Site icon Thời báo Việt Đức

Quân đội chung EU dần thành hiện thực

Ảnh minh họa: pixabay.com

Ngày 20-11, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp và đã đạt được những đột phá quan trọng liên quan kế hoạch quốc phòng châu Âu. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy việc hợp tác và thành lập quân đội EU. 

Kế hoạch dài hạn

Các Bộ trưởng thống nhất rằng cơ cấu sở chỉ huy quân sự quy mô nhỏ, còn gọi là năng lực lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự, sẽ được tăng cường từ nay đến năm 2020 cả về nhân sự và chức năng. Cụ thể, châu Âu có thể tiến hành những chiến dịch quân sự (dưới sự ủy nhiệm của Liên hiệp quốc hoặc ủy nhiệm của EU) với quy mô 2.500 người. Cũng tại cuộc họp này, các Bộ trưởng đã thông qua đề xuất về Quỹ quốc phòng châu Âu được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trong khuôn khổ khung tài chính dài hạn (MFF) giai đoạn 2021-2027. Kế hoạch này có mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối. 

Các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua danh sách cập nhật các dự án được thực hiện theo Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO). Danh sách này bao gồm 17 dự án mới, ngoài 17 dự án ban đầu được phê duyệt hồi năm ngoái. Các dự án liên quan tới một loạt lĩnh vực như đào tạo, xây dựng năng lực và khả năng sẵn sàng tác chiến trên đất liền, trên biển, trên không cũng như trong không gian mạng. 

Thái độ các bên

Tổng thống Nga V.Putin đã bất ngờ khẳng định với truyền thông rằng Moscow ủng hộ ý tưởng thành lập quân đội mà EU đang theo đuổi: “Họ có một nền kinh tế mạnh, những thị trường rộng lớn. Họ xứng đáng có quân đội của riêng mình. Tôi nghĩ đấy là một tư duy phù hợp”. Ngược lại với sự ủng hộ của Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích trên Twitter cá nhân về quan điểm này.

Lý giải cho sự bất mãn của ông Trump, giới phân tích chính trị và quân sự của Nga dự đoán, lực lượng quân sự chung EU sẽ là “công cụ hữu hiệu” để EU bình thường hóa quan hệ với Nga.

Theo Leonid Ivashov, Giám đốc Viện Các vấn đề địa chính trị, đối với EU, việc sở hữu một lực lượng quân sự chung là ý tưởng mang tính “giải phóng quốc gia”. Mặc dù NATO với vai trò dẫn đầu của Mỹ vẫn tồn tại, song an ninh của châu Âu luôn chịu sự chi phối của Mỹ. Cùng quan điểm này, Tiến sĩ khoa học quân sự và là một trong những người sáng lập Viện Các vấn đề địa chính trị Konstantin Sivkov cho rằng, một lực lượng quân sự độc lập của châu Âu sẽ cho phép khu vực này hợp tác quân sự với Nga. Hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn trong năng lực quân sự của các nước EU, chủ yếu về phòng không và không quân. Do vậy khí tài của Nga sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống này.

Tuy nhiên, theo tạp chí Foreign Affair, để ngăn chặn châu Âu xoay quanh Nga, Washington sẽ phải ủng hộ và khuyến khích quyền tự chủ của châu Âu theo đúng hướng. Xét cho cùng, quyền tự chủ chiến lược của châu Âu không phải là về việc xây dựng một đối trọng với sức mạnh quân sự của Mỹ, mà là châu Âu đầu tư vào an ninh của chính mình và của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Bất chấp những khác biệt, các nhà lãnh đạo ở cả hai phía phải tin tưởng. Khi đối mặt với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga hồi sinh và các mối đe dọa an ninh đang gia tăng, các nền dân chủ tự do của Mỹ và châu Âu ràng buộc lẫn nhau hơn là chia rẽ.

Ngày 13-11 vừa qua, EC đã đệ trình đề xuất nội dung quy định về thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu trong khuôn khổ MFF kế tiếp cùng gói kinh phí khoảng 13 tỷ EUR. Quỹ Quốc phòng châu Âu khuyến khích tính sáng tạo và cho phép triển khai công tác nghiên cứu trên qui mô lớn và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác.

Theo Việt Anh (tổng hợp) / sggp.org.vn

Exit mobile version