Site icon Thời báo Việt Đức

Phải làm gì khi bị cảnh sát kiểm tra giao thông ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Khi đang lái xe trên đường, dù ung dung đến mấy nhưng nếu nhìn thấy cảnh sát kiểm tra giao thông thì chắc chắn ai cũng lo lắng. Lúc này, người đi đường cần lưu ý điều gì?

Khi cảnh sát yêu cầu dừng xe, nghĩa là phải chạy xe vào làn bên phải và dừng xe, bằng không sẽ mắc tội ‘coi thường biển báo và pháp luật’, bị phạt nặng ở mức 70 Euro và 1 điểm phạt trong hệ thống điểm phạt Flensburg. Nếu thấy cảnh sát đứng chỉ đường, người lái sẽ phải chạy xe theo điều khiển của cảnh sát. Lúc này, đèn hiệu và biển báo không còn giá trị nữa.

Khi cảnh sát yêu cầu dừng xe, người lái xe phải giảm tốc độ, bật xi nhan và cho xe chạy vào làn đường bên phải rồi dừng lại. Khi đó, người lái xe không phải xuống xe ngay mà tắt động cơ, radio, kéo phanh tay và kéo cửa kính bên cạnh xuống và ngồi chờ nhân viên cảnh sát đến gần xe. Hãy ngồi yên, hai tay đặt lên vô-lăng. Nếu chưa được yêu cầu, không nên tự động đút tay vào túi áo, thò tay xuống gầm ghế hoặc với tay mở ngăn kéo. Chỉ khi cảnh sát yêu cầu xuống xe mới phải xuống.

Theo quy định về giao thông đường bộ, cảnh sát được phép kiểm tra khả năng lái xe, giấy tờ xe cũng như tình trạng xe, trang bị và hàng hóa mang theo. Để kiểm tra độ an toàn của xe, cảnh sát kiểm tra đèn, xi nhan, còi và lốp. Cảnh sát chỉ được kiểm tra ngăn chứa đồ nhỏ ở ghế trước xe và cửa xe khi có nghi ngờ như tàng trữ ma túy hay sở hữu vũ khí. Các chuyên gia khuyên nên cất tam giác cảnh báo và hộp cứu thương ở hộc cửa. Điều này không chỉ an toàn hơn mà còn bảo vệ cốp xe khỏi ánh mắt tò mò của cảnh sát.

Khi bị kiểm tra phải giữ bình tĩnh và không nên gây sự với cảnh sát giao thông. Sau khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, tốt nhất không nên trả lời, ngay cả khi cảnh sát hỏi xem có biết nguyên nhân gì phải dừng xe hay không, cho dù sự im lặng gây cảm giác khó chịu.

Trách nhiệm cung cấp thông tin cho cảnh sát chỉ giới hạn ở thông tin cá nhân. Nếu được yêu cầu thì phải xuất trình bằng lái và giấy tờ xe. Khi bị kiểm tra giao thông nếu nói năng không suy nghĩ, sẽ gây bất lợi cho chính mình, ngay cả khi người bị kiểm tra tin rằng họ không vi phạm luật. Đừng để cho cảnh sát giao thông đưa vào thế phải giải thích và không nên phát biểu gì đối với những cáo buộc từ phía cảnh sát. Những lời nói xin lỗi hay biện hộ vô tình có thể gây bất lợi cho người điều khiển xe.

Cảnh sát được phép kiểm tra giao thông vào bất cứ lúc nào mà không cần nói lý do. Bởi vậy, những ai vi phạm giao thông thì chỉ nên chiểu theo đúng luật, lẳng lặng nộp tiền phạt, không nên giải thích gì nhiều – vì ví dụ nếu còn đứng giải thích là ‘tôi chạy xe quá nhanh vì sợ muộn giờ’, có thể sẽ bị phạt gấp đôi. Nếu muốn giải thích cho một sự việc, có thể làm điều đó bằng văn bản hoặc nói chuyện với luật sư nếu cần. Khi đó, cơ hội thoát hình phạt tiền và lệnh cấm điểu khiển xe sẽ tốt hơn. Đôi khi vô tình tự buộc tội mình: Những lời giải thích của người bị buộc tội chỉ có giá trị pháp lý nếu trước đó nhân viên cảnh sát đã đề cập đến quyền được im lặng. Cần lưu ý: Những thông tin cung cấp khi nói chuyện với cảnh sát giao thông và những phát biểu vô tình khi không được hỏi có thể bất lợi cho chính bản thân người đó sau này.

Nếu bị bắt gặp đang dùng điện thoại khi cầm lái, cảnh sát không được kiểm tra chiếc điện thoại đó. Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ tài xế cài ứng dụng điện thoại cảnh báo radar, cảnh sát có quyền kiểm tra và xóa ứng dụng này ngay tại chỗ.

Thông thường, người dân được phép từ chối kiểm tra rượu, ma túy. Cảnh sát chỉ được kiểm tra xe, khi trước đó kiểm tra ma túy phát hiện trong máu của người chủ xe có chất kích thích. Người nào không chịu cho kiểm tra nồng độ rượu, sẽ phải cho xét nghiệm máu. Nếu kết quả dưới 0,5 Promille, lúc đó mới không phải thổi hơi nữa.

Nhận lỗi một cách nhanh chóng và đưa ra thông tin về quá trình xảy ra tai nạn có thể dẫn đến việc mất bằng lái, chẳng hạn khi tự động khai báo: “Tự nhiên tôi thấy mặt mũi tối sầm và sau đó xảy ra vụ va chạm”. Nếu cung cấp lời khai như thế, người lái xe sẽ bị kiểm tra khả năng điều khiển giao thông, do bị nghi ngờ có vấn đề sức khỏe. Nếu kết quả khám bệnh cho biết sức khỏe có vấn đề, người lái xe sẽ bị tước bằng lái.

Người đi cùng xe nên im lặng tránh sơ suất nói ra điều bất lợi cho người lái xe do hồi hộp, chẳng hạn khi trách móc người lái xe không nghe lời đã tăng tốc. Khi đó, cảnh sát sẽ căn cứ vào đó buộc tội.

Hoài Nam

Exit mobile version