TBVĐ- Tòa án Tài chính (Finanzamt) vùng Rheinland-Pfalz đã ra án quyết rằng ông bà cũng có quyền nhận tiền con (Kindergeld) cho cháu ruột của mình, nếu người cháu đó được ông bà thường xuyên chăm sóc và trông nom.
Một công chức đã kiện Quỹ hỗ trợ gia đình (Familienkasse) vì ngừng chuyển tiền con cho ông, mặc dù trước đây, ông từng nhận tiền con cho cháu gái của mình. Khi đó, con gái ông mới sinh cháu nên đã chuyển về nhà bố mẹ ruột để ở.
Lúc cháu gái ông được hai tuổi, con ông chuyển ra, nhưng cháu gái vẫn được ông bà đón về chăm sóc nhiều ngày trong tuần, vì mẹ cháu đang học tiếp đại học. Cũng kể từ đó, Quỹ hỗ trợ gia đình không đồng ý chuyển tiền con cho ông với lý do, khi con gái ông chuyển ra ở riêng thì cháu ông phải tính vào hộ gia đình của con gái ông.
Tuy vậy, Tòa án Tài chính đã đứng về phía nguyên đơn và giải thích rằng: Trọng tâm sinh hoạt của đứa trẻ là ở nhà ông bà ngoại, đấy chính là điều quyết định duy nhất khi cấp tiền con. Tòa đồng thời cũng không cho phép kháng cáo. Đối với nguyên đơn thì án quyết này rất quan trọng, vì là công chức nên ông còn được nhận một khoản tiền hỗ trợ gia đình (Familienzuschlag), mà mức trợ cấp này phụ thuộc vào số trẻ được nhận tiền con sống trong nhà ông. Nếu ông không được nhận tiền con cho cháu thì mức hỗ trợ gia đình sẽ giảm bớt 367,58 Euro (án số AZ 4 K 2296/15).
Luật pháp của Đức quy định rõ ràng rằng về cơ bản thì tất cả các trẻ đều được nhà nước trả tiền con cho đến khi tròn 18 tuổi. Nếu trẻ tiếp tục học nghề hoặc vào đại học thì sẽ được nhận tiền con đến năm 25 tuổi. Thanh thiếu niên thất nghiệp được nhận tiền con đến năm 21 tuổi.
Mức tiền con phụ thuộc vào số con trong gia đình. Mỗi người con đầu và con thứ hai được 192 Euro/tháng, người con thứ ba được 198 Euro/tháng và từ người con thứ tư sẽ được 223 Euro/tháng. Nếu hai vợ chồng có hai con rồi nhưng ly hôn, hai người con ở với mẹ thì người mẹ nhận tổng cộng 384 Euro/tháng. Khi người bố lấy vợ mới và có thêm hai người con nữa, nếu người vợ mới đệ đơn xin tiền con, họ chỉ nhận khoản tiền như người vợ cũ là 384 Euro/tháng, vì đối với vợ mới thì đây là hai người con đầu.
Nhưng nếu người bố đệ đơn xin tiền con, họ sẽ nhận 421 Euro/tháng vì hai người con với vợ mới sẽ được tính là con thứ ba và thứ tư của anh ta. Tổng cộng mức tiền con mỗi năm sẽ tăng thêm 444 Euro. Hai người con với vợ cũ tiếng Đức gọi là “Zählkinder” – nghĩa là vẫn tính tổng số con ruột cho người bố khi xin tiền con.
Khi đứa trẻ sống trong căn hộ chung của bố mẹ, họ phải tự thỏa thuận với nhau ai sẽ nhận tiền con. Nếu không, Tòa án Gia đình sẽ quyết định bằng một án quyết. Khi trẻ sống trong gia đình của ông bà chúng cũng vậy. Tuy nhiên, nếu tất cả „tứ đại đồng đường“ cùng sống trong một ngôi nhà thì bố mẹ của trẻ sẽ luôn được ưu tiên trước ông bà. Nếu bố mẹ đã ly thân hoặc ly hôn, người được nhận tiền con là người chính thức nuôi nấng, chăm sóc đứa trẻ.
Trường hợp như vụ kiện nói trên, nghĩa là khi đứa trẻ vừa được ông bà vừa được bố mẹ cùng nuôi nấng, cần xác định đâu là trung tâm nơi trẻ được chăm sóc thường xuyên nhất, bất kể bố mẹ của trẻ có đồng ý hay từ chối nhận tiền con.
Đơn xin tiền con cần nộp lên Quỹ hỗ trợ gia đình thuộc Sở Lao Động quản lý, kèm với giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký hộ khẩu, chứng nhận trẻ thật sự cùng sống trong hộ gia đình của người đệ đơn. Từ năm 18 tuổi cần nộp thêm giấy chứng nhận của nhà trường hoặc thẻ sinh viên. Ngoài ra, trong đơn còn phải khai mã số thuế cá nhân (Steuer-ID/Stểuidentifikationsnummer). Mã số thuế cá nhân được ghi trên bảng lương (Lohnbescheinigung) và mã số thuế của các con được in trên quyết định thuế (Steuerbescheid).
Cẩm Chi