Site icon Thời báo Việt Đức

Quyền giám hộ con cái của người không kết hôn

TBVĐ- Vào năm 2009, Tòa án Nhân quyền Châu Âu từng lên án nước Đức, bởi luật giám hộ và chăm sóc con cái của Đức (das Sorgerecht) quá phân biệt đối xử những người làm bố không đăng ký kết hôn với người mẹ.

Không lâu sau đó, Tòa án hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht) cũng lên tiếng đề nghị chính phủ chỉnh đốn và đổi mới lại điều luật này. Nhưng phải sau bốn năm, vào năm 2012, luật giám hộ và chăm sóc con cái dành cho người không đăng ký kết hôn mới chính thức được áp dụng.

Luật mới bảo đảm quyền lợi cho người bố không đăng ký kết hôn

Trước đây, nếu hai người chỉ cùng chung sống mà không đăng ký kết hôn, người bố không có chút quyền hạn để tham gia quyết định bất cứ điều gì cho con mình. Quyền giám hộ và chăm sóc con cái hoàn toàn chỉ thuộc về một mình người mẹ. Hiểu theo luật pháp của Đức lúc đó, thì bởi người mẹ mang nặng đẻ đau sinh con ra, nên là người đầu tiên có quyền chăm nuôi và quyết định mọi thứ cho con mình. Thậm chí, nếu bố mẹ không đăng ký kết hôn, khi đi khai sinh, con cái sẽ tự động mang họ mẹ chứ không phải họ bố. Người bố chỉ nhận được quyền chăm nuôi con khi có sự đồng ý của người mẹ. Nếu người mẹ phản đối, bất kể là vì lý do gì, người bố nếu đâm đơn kiện ra tòa cũng chưa ai có cơ hội thắng kiện.

Kể từ năm 2012 đến nay, bộ luật mới cho phép người bố không đăng ký kết hôn được cùng người mẹ đến Sở bảo vệ thanh thiếu niên (Jugendamt) hoặc Phòng đăng ký kết hôn (Standesamt) làm giấy nhận con (Vaterschaftsanerkennung) và giấy ủy quyền chăm nuôi con (Sorgerechtserklärung) hoặc giấy chia sẻ quyền chăm nuôi con (Sorgerechtserteilung).

Nếu người mẹ phản đối, người bố có thể đệ đơn lên Tòa án gia đình xin phân chia quyền Sorgerecht. Tòa án thường không chấp nhận ngay, mà sẽ cho người điều tra lý do cũng như xem xét hoàn cảnh gia đình. Nếu chứng thực được người bố có ảnh hưởng xấu đến con cái, Tòa sẽ bác đơn. Trong trường hợp ngược lại, và nếu người mẹ sau sáu tuần không phản ứng gì, Tòa sẽ tự động phân chia quyền chăm nuôi con đều cho hai bên.

Phí Toà án sẽ do mỗi bên chịu một nửa, nếu người bố thắng kiện. Nếu người bố thua kiện sẽ phải tự chịu mọi phí tổn, có thể đệ đơn xin hỗ trợ án phí.

Sử dụng quyền giám hộ và chăm nuôi con thế nào cho đúng?

Quyền giám hộ và chăm nuôi con không chỉ để giải quyết những việc đơn giản thường ngày như con được ăn gì, mặc gì, đi đâu chơi, định cư ở đâu, mà nó bao gồm toàn bộ những lựa chọn về lợi ích cũng như sức khỏe, phong cách sống, phát triển tương lai của trẻ. Đôi khi chỉ đơn giản là muốn mở sổ tiết kiệm cho con, mà hai bên bố mẹ nếu không thống nhất, chỉ cần một người phản đối thì ý định này không thể thực hiện.

Nói một cách đơn giản, mọi quyết định của bố mẹ đều phải đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu. Những biện pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe thông thường, như tiêm phòng, đi khám định kỳ, đồ ăn thức uống nếu không quá ảnh hưởng về lâu dài bao gồm cả đồ ăn nhanh và đồ ngọt, hoặc giờ ăn – ngủ – chơi – học, sử dụng di động, chơi game trên mạng, giờ xem TV v.v. có thể do một trong hai người quyết định mà không bắt buộc phải có sự đồng ý của người kia.

