TBVĐ- Việc cho thú hoang ăn cũng phải tuân theo quy định của pháp luật, nếu không có thể dẫn đến nhiều hệ lụy và thậm chí là sẽ bị phạt.
Hiện nay, nhiều người Việt sống tại Đức đã sở hữu nhà riêng hoặc mua hay thuê đất làm vườn. Nếu là những khoảnh đất rộng thì thường gần bìa rừng hay nằm ở ngoại ô thành phố, dẫn đến việc nhiều thú hoang như lợn rừng, cáo, chồn, gấu mèo mỹ, chuột hải ly, hươu nai … vào bới rác kiếm ăn. Một số người không muốn đi dọn rác bị chúng bới ra nên mỗi lần thấy thú hoang mon men đến nhà là tự mang thức ăn ra cho chúng, khi thì miếng xúc xích, vài miếng thịt hay rau dưa … Họ không biết rằng, hành động này ở Đức thật ra là phạm pháp.
Luật nào cấm không cho thú hoang ăn và mức phạt là bao nhiêu?
Mặc dù trong điều 28 Luật săn bắn trên khắp nước Đức (Bundesjagdgesetz) quy định rằng, các tiểu bang được tự ý cấm hoặc điều chỉnh việc cho thú hoang ăn, nhưng trên thực tế, điều luật này chỉ dành cho thợ săn hoặc kiểm lâm. Phụ thuộc vào thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông, họ sẽ giúp thú hoang có thể sống sót, nhưng đa phần đều tránh không xâm phạm qui luật tự nhiên là thú hoang phải tự đi kiếm mồi.
Tất cả những người dân thường, không phải là thợ săn có đăng ký hay kiểm lâm, đều không được tự ý cho thú hoang ăn. Nếu vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính từ vài trăm tới 2.500 Euro (bang Bremen, Sachsen-Anhalt) hoặc 25.000 Euro (bang Hessen, Thüringen …), tùy theo luật của từng tiểu bang (đa số các bang có mức phạt cao nhất là 5.000 Euro).
Vì sao không được tự ý cho thú hoang ăn?
Việc cấm không cho thú hoang ăn một là để bảo vệ muông thú, không được ăn những loại thực phẩm sai và không phù hợp. Ví dụ như nhiều người cho hươu nai ăn bánh mỳ khô, các loại thức ăn nấu chín bỏ thừa hay những loại cây cỏ hoa lá bất kỳ.
Hai nữa là những hành động cho thú hoang ăn sẽ khiến chúng dần dần quen hơi người, không còn sợ người nữa. Điều này dễ mang đến nguy hiểm cho cả người và thú. Ví dụ như khi thú hoang đã quen với người, chúng sẽ dẫn theo bầy đàn xông vào các khu chung cư, với bản tính hoang dã, chúng sẽ phá hoại, thậm chí còn tổn thương con người, gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc.
Ngoài ra, thú hoang khi phải tự đi kiếm mồi thường không kiếm được nhiều, không ăn nhiều, nên chúng vẫn theo quán tính tự nhiên như mỗi năm giao phối một lần. Nhưng nếu thú hoang thường xuyên được ăn no và đầy đủ, chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh, đi ngược lại quy luật tự nhiên.
Quen hơi người, thú hoang thậm chí sẽ tìm đến nhà riêng hoặc các khu chung cư, trang trại, làm tổ quanh đó hoặc chui hẳn vào trong mái nhà, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng của thú nuôi trong nhà, gia cầm, gia súc trong trang trại lẫn dân cư sinh sống xung quanh. Tại thành phố Meißen từng xảy ra “vụ án mạng liên hoàn” khi chỉ trong một đêm, một đàn gấu mèo Mỹ đã xông vào vườn bách thú cắn chết hàng đàn thú nuôi như vịt, sóc, thỏ.
Con người không được quên rằng, dù trông chúng có xinh xắn, dễ thương nhiều đến thế nào, thì gấu mèo hay cáo, lợn rừng đều là động vật ăn thịt hoang dã. Chúng có thể tấn công con người bất cứ lúc nào. Chúng cũng sẽ không vì quen hơi quen mùi mà tự nhiên “biến” thành thú nuôi đã được thuần hóa. Nếu chúng ở gần người, thậm chí cắn người hay gây ra vết thương, chúng cũng sẽ lây truyền sang cho con người và thú nhà các loại bệnh khác nhau.
Nhiều người còn muốn nuôi gấu mèo hay hải ly như thú nhà, tuy nhiên các chuyên gia cũng như bác sỹ thú y khuyến cáo nên bỏ ý định này. Các loài thú hoang vốn sống ở trong rừng và không bị gò bó không gian sống, nên nếu nhốt chúng trong nhà hay vườn, chúng sẽ phá hoại các loại cây và cảnh quan. Chúng không phải là giống loài đã được thuần hóa nên cũng không hề biết giữ vệ sinh, sẽ đại tiểu tiện vô tội vạ, ăn uống vô tội vạ.
Nếu đi dạo trong rừng vô tình nhìn thấy những con thú hoang nhỏ, cũng không nên mang chúng về theo. Rất có thể thú mẹ đang đi kiếm mồi. Nếu vài ngày vẫn không thấy thú mẹ, dân thường có thể thông báo với hội đồng kiểm lâm hay hội thợ săn trong vùng. Họ sẽ hiểu phải xử lý thế nào và có biện pháp giúp đỡ chúng.
Anh Thư