Site icon Thời báo Việt Đức

Quả ngọt từ chiến lược tiếp thị giáo dục Đức

Đồ họa: Trung Hiếu

Số lượng du học sinh quốc tế tới Đức đạt 340.305 trong năm 2016, theo thống kê gần đây của Cơ quan trao đổi học thuật Đức (DAAD), tăng khoảng 6% so với năm trước đó. 

Đẩy mạnh thu hút du học sinh nằm trong chiến lược tiếp thị lớn của Đức, bao gồm cả tìm kiếm đối tác cho các trường đại học hay tuyển mộ giảng viên tài năng…

“Anh ngữ hóa” các chương trình cao học

Mức tăng du học sinh cao nhất ở bậc đào tạo cao học. Năm 2016, số học viên quốc tế theo học các chương trình cao học tăng 12%, chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số du học sinh tại Đức.

Số du học sinh tới Đức sau khi kết thúc THPT tại quê nhà, được biết như Bildungsaulaender, là 251.542 người. Trong số này 90.214 người theo học chương trình cử nhân, tăng 10% so với năm trước đó, trong khi số học viên cao học là 86.245, tăng 12% so với năm 2015 – thu hẹp khoảng cách tuyển sinh giữa 2 hệ đào tạo.

Việc tăng số chương trình cao học dạy bằng tiếng Anh trong vài năm qua tại Đức góp phần làm tăng số lượng học viên cao học – theo Jan Kercher, nghiên cứu viên cao cấp tại DAAD.

“Có nhiều chương trình cao học dạy bằng tiếng Anh tại Đức (hiện là 1.043 chương trình) hơn so với số chương trình cử nhân dạy bằng Anh (hiện là 204)” – Kercher cho biết – “Số chương trình cao học dạy bằng tiếng Anh vẫn giữ nhịp tăng”.

Trung tâm du học hàng đầu châu Âu

Chiếm tỉ trọng cao nhất trong khối du học sinh đang học tại Đức đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương – 28% tương đương 70.748 người.

Cùng với xu hướng toàn cầu, Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia có nguồn du học sinh lớn nhất. Trung Quốc có 32.268 người, tăng từ 30.250; trong khi số sinh viên Ấn Độ tăng từ 11.655 lên 13.537.

Ấn Độ đã vượt qua Nga trở thành nguồn cung du học sinh cao thứ hai năm 2015. Còn thị trường Nga, mặc dù có 11.413 du học sinh nhưng cho thấy không có dấu hiệu tăng năm 2016. Kercher cho rằng, nguyên nhân không rõ ràng nhưng có thể ảnh hưởng bởi nền kinh tế Nga gặp khó khăn và “sứt mẻ quan hệ Đức – Nga trong vài năm qua”.

Tây, Bắc và Nam Âu đóng góp 1/5 du học sinh tại Đức trong năm 2016, chiếm tỉ lệ cao thứ hai sau khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Các quốc gia tại Trung và Đông Nam Âu chiếm gần 14% tổng số sinh viên nước ngoài.

Mặc dù chỉ chiếm 2,4% tổng số du học sinh, thị trường Bắc Mỹ cho thấy không có dấu hiệu tăng. Số sinh viên Mỹ tăng từ 4.728 lên 5.213 trong năm ngoái. Điều này có lẽ là bởi “hệ quả của tăng chi phí học tập và sinh hoạt tại Mỹ” – Kercher bình luận.

Kết hợp số học viên Bildungsaulaender với số du học sinh theo học chương trình THPT tại Đức – sinh viên quốc tế chiếm khoảng hơn 12% tổng số sinh viên Đức.

“Chúng tôi biết rằng du học sinh đến Đức đặc biệt bởi họ sẽ nhận được giáo dục chất lượng cao với bằng cấp được quốc tế công nhận giúp họ có cơ hội việc làm tốt hơn” – Stefan Hase-Bergen, phụ trách tiếp thị đại học tại DAAD, cho biết – “Và cũng bởi Đức là nơi du học an toàn và chi phí thấp”.

Hase-Bergen cũng cho biết: “Tiếp thị không có nghĩa chúng tôi chỉ tập trung vào tuyển du học sinh mà còn, ví dụ, hỗ trợ các trường đại học của chúng tôi tìm kiếm những đối tác tốt nhất thế giới cho trao đổi và nghiên cứu hoặc tuyển mộ các nhà khoa học quốc tế. Tiếp thị đối với chúng tôi có nghĩa là hỗ trợ quốc tế hoá các trường đại học của chúng tôi về mọi mặt”.

Thanh Anh / Báo Giáo dục & Thời đại

Exit mobile version