Site icon Thời báo Việt Đức

Phản ứng quốc tế về thỏa thuận người di cư của châu Âu

Ảnh minh họa: pixabay.com

Thỏa thuận về vấn đề người di cư, tránh được hình ảnh tiêu cực về một châu Âu bên bờ vực bùng nổ chia rẽ đã nhận được khá nhiều phản ứng tích cực.

Ngày 29/6, các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã đi đến một thỏa thuận về vấn đề người di cư, tránh được hình ảnh tiêu cực về một châu Âu bên bờ vực bùng nổ chia rẽ như nhiều người lo ngại. Chính vì thế, thỏa thuận này của EU đã nhận được khá nhiều phản ứng tích cực.

Các cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc ngày 29/6 đã hoan nghênh thỏa thuận về vấn đề di cư vừa đạt được giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), đồng thời hối thúc khối này ưu tiên các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và sự an toàn của người di cư.

 

Một đại diện của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cơ quan này sẽ hoan nghênh mọi thỏa thuận của châu Âu có cách tiếp cận hướng tới hài hòa và hợp tác sâu rộng hơn đối với vấn đề tị nạn, đặc biệt là những thỏa thuận chú trọng hoạt động đảm bảo tính mạng của người di cư trên biển. Theo thống kê của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, trong năm 2018, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải.

Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Di trú quốc tế Liên Hợp Quốc cho rằng, mọi biện pháp về vấn đề người di cư phải được thống nhất toàn châu Âu, giúp ích cho các nước “đầu sóng ngọn gió” trong vấn đề người di cư như Italy và các trung tâm xử lý thủ tục tiếp nhận người di cư phải được đặt tại châu Âu.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ra tuyên bố cho biết, cơ quan này đang chờ đợi việc sàng lọc thông tin về các biện pháp đối với trẻ em di cư.

“Điều quan trọng cần phải nhớ rằng, 92% trẻ em di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải vào Italia là không có người lớn đi cùng. Vì vậy, các em cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt và các em không nên bị giam giữ. Chúng ta cần phải có các biện pháp khác thay thế”, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Sarah Crowe cho biết.

Cũng trong tuyên bố ngày 29/6, Chủ tịch EU Donald Tusk nhận định, còn quá sớm để đề cập đến thành công của thỏa thuận về vấn đề di cư mà các nhà lãnh đạo EU vừa đạt được sau 10 tiếng hội đàm khó khăn.

“Liên quan đến thỏa thuận di cư, còn quá sớm để nói rằng thỏa thuận đã thành công. Chúng ta đã đạt được một thỏa thuận tại Hội đồng châu Âu. Nhưng đây là phần dễ nhất khi chúng ta bắt đầu thực hiện thỏa thuận”, ông Tusk cảnh báo.

Đánh giá về kết quả này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, nhiều người dự đoán chiến thắng của giải pháp quốc gia, nhưng tại hội nghị này, hợp tác châu Âu đã giành thắng lợi.

“Chúng tôi không đưa ra những điều tồi tệ nhất, chúng tôi quay lại với sự thật, với trách nhiệm và sự đoàn kết để tiếp tục xây dựng châu Âu. Chính vì thế, đây là một thỏa thuận đáng khen, dựa trên những bước tiến của một chương trình nghị sự đầy đủ. Thỏa thuận này được xây dựng trên 3 thành phần: đó là yếu tố bên ngoài, bảo vệ biên giới và tinh thần đoàn kết nội bộ”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã bày tỏ hoan nghênh khi “Italia không còn cô độc nữa, châu Âu sẽ đoàn kết hơn”.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel e dè hơn với tuyên bố “vẫn còn nhiều việc phải làm để thu hẹp các bất đồng”.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Bruxelles (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng Theo đó, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận là 28 nước thành viên thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế.

EU chủ trương những người đủ điều kiện sẽ được hưởng sự bảo trợ quốc tế và được phân bổ vào các quốc gia khác của châu Âu, cũng là các nước đồng ý tự nguyện tiếp nhận. Điều này đáp ứng một phần mong muốn của Italia về chia sẻ trách nhiệm từ các nước trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Còn những trường hợp di cư vì lí do kinh tế sẽ bị gửi trả về đất nước quê hương họ. Việc thiết lập các trung tâm đón tiếp đã được lãnh đạo 28 nước thảo luận nhiều giờ liền đi đến thống nhất, nhưng không có nước nào, nhất là Pháp và Italia, bày tỏ sẵn sàng thành lập các cơ sở này trên đất nước mình./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1
Nguồn: vov.vn
Exit mobile version