Site icon Thời báo Việt Đức

Quy định mới về quảng cáo

 Kể từ ngày 30.12.2008, khi bộ luật chống cạnh tranh không lành mạnh UWG mới (Gesetz gegen den unlauteren Wettbewerb) bắt đầu có hiệu lực, Đức đã áp dụng các quy định mới được sửa đổi về quảng cáo và kinh doanh. Bộ luật UWG được cải cách theo quy phạm EU (UGP – Richtlinie) về các biện pháp phòng quảng cáo gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Danh sách đen:

Quy phạm trên của EU có liệt kê một danh sách gọi là “danh sách đen” gồm 31 biện pháp quảng cáo hỗ trợ kinh doanh không đúng mực từ phía doanh nghiệp bán hàng. Một số ví dụ cơ bản được trích từ “danh sách đen”:

– Tuyên bố không đúng sự thật về việc chuyển dời địa điểm bán hàng hoặc sắp đóng cửa cửa hàng (điều  §15).

– Thông tin sai lệch về việc có sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ trong một thời gian ngắn, gây áp lực về thời gian khiến khách không còn khả năng lựa chọn và phải mua hàng (điều §7).

– Rao hàng hóa “miễn phí”, “không mất tiền” hoặc tương tự, mặc dù người tiêu dùng vẫn phải chịu phí tổn nào đó (điều §20).

– Quảng  cáo mua hàng   sẽ tăng khả năng thắng cuộc, khi khách hàng tham gia chơi trò chơi có thưởng (điều §16).

– Tạo cho khách hàng cảm giác đã trúng thưởng hoặc sẽ trúng thưởng, mặc dù điều kiện để nhận giải thưởng này liên quan đến việc khách phải trả một khoản tiền (điều §31).

– Rao bán hàng hóa dịch vụ theo giá hấp dẫn, khi khách có nhu cầu lại từ chối bán món hàng này và yêu cầu mua hàng khác thay (điều §6).

Các biện pháp đánh lạc hướng khách hàng để bán sản phẩm:

Khi kiểm tra một chương trình quảng cáo, trước tiên người ta thường xét xem có biện pháp nào nằm trong “danh sách đen” hay không. Kết quả không vi phạm chưa đồng nghĩa với việc biện pháp quảng cáo được coi là hợp pháp. Động thái tiếp theo là câu hỏi về các cách làm khách hàng mất phương hướng, theo quy phạm EU, cũng bị xem là không lành mạnh và sẽ bị cấm. Một biện pháp quảng cáo bán hàng bị đánh giá làm khách hàng mất phương hướng, nếu như phương cách này đánh lừa khách hàng hoặc có khả năng đó. Ngay cả việc nêu ra các thông tin đúng sự thật về sản phẩm cũng có thể “lừa” khách hàng, nếu như việc này chỉ nhấn mạnh các đặc tính tốt, bên cạnh đó giấu nhẹm thiếu sót sản phẩm như thành phần, mục đích sử dụng, số lượng, xuất xứ, giá bán v.v.

Ngoài ra, thông tin không chính xác trong chương  trình  quảng  cáo  về  chủ doanhnghiệp, quyền lợi của khách hàng, thông tin có thể gây ra nhầm lẫn sản phẩm với sản phẩm của đối tượng cạnh tranh, nếu không chuẩn bị và kiểm tra kỹ đều có thể bị đánh giá “đánh lạc hướng khách hàng”.

Trách nhiệm thông tin:

Quy phạm UGP của EU cũng coi việc không thông báo các thông tin quan trọng mà khách hàng cần biết để quyết định sẽ mua hay không, là “đánh lạc hướng”. Đặc biệt, trong trường hợp kêu gọi khách mua hàng, chương trình quảng cáo phải có các thông tin chủ yếu sau:

– Các đặc điểm chủ yếu của sản phẩm.

– Tên gọi, địa chỉ người bán hàng hay công ty.

– Giá hàng hoặc dịch vụ, đã có thuế cũng như phí vận chuyển.

– Điều kiện thanh toán, giao hàng cũng như thông tin khi khách cần khiếu nại.

– Quyền xóa hợp đồng, trả lại hàng (nếu có). Quy định chung: Điểm cuối cùng để xét xem một biện pháp quảng cáo được coi là trong sạch hay không chính là quy định cơ bản trong quy phạm UGP. Theo đó, một biện pháp kinh doanh quảng cáo sẽ bị tính là không lành mạnh, nếu như mâu thuẫn với trách nhiệm nghề nghiệp trong kinh doanh và có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách.

(Hoài Nam tổng hợp)

Exit mobile version