Site icon Thời báo Việt Đức

Phát minh tình cờ, nổi tiếng không ngờ

Ảnh: Trung Hiếu

Trong suốt chiều dài lịch sử có nhiều sản phẩm rất hữu dụng và nổi tiếng lại ra đời theo một cách hoàn toàn bất ngờ.

Khoai tây lát chiên giòn (năm 1853)

 Câu chuyệnvề sản phẩm này đến từ George Crum, một đầu bếp người Mỹ gốc Phi tại khu nhà nghỉ Moon’s Lake House Lodge ở Saratoga Springs (New York). Một ngày trong năm 1853, Crum đối mặt với một vị khách hàng cực kỳ khó tính. Theo nguồn tin thì danh tính của vị khách đó là ông trùm ngành đường sắt Cornelius Vanderbilt. Vị khách hàng luôn mồm chê món khoai tây của đầu bếp Crum rằng nó quá dày, nhũng nước và nhạt nhẽo, và đòi đổi món khác. Mặc dù đầu bếp Crum thừa sức để cắt các lát khoai tây mỏng hơn, nhưng ông khách vẫn không chịu, cho rằng ăn không ngon.

Không muốn lâm vào cảnh đấu khẩu, đầu bếp Crum quyết định “dạy” cho ông khách một bài học thú vị: Crum đã thái các lát khoai tây mỏng tang rồi chiên nó ngập trong chảo dầu cho đến khi khoai tây giòn đến độ chỉ cần đâm nĩa cũng đủ làm khoai tây nát bét, rồi phủ lên khoai tây một xíu muối bột. Vừa trông thấy món ăn, Cornelius Vanderbilt đã vớ lấy và đánh chén hết miếng này sang miếng khác, tấm tắc khen món ăn ngon tuyệt và gọi nhiều thêm. Tiếng lành đồn xa, đầu bếp Crum tóm lấy cơ hội quảng bá món “Khoai tây chiên Saratoga” và mở một nhà hàng cho riêng mình, chuyên bán món này.

Saccharin, chất làm ngọt nhân tạo (năm 1877)

Một đêm năm 1877, nhà hóa học người Nga Constantin Fahlberg bị lôi cuốn vào nghiên cứu của mình từ phòng thí nghiệm ở Đại học Johns Hopkins (Baltimore, Maryland). Fahlberg vội vã trở về nhà dùng bữa cơm tối quên luôn cả chuyện rửa tay.

Tại bàn ăn, Fahlberg cầm một khoanh bánh mì nướng, cắn một miếng nhưng bỏ nó xuống ngay. Chuyện khủng khiếp gì đã xảy ra? Khoanh bánh mì tự nhiên có vị ngọt. Fahlberg đột nhiên nhớ rằng ông quên rửa tay sau khi làm xong thí nghiệm. Thứ chất bí ẩn nào làm cho mọi thứ trở nên ngọt? Hào hứng với khám phá bất ngờ của mình, Fahlberg rời bữa ăn tối và hộc tốc quay trở lại phòng thí nghiệm, tỉ mỉ kiểm tra các thành phần của hắc ín. Fahlberg nhanh chóng nếm thử mọi thứ trên bàn làm việc của mình. Cuối cùng nhà hóa học đã tìm ra “anh bạn lạ”: một cái cốc bị đun quá lâu. Bạn đọc thử tưởng tượng mà xem, nếu như Fahlberg rửa sạch tay trước khi rời phòng thí nghiệm thì thế giới có lẽ mãi mãi sẽ chẳng ai biết đến chất tạo ngọt nhân tạo.

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Coca-cola (năm 1886)

 Trong lúc tìm cách để trị dứt bệnh đau đầu và cảm giác nôn nao, nhà hóa học John Pemberton đến từ thành phố Atlanta (tiểu bang Georgia, Mỹ) đã bất ngờ pha chế ra một ly sirô làm từ rượu vang và tinh chất coca và ông đặt tên món uống mới là “Vang coca Pháp của Pemberton”. Khoảng năm 1885, thành phố Atlanta cấm bán rượu, buộc nhà hóa học Pemberton phải nghĩ ra cách để sản xuất ra một món uống dạng si rô có thành phần coca được pha loãng.

Chuyện kể rằng, một nhân viên pha chế bất cẩn ngay tại vòi soda, thay vì dùng nước vòi thì người nhân viên dùng nước soda lạnh. Người ta tin rằng việc này là một dụng mưu của nhà hóa học Pemberton nhằm kiểm nghiệm quá trình nghiên cứu của mình. Nhiều người đã đem các mẫu nhỏ tới nguồn soda Willis Venables ở trung tâm thành phố Atlanta để thẩm định hương vị. Dù theo cách nào đi nữa thì cuối cùng một loại đồ uống thú vị cũng kịp chào đời.

