10 ngày trước, vào ngày dân gian kỷ niệm Lễ Người Cha (Vatertag), cũng chính là ngày lễ Chúa Jesus về trời (tức Lễ Thăng Thiên – Himmelfahrt, rơi vào ngày Thứ năm). Và, tuy không phổ biến như lễ Ostern, nhưng cuối tuần này chúng ta lại tiếp tục có một ngày lễ nữa thuộc Thiên Chúa Giáo, đó là lễ Pfingsten.
Từ Pfingsten bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “pentecoste” nghĩa là “der fünfzigste Tag” – ý nói đến ngày thứ 50 sau Lễ Phục Sinh (Ostern) hay còn được gọi là Lễ Ngũ Tuần (tuần ở đây được hiểu là khoảng thời gian mười ngày). Pfingsten trong tiếng Việt thường gọi là lễ Hạ Trần, là một ngày lễ của Thiên Chúa Giáo và được coi là ngày khai sinh ra Giáo hội.
Sau khi Chúa Jesus hồi sinh và về trời, các môn đồ của ngài đã “cảm” được sự hiện hữu của Chúa Thánh Linh (der Heilige Geist). Chúa Thánh Linh là một thân vị trong Ba Ngôi (khi các tín đồ làm dấu thánh): Cha – Con và Thánh Linh (Thánh Thần) và là đấng dẫn dắt con người đến với đức tin để tiếp nhận Chúa Jesus, ban cho họ năng lực để theo đuổi các giá trị của nếp sống Cơ Đốc Giáo/Thiên Chúa Giáo.
Tương truyền rằng trong ngày Lễ Ngũ Tuần/Hạ Trần (Pfingsten) đầu tiên, các môn đồ của Chúa Jesus khi đang nhóm lại với nhau tại Jerusalem, đột nhiên nghe tiếng gió thổi mạnh, bão tố nổi lên (heftiger Sturm) và xuất hiện những ngọn lửa nhỏ (Feuerzungen), đậu lại trên đầu của từng người. Các môn đồ bắt đầu rao giảng Phúc âm (Evangelium) cho một đám đông với nhiều dân tộc khác màu da bằng chính ngôn ngữ của những người dân ấy.
Theo Thiên Chúa Giáo thì cho đến hôm nay, mọi tín hữu đều vẫn có thể nhận Thánh Linh và qua đó cũng trở thành một “thánh đường” (“Tempel des Heiligen Geistes”), có khả năng thi hành mục vụ, giảng dạy, làm việc từ thiện, lãnh đạo, và sẻ chia lòng nhân ái …
Ngày lễ này còn được gọi là ngày Hội mùa, vì ngày này đánh dấu một mùa thu hoạch sắp tới. Tại nhà thờ, ngày lễ này họ dâng lên bàn thờ Chúa những ổ bánh mì từ những hạt lúa mì đầu tiên.
Đối với người Do Thái, Pfingsten là ngày lễ rất lớn, vì ngày này đánh dấu mốc thời gian Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Ba biểu tượng đặc trưng và ý nghĩa nhất của lễ Pfingsten là:
1. Hình ảnh chim bồ câu – Taube – tượng trưng cho Thánh Linh – der Heilige Geist. Trong nhiều văn hóa khác, chim bồ câu còn là hiện thân của sự trong sáng, của hòa bình, hi vọng và một khởi đầu mới.
2. Hoa mẫu đơn là hình ảnh của cái đẹp kiêu sa, của sự phồn vinh, thịnh vượng và là hiện thân của thánh chức – chính vì thế loài hoa này được gọi là Pfingstrose.
3. Nếu các bạn xem và đọc về Thiên Chúa Giáo sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh ngọn lửa đang cháy trên đầu của các con chiên (brennendes Feuer). Ngoài việc tượng trưng cho Thánh Linh đậu lại, hình ảnh đó còn muốn nói đến lòng nhiệt tình, phấn chấn và hoan hỉ của các tín đồ khi rao giảng tin lành, truyền bá Giáo điều đến với thế giới. Đó cũng chính là ý nghĩa của ngày Pfingsten – kỷ niệm ngày Sinh Nhật của Giáo hội (Geburtstag der Kirche).
Mình không phải là một tín đồ của Thiên Chúa Giáo, nên thay mặt TriSis chúc tất cả mọi người một kỳ nghỉ tuy ngắn nhưng thật vui vẻ, hạnh phúc, bỏ chút thời gian cùng tìm hiểu về văn hóa, đất nước và con người Đức, để thêm yêu và hòa nhập tốt hơn tại nơi này nhé!.
Cẩm Chi