Site icon Thời báo Việt Đức

Quốc gia hạnh phúc

Ảnh minh họa: pixabay.com

Jennifer Larsen, cô giáo Đan Mạch có giọng nói nhẹ nhàng, bước vô lớp và yêu cầu các học sinh 12, 13 tuổi cất điện thoại, bắt đầu bài học chính.

Buổi học sẽ kết thúc với hai khẩu hiệu: “Tôi đồng ý” và “Tôi không đồng ý”. Rồi cô kiểm tra lại học trò của mình qua các câu như “Tôi muốn giải quyết các vấn đề với bạn tôi tốt hơn”, “Khi tôi nổi giận, tôi muốn đánh ai đó”, “Tôi có những người bạn đã giúp tôi khi tôi buồn và muốn nổi khùng”…

Theo một cách mộc mạc, bài học lớp 6 của trường Mollevang, ở Faxe, một khu vực tự trị ở nông thôn phía Tây Nam thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, là bài dạy nhận thức xã hội và sự đồng cảm – quá trình tạo nên Đan Mạch ngày nay, một trong những quốc gia đáng sống nhất châu Âu.

Một phần của chương trình giáo dục là nhắm đến việc dạy dỗ học sinh quan tâm chăm sóc đến người khác khi còn nhỏ – một phẩm chất mà lãnh đạo các trường đều lo lắng đang bị mất nhanh chóng trong xã hội hiện đại.

Ở Đan Mạch, sự cảm thông đã trở thành một phần của hệ tư tưởng dân tộc, đã được dạy và được đánh giá cao khắp nơi, từ trường mẫu giáo đến các văn phòng tập đoàn. Phụ huynh đánh giá sự tử tế của con mình trong lớp cũng quan trọng không kém các điểm số về toán và khoa học của chúng. Giáo viên vì thế đang tái tập trung vào các phương pháp lâu đời của giáo dục sự cảm thông và thiết lập các chương trình mới như phương pháp trên ở Faxe.

Các giáo viên ở Đan Mạch phải theo chuẩn “AKT” (viết tắt của từ hành vi, liên lạc và hạnh phúc). Các thầy cô AKT thường phải có trách nhiệm giải quyết “xung đột xã hội” trong lớp khi nó phát sinh. Họ giúp học sinh cùng làm việc với nhau và đảm bảo không học sinh nào bị đơn độc hoặc bị bỏ rơi. Xã hội Đan Mạch mặc định rằng một người tốt thì tốt hơn một người có điểm cao trong học tập.

Các chương trình giảng dạy nhằm giúp học sinh lái những cảm xúc tiêu cực đi xa, đồng cảm với người khác và phục hồi tâm lý nhanh hơn, giữ bình tĩnh và tập trung nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy, những kỹ năng này không chỉ tương quan với thành tích học tập, mà chúng có thể dự đoán sự thành công trong tương lai.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí American Journal of Public Health năm 2015 sau khi theo dõi các bé mẫu giáo trong gần 2 thập kỷ, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người có nhiều kỹ năng cảm xúc – xã hội hơn sẽ có nhiều thành công hơn trong trường học và trong việc làm ở tương lai. Các em có ít khả năng trở thành tội phạm. Phát hiện này đã thay đổi nhận thức trong giáo dục. Phát triển một đứa trẻ trở thành người có ích không chỉ chăm chăm đến tiêu chí “học sinh giỏi”.

Gần đây, các nhà học thuật của Mỹ đề xuất các trường học nên kết hợp giảng dạy nhận thức xã hội hàng ngày hơn là bổ sung các chương trình này hàng tuần hoặc hàng tháng. Theo CSmonitor, nhiều chương trình thí điểm khác đang được tiến hành ở Mỹ để thúc đẩy trí tuệ cảm xúc trong sinh viên, trong đó bao gồm cuộc thí nghiệm trị giá 11 triệu USD ở Kentucky gọi là Compassionate Schools Project.

Kể từ khi Liên minh châu Âu bắt đầu xếp hạng chỉ số hạnh phúc của các quốc gia năm 1973, Đan Mạch hầu như luôn nằm trong những nước đầu danh sách có chỉ số chăm sóc, tự do, sức khỏe và thu nhập tốt nhất.

Theo Hạnh Chi / sggp.org.vn

Exit mobile version