Tuy nhiên, các vấn đề ảnh hưởng lớn và lâu dài như chuyển đổi chỗ ở, ở với ai, chơi với bạn nào, đi chơi xa hoặc ra nước ngoài với lớp học, đi học trao đổi… cả hai bố mẹ đều cần phải biết và cùng nhau lựa chọn cho con mình. Ngoài ra, cả hai bố mẹ cũng có quyền được quyết định chung cho việc con nên đi học trường nào, có được sử dụng xe gắn máy chưa, được nuôi thú cưng không, sẽ nhận bao nhiêu tiền tiêu vặt hàng tháng, và thậm chí là dưới 14 tuổi, con sẽ theo tín ngưỡng gì. Điều đặc biệt ở đây là khi con bước sang tuổi 14, theo luật pháp Đức thì sẽ được phép tự lựa chọn tín ngưỡng cho mình. Lúc này, không ai có quyền bắt trẻ phải thay đổi hay theo bất kỳ tín ngưỡng nào nếu trẻ không muốn.

Những lý do Tòa tước quyền giám hộ và chăm nuôi con

Mười nguyên nhân Tòa xem xét việc tước quyền giám hộ và chăm nuôi con bao gồm: Nguyên nhân đầu tiên là khi bố hoặc mẹ phạm phải các “lỗi trong việc

nuôi dạy” như hay gào rú mắng chửi con, hướng con chống đối nhà nước, có xu hướng chính trị cực đoan như căm thù chủng tộc, ghét và tẩy chay người nước ngoài, hoặc không quan tâm đến việc học tập, trường lớp của con. Một trong những việc cha mẹ phải lo lắng là giữ gìn tài sản của con. Nếu lấy hết tiền tiết kiệm của con tiêu pha không đúng mục đích, sẽ bị gọi là “ăn trộm”, là nguyên nhân thứ hai để bị tước quyền chăm nuôi con. Nguyên nhân thứ ba là hành hạ, ngược đãi trẻ, kể cả khi trẻ không phải bị chính bố hoặc mẹ, mà bị anh chị lớn đánh đập. Thông thường, Sở bảo vệ thanh thiếu niên sẽ can thiệp và xử lý những trường hợp này.

Nguyên nhân thứ tư để Tòa tước quyền chăm nuôi là dùng quyền bố mẹ để dạy con những điều sai quấy, ví dụ không cho con đi học hoặc dạy con trộm cắp, đánh người. Nguyên nhân thứ năm là gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ, ví dụ như không đưa con đi khám chữa bệnh, hoặc như các tín đồ Zeugen Jehovas không chịu tiếp nhận hiến máu khi bạo bệnh. Nguyên nhân thứ sáu là không quan tâm, chăm sóc, để con đói và thiếu thốn quần áo, giầy dép, cho mặc đồ rách rưới, không vừa vặn, bỏ mặc con tự lo liệu một mình, muốn đi đâu đến mấy giờ không cần hỏi cũng là lý do bị Toà tước quyền chăm nuôi.

Nguyên nhân thứ bảy gọi là “hành vi vô thức” nhưng có hại cho trẻ, bao gồm tất cả những hình thức bị nghiện nói chung, ví dụ khi một người mẹ bị nghiện và dự đoán trong tương lai khó mà cai được, hoặc khi bố mẹ bị bệnh nguy hiểm như rối loạn tâm thần hoang tưởng từng giai đoạn. Nguyên nhân thứ tám là môi trường sống có hại và gây nguy hiểm cho trẻ, ví dụ nhà ở khu vực nhiều người nghiện, buôn bán ma tuý, hành nghề mại dâm hoặc quan hệ với những phần tử cực đoan và băng nhóm nguy hiểm. Nguyên nhân thứ chín là không chấp nhận nền giáo dục của Đức và không chịu cho con đến trường đi học. Nguyên nhân thứ mười là cấm đoán con giao tiếp và quan hệ với người thân, họ hàng mà Toà đã cho phép.

Bình Minh

Exit mobile version