Site icon Thời báo Việt Đức

Pháp chuẩn bị siết chặt nhập cư, tị nạn

Chính phủ Pháp sắp trình một dự thảo luật siết chặt việc nhập cư và đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn bất hợp pháp khỏi nước này.

Dự luật mới do Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérard Collomb chủ trì soạn thảo dự định sẽ được công bố trong vài tuần tới, trước khi chính thức được thoả luận tại Quốc hội Pháp từ đầu tháng 2/2018.

Dựa trên các thông tin tiết lộ cho báo chí Pháp, dự luật này được xem sẽ là một thay đổi lớn trong chính sách nhập cư của Pháp, theo hướng siết chặt hơn các quy định tiếp nhận người nhập cư và đặc biệt là đẩy mạnh việc trục xuất hàng loạt người tị nạn đang cư trú không giấy tờ trên đất Pháp.

Cụ thể, trong số các biện pháp mà Chính phủ Pháp có thể áp dụng có việc nước Pháp sẽ lựa chọn người được phép tị nạn tại Pháp ngay từ đầu nguồn, tức là từ trong các trại tị nạn tại các khu vực Trung Đông, Bắc Phi, để hạn chế tối đa việc người tị nạn vượt biển Địa Trung Hải tìm đến Pháp.

Ngoài ra, bất cứ hồ sơ xin tị nạn nào đã nộp vào một nước khác thuộc Liên minh châu Âu thì cũng sẽ bị Pháp loại ngay từ đầu.

Cuối cùng, Pháp dự định rút ngắn thời gian cho phép chờ đợi hồ sơ xin tị nạn từ 14 tháng như hiện nay xuống chỉ còn 6 tháng và sau 6 tháng đó, nếu người xin tị nạn bị từ chối hồ sơ thì sẽ phải lập tức tiến hành thủ tục trục xuất.

Theo lý giải của Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Gérard Collomb, Pháp buộc phải sớm siết chặt chính sách nhập cư bởi với tốc độ xin tị nạn hiện nay, nước Pháp sẽ có nguy cơ không thể kiểm soát nổi.

Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp, trong năm 2016, có 85.000 đơn xin tị nạn tại Pháp nhưng chỉ có 36.000 đơn được chấp nhận.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến chính phủ Pháp siết chặt chuyện nhập cư, bất chấp các lời hứa tranh cử của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, là do tác động từ cuộc bầu cử mới đây tại Đức, khi nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel bị các cử tri Đức trừng phạt vì chính sách tiếp nhận người nhập cư quá thông thoáng trong những năm qua./.

Theo Quang Dũng / vov.vn

Exit mobile version