Tia X (năm 1895)

Trong phòng thí nghiệm tối om vào một ngày của năm 1895, nhà vật lý người Đức – Wilhelm Conrad Rontgen đang bận rộn thử nghiệm các ống tia cực âm – tương tự như bóng đèn huỳnh quang của chúng ta ngày nay – nhằm điều tra xem cách truyền điện qua khí. Ông cẩn thận tháo 1 ống cực âm không khí rồi nhét một loại khí đặc biệt vào bên trong, rồi truyền một dòng điện cao áp qua ống. Trước sự ngạc nhiên khôn tả của Rontgen khi cái ống cực âm để cách ông vài mét bỗng đột nhiên phát ra thứ ánh sáng huỳnh quang xanh lục.

 Quả là không bình thường khi mà thứ ánh sáng lại phát ra từ hộp các-tông màu đen dày được phủ lên ống cực âm. Thứ ánh sáng huỳnh quang xanh lục đó là tia X, được sinh ra thông qua một cách bí ẩn nào đó. Kêu vợ, bà Bertha, làm đối tượng thử nghiệm, nhà phát minh Rontgen khám phá ra rằng những tia X có thể đi xuyên qua các mô của cánh tay, nổi rõ hình xương tay. Việc Rontgen đột nhiên khám phá ra tia X đã trở thành một sự kiện chấn động toàn cầu. Cũng ngay trong năm 1895, người ta đã dùng tia X trong việc chẩn đoán gãy xương.

Nón kem (năm 1904) 

Vào cuối thế kỷ 19, khi kem trở thành món ăn thông dụng đối với tầng lớp bình dân, các loại giấy, thủy tinh và kim loại thường được sử dụng để đựng kem. Những người bán hàng rong thường múc kem cho vào cốc và người mua chỉ cần trả vài xu là tha hồ liếm sạch kem trước khi trả lại cốc cho chủ quán. Cũng có khi khách hàng lấy luôn cốc hoặc quăng nó đâu đó.

Tại Hội chợ thế giới năm 1904 tổ chức ở St Louis (tiểu bang Missouri, Mỹ) có sự tham dự của hơn 50 tiệm kem và hàng tá các quầy kem. Kem tươi bán rất chạy vì thời tiết khá nực, nhưng một phần là do kem được đựng bên trong một lớp bánh lót! Người chủ tiệm kem Arnold Fornachou bán ra các tách kem bằng giấy, còn người chủ hàng bên cạnh – một người Syria tên là Ernest Hamwi, thì bán ra các miếng bánh lót để kem có thể cuộn gọn bên trong, khi ăn kem người ta ăn luôn cả lớp bánh lót đựng kem.

Peniciline (năm 1928)

Vào ngày 3/9/1928, trong lúc đang dọn dẹp phòng thí nghiệm tại Bệnh viện St Mary’s ở thủ đô London (Anh) sau khi trở về từ kỳ nghỉ, nhà Vi trùng học người Scotland-Alexander Fleming đã lờ mờ nhận ra có một chuyện rất lạ: một cái khuôn lên mốc xanh bị nhiễm vi khuẩn từ đĩa thí nghiệm nằm ngay trong một góc phòng thí nghiệm, đĩa đã không rửa khi Fleming rời phòng đi. Fleming có ý định vất bỏ cái đĩa ủ mầm vì ông nhận thấy rằng cái khuôn nấm mốc dường như đang hòa tan vi khuẩn tụ cầu trên đĩa, tạo ra một vòng tròn không mang mầm bệnh trên khuôn.

 Bằng cách nào đó, một bào tử khuôn nấm mốc đã rơi vào trong đĩa ủ – có lẽ do cửa sổ phòng thí nghiệm mở toang, hoặc có lẽ là khi Fleming mở toang cửa nhà để đi xuống tầng dưới lấy cà phê – và bắt đầu sinh trưởng. Sau các xét nghiệm xa hơn, Fleming đã khám phá ra rằng có một số thứ trong khuôn đã làm chận lại sự sinh trưởng của vi khuẩn. Nếu không vội vàng đi nghỉ mát, có lẽ Fleming sẽ rửa sạch cái đĩa ủ và ngày hôm nay chúng ta cũng sẽ không có một trong những loại kháng sinh được sử dụng thông dụng nhất thế giới.
Ảnh minh họa: pixabay.com

Lò vi sóng (năm 1946)

Trong lúc thử nghiệm vi sóng ngay trước một thiết bị radar vào năm 1946, kỹ sư kiêm chuyên gia về radar trong thời Chiến tranh thế giới thứ II, ông Percy Spencer (người bỏ học từ năm 12 tuổi) đã để thanh sôcôla trong túi áo và nó từ từ tan chảy. Cho rằng vi sóng là căn nguyên khiến sôcôla bị chảy thành nước, Spencer và các đồng nghiệp bắt đầu thử nghiệm đun nóng các thực phẩm khác nhằm tìm hiểu về tác động làm ấm tương tự có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

 Khi Spencer thử nghiệm với các hạt ngô thì ngay lập tức bỏng ngô văng khắp phòng. Kế đó, ông quyết định đun nóng 1 quả trứng. Bằng cách khoét một cái lỗ ở cạnh bên chiếc ấm đun nước, Spencer đã đặt quả trứng bên trong ấm và cho vi sóng đi lên mặt ấm. Quả trứng được nấu chín rất nhanh khiến ông Spencer không biết cách điều chỉnh nhiệt độ, và khiến cho quả trứng nổ tung vào mặt một đồng nghiệp khác khi người này đang dòm vào trong ấm. Cuối cùng đã có một giải pháp thay thế cho các loại lò điện và lò gas thông thường. Với lò vi sóng, thực phẩm được nấu chín cực nhanh, chiếc lò vi sóng đầu tiên trên thế giới đã ra đời như thế đó.

