Site icon Thời báo Việt Đức

Pháp đẩy mạnh áp thuế công nghệ

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Từ đầu năm 2019, Chính phủ Pháp sẽ ban hành mức thuế công nghệ nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn có lợi nhuận khổng lồ. Việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm GAFA đang có ảnh hưởng lớn ở châu Âu gồm Facebook, Google, Apple, Amazon.

Đáng chú ý, mức thuế được Chính phủ Pháp ban hành khi Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn trong việc hoàn tất quy định thuế mới cho cả khối, cho phép các nước thành viên đánh thuế khoảng 3% tổng doanh thu dịch vụ kỹ thuật số của các công ty công nghệ đa quốc gia, thay vì đánh thuế dựa trên lợi nhuận.

Theo quy định thuế hiện nay của EU, các công ty công nghệ của Mỹ chỉ cần báo cáo thu nhập từ bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối. Để lách quy định, doanh nghiệp Mỹ chỉ cần kê khai mức doanh thu thấp ở nhóm nước có mức thuế ưu đãi như Ireland, Hà Lan hoặc Luxembourg.

Amazon từng bị EU cáo buộc chuyển phần lớn lợi nhuận kiếm được ở nhiều nước lớn châu Âu cho một công ty điều hành đặt tại Luxembourg để được hưởng mức thuế thấp.

Tương tự, Apple cũng bị cáo buộc chuyển lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở châu Âu sang một công ty của Apple tại Ireland, nơi có thỏa thuận ưu đãi thuế cho Apple.

Giới quan sát cho rằng các thủ thuật tránh thuế này khiến các chính phủ của EU mất đi hàng tỷ EUR tiền thuế. Trong khi đó, những công ty công nghệ lớn tại Mỹ lại khiến nhiều đối thủ nhỏ hơn ở châu Âu lao đao vì không thể cạnh tranh.

Theo ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, người dân châu Âu muốn sự công bằng về tài chính. Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao giới chức EU cho phép các công ty Mỹ như Google, Amazon và Facebook nộp thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu.

Vụ việc đã gây ra bất bình tại nhiều nước thành viên, nhưng các nước lại đang chia rẽ về cách thức giải quyết vấn đề. Nhóm phản đối áp mức thuế mới do Ireland dẫn đầu cho rằng, thuế mới sẽ dẫn đến những hành động trả đũa nhằm vào doanh nghiệp châu Âu từ phía Mỹ và mất nguồn thu từ thu hút đầu tư cũng như cản trở sự sáng tạo.

Tuy nhiên, Pháp và Đức cho rằng việc nâng thuế là hợp lý. Ngoài Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh đã sẵn sàng áp dụng kế hoạch thuế nhằm vào các công ty công nghệ. 8 quốc gia khác trong khối EU đang thảo luận hoặc đã có những phương pháp tương tự.

Dưới sức ép chính trị ngày càng gia tăng, một số công ty công nghệ như Amazon, Google và Facebook gần đây bắt đầu báo cáo doanh thu cao hơn tại châu Âu, nhưng đồng thời cũng kê khai chi phí hoạt động tăng lên ở các nước này để giảm mức đóng thuế.

Giới quan sát cho rằng, biện pháp thu thuế mạnh tay của Chính phủ Pháp nhằm thực hiện lời cam kết với cử tri của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Macron đã cam kết sẽ thắt chặt chính sách đánh thuế đối với các “đại gia” Internet của Mỹ.
Cũng có ý kiến cho rằng quyết định của Chính phủ Pháp có thể xuất phát từ những quan ngại về ngân sách trong nước, khi Bộ Tài chính nước này đang tìm kiếm nguồn thu mới dưới sức ép của các cuộc biểu tình “áo vàng” kéo dài trong hơn 1 tháng qua.
Vào giữa tháng 12, Tổng thống Macron đã thông báo hàng loạt biện pháp nhằm giảm thuế cho các gia đình thu nhập thấp, để lại lỗ hổng thu nhập lên tới hàng tỷ EUR cho ngân sách năm 2019.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn
Exit mobile version