Site icon Thời báo Việt Đức

Quan hệ Mỹ – Đức: Không bằng mặt, chẳng bằng lòng

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Người Đức vốn không thích sự trễ hẹn. Và người Đức sẵn sàng “ăn thua đủ” nếu ai đó hủy hẹn vào phút chót. Vì vậy, chuyến đi Đức của Ngoại trưởng Mỹ lần này được cho là nhằm “sửa lỗi” cho chuyến thăm “hụt” lần trước.

Từ 30/5-5/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến công du châu Âu đến Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan và Anh. Trong đó, chặng dừng chân tại Đức đang thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi ngày 7/5, ông Pompeo cũng đã lên kế hoạch đến quốc gia đồng minh này nhưng lại hủy chuyến thăm vào phút chót. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus giải thích: “Chúng tôi buộc phải sắp xếp lại cuộc gặp tại Berlin do các vấn đề cấp bách… Ngoại trưởng (Pompeo) mong muốn được đến Berlin sớm”.

Mâu thuẫn bùng phát

Hiện lịch trình của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tại Đức vẫn chưa có nhiều. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, tại Berlin, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ hội kiến Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel và người đồng cấp Đức Heiko Maas vào ngày 31/5. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức từ chối bình luận về vấn đề này và nói rằng thông tin về các cuộc gặp sẽ được thông báo ngắn gọn.

Chuyến đi Đức lần này của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Đức gặp nhiều rạn nứt, thậm chí giới phân tích chính trị cho rằng những năm gần đây, chưa bao giờ quan hệ đồng minh này lại “sóng gió” đến vậy. Bản thân Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Angela Merkel cũng được ví như “nước với lửa” bởi sự khác biệt về xuất thân, tính cách, phong cách lãnh đạo và quan điểm xử lý vấn đề đối nội – đối ngoại.

Thời gian qua, ông Trump luôn bày tỏ sự bất bình với Đức về chính sách thương mại, cho rằng Berlin thực hiện “thương mại không công bằng” khi xuất siêu quá nhiều sang Mỹ. Không những vậy, ông chủ Nhà Trắng còn cáo buộc Đức hạn chế ngân sách quốc phòng, cũng như không thực hiện trách nhiệm đóng góp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi Mỹ phải gánh vác quá nhiều để cung cấp cho Đức “sự bảo vệ mạnh mẽ và tốn kém”.

Đáp lại, bà Merkel cũng nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ quan điểm của Washington trong nhiều vấn đề, từ chuyện siết chặt các lệnh trừng phạt Nga, cho tới việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) 2015. Bà khẳng định Đức ủng hộ toàn cầu hóa và phản đối quan điểm của Tổng thống Trump coi thương mại toàn cầu là sàn đấu “kẻ thắng – người thua”.

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Merkel tuyên bố thời kỳ hoàn toàn có thể tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ – Đức đã qua, đồng thời kêu gọi người dân châu Âu phải nắm lấy vận mệnh của mình. Điều này cho thấy, sau thời gian “âm ỉ”, những bất đồng giữa hai bên đã bùng phát, khiến quan hệ song phương chuyển sang một giai đoạn mới căng thẳng hơn.

Những bất đồng này đã làm “phá sản” chuyến thăm Mỹ với mục tiêu thuyết khách của bà Merkel hồi tháng 4. Bà đã không thể thuyết phục ông Trump ngừng áp đặt các biện pháp tăng thuế quan gây xáo trộn quan hệ thương mại cũng như không rút khỏi thỏa thuận JCPOA mà Đức cùng các cường quốc khác đã phải rất khó khăn mới đạt được.

Triển vọng mong manh

Mâu thuẫn lại càng thêm chất chồng khi đầu tháng 5 này, ông Pompeo đột ngột hủy chuyến thăm Đức. Trên Sputnik, nhà báo Đức Diani Barreto cho rằng quyết định của ông Pompeo cho thấy thêm sự đổ vỡ trong quan hệ Đức – Mỹ. “Rõ ràng Đức cảm thấy không hài lòng với phong cách ngoại giao của Bộ trưởng Pompeo”, bà Barreto nhận xét.

Theo quan điểm của Đức, đối thoại – dù không thực chất – vẫn tốt hơn là im lặng. Bà Merkel từng đối thoại với Tổng thống Nga Putin hàng chục lần trước khi Nga sáp nhập Crimea. Mặc dù nỗ lực này không làm thay đổi quyết định của Moscow, dư luận trong nước Đức vẫn đánh giá cao bà Thủ tướng. Tương tự như vậy, dù ông Pompeo có thể chỉ có các cuộc trao đổi xã giao với chính giới Đức, “việc ông hủy cuộc hẹn (ngày 7/5) là hành động không thể chấp nhận”, tờ Suddeutsche Zeitung bình luận gay gắt.

Trong chuyến đi châu Âu gần đây nhất, tại Phần Lan, ông Pompeo lấy lý do “giải quyết một số vấn đề an ninh quốc tế” để bỏ qua Đức, bay sang Iraq rồi sau đó tới thăm Anh. Ở Baghdad, Ngoại trưởng Mỹ thảo luận với chính quyền sở tại về những diễn biến liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran lại càng khiến dư luận Đức bất bình khi Berlin lâu nay vẫn nỗ lực để cứu vãn JCPOA.

Dường như Đức – dù luôn là “đầu tàu” của Liên minh châu Âu – đã không còn chiếm vị thế quan trọng trong mắt người Mỹ. Đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa thăm chính thức Đức dù đã 2 lần đến đây dự các sự kiện. Hồi đầu năm, ông Pompeo từ chối tham dự Hội nghị An ninh Munich (Đức) – một diễn đàn quan trọng mà những Ngoại trưởng Mỹ tiền nhiệm luôn tham gia. Với những xung khắc lợi ích cơ bản trong các vấn đề song phương cũng như thế giới, Washington đã thể hiện “ra mặt” sự không bằng lòng của mình đối với Berlin.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, quan hệ Đức – Mỹ vẫn có ý nghĩa quyết định trong mối quan hệ quốc tế xuyên Đại Tây Dương. Bản thân Đức luôn nỗ lực khơi thông dòng chảy tự do thương mại thông qua việc tìm kiếm một thỏa hiệp “cùng thắng” với Mỹ. Vì vậy, dù gặp nhiều trục trặc chưa được xử lý, Washington vẫn muốn cùng Berlin từng bước giải quyết một loạt thách thức chính trị – kinh tế hiện nay. Đây cũng chính là thông điệp mà Mỹ muốn gửi gắm qua chuyến đi sắp tới của Ngoại trưởng Pompeo. Tuy nhiên, triển vọng gỡ bỏ khúc mắc Mỹ – Đức còn rất mong manh.

Theo Trịnh Quang Chinh / Thế giới & Việt Nam

Exit mobile version