Site icon Thời báo Việt Đức

Ở nơi nóng nhất thế giới

Ảnh minh họa: Trần Chất

Sydney đang trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng 80 năm trở lại đây. Nhiệt độ tại quận Penrith có lúc lên tới 47,3 độ – nóng nhất trên Trái đất trong ngày.

Trưa hè Melbourne, Úc đang nóng trên 40 độ C, tôi nhận tin nhắn: “Hà Nội trở rét đột ngột kèm mưa, nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ C. Cần giữ ấm!”. Cùng lúc đó, tôi xem thời tiết vài thành phố ở phía Bắc bán cầu tôi đã đi qua: Amsterdam (Hà Lan) 1 độ C, Bonn (Đức) âm 1 độ C, Athens (Mỹ) âm 17 độ C.

Nóng nhất trong 80 năm

Ngày 7-1, quận Penrith tại thành phố Sydney (Úc) nóng đến 47,3 độ C, là nơi nóng nhất trên Trái đất trong ngày. Chuyên gia thời tiết cho biết Sydney đang trải qua đợt nắng nóng nhất trong vòng 80 năm trở lại đây.

Trước đó, trong ngày 6-1, nhiệt độ ở Melbourne lên tới 41,7 độ C, các thành phố lân cận là Mildura 45 độ C, Horsham 44 độ C, Bendigo 43 độ C…

 Những ngày hè ở Melbourne, nắng bắt đầu từ 6h sáng và kéo dài tới 9h đêm. Để tận dụng nắng hè, Úc có chương trình đổi giờ (daylight saving) 2 lần mỗi năm tại hầu hết các bang.

2h sáng chủ nhật đầu tiên của tháng 10, đồng hồ sẽ được chỉnh thành 3h để dân Úc làm việc sớm theo giờ mùa hè. Ngược lại, 2h sáng chủ nhật đầu tiên của tháng 4, kim đồng hồ được chỉnh lùi lại 1 giờ để người dân làm việc theo lịch mùa đông.

Ngày hè đến với những nỗi lo da bị cháy nắng. Theo Ủy ban phòng chống ung thư Úc, cứ 3 người Úc thì có 2 người bị mắc các triệu chứng có thể dẫn đến ung thư da trước năm 70 tuổi. Nam mắc bệnh và tử vong vì ung thư da nhiều hơn nữ.

Nguyên nhân đầu tiên là lỗ thủng tầng ozon. Tầng ozon trên bầu trời nước Úc bị thủng với diện tích từ 5-9% bề mặt Úc.

Chính phủ Úc dự báo tầng ozon của thế giới và Úc sẽ được “vá” xong trong khoảng năm 2050 đến 2065, với điều kiện 196 quốc gia thực hiện đúng những gì đã cam kết trong nghị định thư Montreal về cắt giảm khí thải.

Nguyên nhân tiếp theo là do khí hậu không phù hợp với người nhập cư. Khí hậu cận nhiệt đới, nóng khô phù hợp với thổ dân da nâu của Úc hơn những người da trắng từ vùng khí hậu lạnh ở Anh và châu Âu đến Úc.

Ở Úc, cho trẻ em ra ngoài trời vào mùa hè mà không đội nón và không thoa kem chống nắng là hành động trái pháp luật. Dựa trên khuyến cáo của Ủy ban phòng chống ung thư Úc, theo luật, nhà trẻ và trường tiểu học phải đội nón và thoa kem chống nắng cho trẻ nhỏ khi hoạt động ngoài trời vào mùa hè.

Nhiều trường trung học cũng đang xem xét đưa nón và kem chống nắng vào danh sách đồng phục bắt buộc.

Giá như chia sẻ được… thời tiết

Vào những ngày nắng xấp xỉ 40 độ C, xe tải của hội đồng thành phố và Ủy ban phòng chống ung thư chở từng thùng kem chống nắng đến phát miễn phí cho khách du lịch trong khu vực vịnh Sydney.

Còn ở ga tàu hỏa trên đường Flinder, trung tâm thành phố Melbourne, người dân được phát thêm kem giải khát miễn phí.

Từ Melbourne, tôi có thể cùng tham gia webminar, hội thảo qua mạng, với bạn học ở London và Hà Nội. Tôi có thể trao đổi qua thư với thầy cô giáo ở Florida hay Stockholm. Khi thế giới kết nối phẳng, con người có thể cùng làm việc như nhau ở bất kỳ đâu.

Nhưng thứ chưa thể chia sẻ được là thời tiết. Thế nên, trên Facebook mới có những câu bình luận: “Giá mà ở đây có nhiệt độ Bắc với Nam bán cầu cộng lại chia đôi thì tốt quá”.

Trưa nắng Melbourne, giặt mền, phơi 30 phút đã khô thơm phức. Muốn gửi nắng này về Hà Nội cho mẹ khỏi cần ủi sấy quần áo. Hà Nội vào mùa mưa lạnh ẩm ướt cả tuần rồi.

Sống chung với cháy rừng

Mùa hè ở Úc, cháy rừng xảy ra thường xuyên đến mức tất cả mọi ngành nghề đều có những khóa tập huấn đối phó với cháy rừng. Trong ngành báo chí, khóa tập huấn tác nghiệp trong điều kiện cháy rừng được tổ chức vào mùa đông tại các đồn cứu hỏa, từ tháng 4 tới tháng 10 hằng năm.

Phóng viên phải có chứng chỉ hoàn thành khóa học mới được phép tác nghiệp tại hiện trường cháy. Mỗi chứng chỉ có thời hạn 2-5 năm. Khóa học cuối cùng trong năm diễn ra vào tuần cuối tháng 9 để chuẩn bị cho những đám cháy trong mùa hè từ tháng 10 tới tháng 4.

Theo Mạch Lê Thu (nghiên cứu sinh ĐH Monash, Úc) / tuoitre.vn

Exit mobile version