Site icon Thời báo Việt Đức

Ô tô Đức và thịt bò Mỹ – nạn nhân khốn khổ đầu tiên của chiến tranh thương mại

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là thời khắc họ phải chấp nhận chi phí cao hơn và buộc phải xem xét lại các quyết định kinh doanh.

Các biện pháp trả đũa thuế quan mà Trung Quốc áp dụng chống lại Mỹ được đưa ra ở thời điểm một trong những công ty nhập khẩu thịt lớn nhất Trung Quốc đang chuẩn bị nhập lô thịt bò Mỹ rất lớn từ California về Thượng Hải.

Giờ đây, công ty Suzhou Huadong Foods của Trung Quốc đang gặp khó với lượng lớn thịt bò Mỹ giá quá cao. Chiến tranh thương mại đang cản trở đường đi của nhiều loại hàng hóa quan trọng, theo bài báo được Bloomberg đăng tải mới đây.

Quản lý nhập khẩu của công ty, ông Gong Peng, nói: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi chắc chắn sẽ phải giảm mạnh mua thịt từ các chủ chăn nuôi Mỹ”.

Ngày 6/7/2018, Mỹ đã chính thức “khai hỏa” gây ra cuộc chiến tranh thương mại lớn chưa từng có bằng việc áp thuế đến 25% đối với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất nhiên, Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức với giá trị hàng hóa tương đương, các mặt hàng bị nhắm vào chủ yếu bao gồm đậu tương, thịt và phương tiện.

Công ty Suzhou Huadong, nhà cung cấp thịt lớn ở thị trường Trung Quốc, là một trong những nạn nhân đầu tiên.

Đối với nhiều công ty sản xuất trong các ngành khác, từ ô tô cho đến rượu whiskey hoặc các công ty khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đây là thời khắc họ phải chấp nhận chi phí cao hơn và buộc phải xem xét lại các quyết định kinh doanh.

Khả năng chống chọi của những công ty trong cuộc xung đột hiện nay có thể phần nào phụ thuộc vào lượng hàng hóa bị đánh thuế thấp mà họ kịp nhập về trước khi quy định thuế chính thức được áp dụng. Thế nhưng một khi nguồn cung này giảm bớt, họ sẽ phải cố gắng để chấp nhận mức thuế cao mới hoặc đẩy nó về phía khách hàng.

Nhiều hãng ô tô nước ngoài tại Trung Quốc sẽ gặp khó. Mới chỉ vài tuần trước đây, Ford Motor và Tesla thông báo giảm giá bán hàng tại Trung Quốc, dòng xe Lincoln và Model S nhờ vậy có mức giá dễ chịu đối với người tiêu dùng Trung Quốc sau khi Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu đối với xe nhập từ nước ngoài xuống 15%. Từ ngày 6/7/2018, chính những mẫu xe này, nếu nó được sản xuất tại Mỹ, sẽ phải chịu thuế đến 40%. Cuối cùng, giá hai dòng xe này lại trở nên đắt đỏ.

Hai hãng xe BMW AG và Daimler AG cũng phải đối diện với tình trạng chi phí tăng cao bởi họ nhập các mẫu xe xa xỉ vào Trung Quốc từ nhà máy lắp đặt ở Mỹ. BMW cho biết hãng không thể tự chịu được mức thuế cao, chính vì vậy sẽ buộc phải nâng giá bán sản phẩm. Daimler từ chối bình luận ngoại trừ việc tuyên bố hãng sẽ đưa ra chế độ ưu đãi tốt dành cho những người mua xe.

Theo Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), một tờ báo nhà nước quan trọng tại Trung Quốc, những hành động của Tổng thống Trump chỉ khiến cho ngày một nhiều các công ty Mỹ thua thiệt tại Trung Quốc trong khi Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế. Tâm lý ăn thua của các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ không chỉ tác động đến sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn khiến cho kinh tế thế giới trở nên ngày một bất ổn hơn, cũng theo Nhân dân Nhật báo.

Khi mà cả hai bên không có dấu hiệu nhường bước, khả năng  Mỹ tăng thuế với bất kỳ mặt hàng Trung Quốc nào vào biên giới Mỹ và ngược lại đồng nghĩa với việc ngày một nhiều doanh nghiệp thua thiệt.

Có những doanh nghiệp lập tức thay đổi chiến lược kinh doanh. Hemp Fortex Industries – hãng sản xuất đồ dệt may Trung Quốc và đồng thời là một nhà cung cấp hàng hóa cho nhiều thương hiệu Mỹ và châu Âu cho biết đang tính chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Khoảng hơn một nửa doanh thu của công ty đến từ khách hàng Mỹ, chính vì vậy, sản phẩm của công ty sản xuất ra sẽ chịu tác động trực tiếp từ các chính sách tăng thuế.

Sáng lập viên của Hemp Fortex Industries, ông Ding Hongliang, cho biết: “Các khách hàng lớn của công ty giờ đây đang ráo riết tính đến việc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Thị trường Mỹ quá quan trọng và không thể thay thế được”.

Công ty Just Play LLC, hãng sản xuất đồ chơi cho nhiều thương hiệu ví như Disnay Princess, cũng đang nghiên cứu đưa hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc, theo sáng lập viên của công ty. Tuy nhiên, quản lý của công ty cũng lo ngại về việc sẽ tốn bao nhiêu thời gian và làm sao có lại được quy mô và trình độ sản xuất tương đương như Trung Quốc tại một địa điểm khác.

Trong những lần đối đầu với nhiều nước khác, người dân Trung Quốc, với tinh thần dân tộc cao, tẩy chay sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn như Toyota hay Hyundai. Lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc giảm sâu, phía Trung Quốc nhờ vậy có thêm đối trọng.

Thế nhưng lần này, vào chiều ngày thứ Bẩy tuần vừa qua tại quận Sanlitun trung tâm thủ đô Bắc Kinh, các điểm bán đồ may mặc thương hiệu Mỹ như Abercrombie & Fitch và Nike đông nghịt người Trung Quốc, họ xếp hàng dài dằng dặc bất thường ở các quầy thanh toán.

Một công dân Bắc Kinh 20 tuổi cho biết: “Đối đầu chính trị vẫn xảy ra, người dân bình thường vẫn tiếp tục sống. Tôi không chắc liệu tình trạng căng thẳng có tác động đến cuộc sống của người dân hay không, cho đến nay, mọi chuyện chẳng có gì thay đổi”.

Theo Trung Mến / bizlive.vn

Exit mobile version