Site icon Thời báo Việt Đức

Quy trình trục xuất người nước ngoài

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

TBVĐ-Trục xuất được Bộ Nội Vụ Đức (Bundesinnenministerium, viết tắt là BMI) định nghĩa là “thi hành nghĩa vụ đưa một người nước ngoài rời khỏi địa phận liên bang Đức” – nếu cần, được phép sử dụng quyền cưỡng chế – bao gồm tất cả những người nước ngoài không có giấy phép lưu trú hợp pháp.
 
Trong đó có cả người xin tị nạn nhưng không được Cục Liên Bang về Di Cư và Người Tị Nạn (Bundesamt für Migration und Flüchtlinge, viết tắt là BAMF) chấp nhận, cũng như trước các tòa án hành chính đã không đưa ra được những lý do thuyết phục, cản trở việc trục xuất.
 
Trong trường hợp này, người nhận lệnh trục xuất hoặc là phải tự động rời khỏi nước Đức, hoặc sẽ bị cưỡng chế đưa ra khỏi nước Đức, nếu họ có hành vi chống đối. Thông thường, quyền thi hành án trục xuất nằm trong tay của Sở Ngoại Kiều ở từng vùng. Sau khi nhận lệnh trục xuất từ Cục BAMF, nhiều người nước ngoài sẽ tự lo việc về nước và sẽ nhận những chương trình trợ giúp đặc biệt của nhà nước. Những người cố tình trốn tránh, sẽ bị cảnh sát đến tận nơi ở hoặc nơi ẩn trốn cưỡng chế đưa ra tận sân bay. Nhiều lần, các cơ quan của Đức đã cho tổ chức những chuyến bay riêng, chuyên chở từng đội người nước ngoài bị trục xuất về nước. Nặng hơn, cảnh sát có thể được lệnh bắt giữ và tạm giam người bị trục xuất để đợi ngày về nước.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào đưa ra lệnh trục xuất là trục xuất được ngay. Một số người sẽ bỏ trốn, một số khác sẽ xin giấy bác sỹ chứng minh tình trạng sức khỏe yếu kém, không có khả năng đi đường xa hay ngồi máy bay. Vào tháng 7-2017, những quy luật này đã được cải cách và thắt chặt hơn, nghĩa là chỉ những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo mới được tạm thời hoãn hoặc vĩnh viễn không trục xuất. Ngoài ra, người nhận lệnh trục xuất cũng có quyền kháng án. Bên cạnh đó, những người đến từ các quốc gia đang gặp vấn nạn chiến tranh như Syrien hoặc Irak, hoặc nếu về nước sẽ bị đe dọa đến cuộc sống và tính mạng (ví dụ hình phạt tra tấn hay tử tội), cũng không dễ dàng có thể bị trục xuất. Các tiểu bang tại Đức thì thi hành lệnh trục xuất về Afghanistan khác nhau. Có nơi không đồng ý trục xuất người Afghanistan, một số nơi khác như Hamburg, Niedersachsen hay Mecklenburg-Vorpommern ra lệnh trục xuất những đối tượng nguy hiểm, tội phạm và thậm chí là đàn ông độc thân không có việc làm hay không xin được nơi học nghề.
 
Một số quốc gia từ chối nhận người bị trục xuất quay trở lại, đa phần bởi không có giấy tờ tùy thân, giấy tờ được cấp tạm thời cũng không ghi rõ quê quán. Đối với các trường hợp không thể trục xuất, Sở Ngoại Kiều có thể cấp giấy tạm trú. Trong thời hạn tạm trú, người nước ngoài không phải lo sợ bị trục xuất. Tuy nhiên, giấy tạm trú chỉ giới hạn trong vài tháng ngắn ngủi. Nếu có đủ lý do chính đáng, người được tạm trú có thể tiếp tục xin gia hạn. Sau sớm nhất 18 tháng hoặc có khi là nhiều năm, người được tạm trú có thể sẽ được cấp giấy phép lưu trú hoặc định cư dài hạn.
 
Bình Minh
Exit mobile version