. Buổi thảo luận sẽ được ghi hình và đăng trên các trang mạng cộng đồng để đồng bào ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia bàn thảo, trên tinh thần xây dựng, lịch sự, độ lượng và đúng chủ đề.
Cuộc hội thảo lần đầu tiên bằng tiếng Việt sẽ được tổ chức ngày chủ nhật, 07.05.2017, lúc 15 giờ tại Reistrommel e.V, Coswiger Str. 5, tầng 4, 12681 Berlin, gần Jobcenter Marzahn (M8 và Bus 194, bến Beilsteiner Straße, hoặc S – Bahn 7, Station Springpfuhl).
Ban tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời anh chị em người Việt dành thời gian đến dự một hình thức sinh hoạt mới này. Ngoài hành lang có cà phê, bánh ngọt phục vụ quý khách miễn phí. Sự tham gia của quý vị sẽ góp phần xây dựng một hình thức sinh hoạt mới trong cộng đồng người Việt, qua đó chúng ta gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn, độ lượng với nhau hơn và có thể bổ sung cho nhau một chút kiến thức phổ thông cần thiết.
Thay mặt ban thực hiện dự án
Nguyễn Thế Tuyền