Khóa dán (năm 1955)

Hơn 60 năm trước, chiếc khóa dán đã được cấp bằng sáng chế. Loại móc nối và móc khóa là sản phẩm được cả thế giới sử dụng cho rất nhiều việc khác nhau, từ việc ngăn chặn áo khoác mở ra, cho đến ngừa miếng đệm rơi khỏi ghế. Phát minh này ra đời hết sức tình cờ. Khoảng năm 1955, sau khi dẫn chó đi dạo bộ trong cánh rừng, kỹ sư điện người Thụy Sỹ, ông George De Mestral, nhận thấy rằng các cạnh sắc của quả cây ngưu bàng bám dính lên quần áo của ông cũng như lông con chó.

 Quan sát các cạnh sắc dưới kính hiển vi, ông De Mestral nhìn thấy có hàng ngàn cái móc nhỏ xíu có thể dễ dàng dính chặt lên các vòng nhỏ trong quần áo. Nguồn cảm hứng này khiến cho De Mestral nảy sinh ý tưởng tạo ra loại khóa 2 mặt, như sau này ông viết về phát minh của mình: “Một mặt có các móc cứng như cạnh sắc, mặt kia lại có các vòng mềm mại như các sợi vải trong quần của tôi”. Kỹ sư De Mestral đã thử nghiệm với đủ loại vật liệu nhằm giúp cho ông phát triển ra một loại khóa dán mạnh nhất. Cuối cùng, nylon là vật liệu hoàn hảo. Và thế là khóa dán – một sự kết hợp của “nhung” và “móc” – đã ra đời.

Giấy ghi chú (từ 1968 đến 1974)

Vào năm 1968, nhà hóa học Spencer Silver (làm việc tại Công ty sản xuất và khai khoáng Minnesota ở St Paul, tiểu bang Minnesota, Mỹ), người được cho là phát minh ra chất kết dính mạnh mẽ dùng cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, nhưng cuối cùng ông đã phát minh ra một thứ ít tên tuổi hơn. Kỳ lạ thay, những khối cầu acrylic được tạo ra không dễ gì mà phá hủy, và độ dính nó rất cao ngay cả khi đã sử dụng vài lần. Buổi đầu, Silver muốn bán chất kết dính như một thứ bề mặt dính dùng cho bất kỳ ai muốn gắn nó lên bảng thông báo. 

Ông hình dung cách người ta dán chúng lên bảng và lột ra sau đó mà không cần đụng móng tay vì có thể sẽ làm tan nát mảnh giấy dán. Ý tưởng này chỉ trở thành một sản phẩm thực sự cho mãi đến năm 1974, khi nhà hóa học Art Fry nảy ra một ý tưởng: tại sao không dùng chất kết dính “ít dính” của ông Silver dán trên các mảnh giấy? Fry bắt đầu cắt các mẩu giấy nhỏ và dán chúng lên nhau. Sau đó, một vài mẫu giấy dán được gửi tới cho công chúng và hiệu quả tức thì, ít nhất 90% số người được phát mẫu giấy ghi việc đã phản hồi và muốn mua thêm. Ngày hôm nay, loại giấy ghi chú vẫn thuần túy một màu vàng.

Biệt dược Viagra (năm 1998)

 Buổi ban đầu các thử nghiệm lâm sàng tại Công ty dược phẩm Pfizer dùng Viagra làm thuốc tim mạch trong điều trị hạ huyết áp, nở rộng các tĩnh mạch máu và điều trị chứng đau thắt ngực. Dù các kết quả ban đầu không như mong muốn, nhưng khi áp dụng lên các tình nguyện viên nam giới với thuốc Viagra thì thật bất ngờ là nó đã cho ra một tác dụng phụ bất thường “một khả năng cương cứng, cứng hơn, rắn hơn và kéo dài hơn” so với dùng các loại thuốc cương dương trước đó – theo báo cáo của TS Brian Klee, giám đốc y tế cao cấp của hãng Pfizer.

Mặt khác, Pfizer khó có thể tiếp thị thuốc Viagra để trị chứng đau thắt ngực. Dường như rối loạn cương dương cũng như chứng đau thắt ngực xảy ra là do máu không chảy đủ nhanh qua các khe tĩnh mạch hẹp. Một thị trường hoàn toàn mới đã mở ra cho những viên thuốc nhỏ màu xanh nước biển: thuốc UK92480 trở thành Viagra, loại thuốc được bán nhanh nhất mọi thời đại.

Theo Nguyễn Thanh Hải / Báo Giáo dục & Thời đại

Exit mobile version