Site icon Thời báo Việt Đức

Quyền im lặng Schweigerecht

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Quyền im lặng là một quyền hợp pháp được công nhận, một cách rõ ràng hoặc theo quy ước, trong nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới.

Bất cứ ai khi bị tình nghi hoặc bị mời đến giúp đỡ điều tra, làm nhân chứng, v.v. đều có quyền giữ im lặng (Schweigerecht).

Quyền giữ im lặng tại Đức được phân biệt với quyền từ chối làm chứng (Zeugnisverweigerungspflicht) – luật này dành cho những đối tượng được mời ra làm chứng, có quyền từ chối cung cấp thông tin của các cá nhân khác, ví dụ như bác sỹ, nhà báo, cha cố – và quyền từ chối khai báo (Aussageverweigerungsrecht) – luật này chỉ dành cho các nghi phạm, các đối tượng bị hỏi cung hoặc truy tố ra trước tòa án hình sự, bởi họ có quyền không đưa ra lời khai hay hành vi chống lại chính mình hoặc tự buộc tội mình, mà chỉ phải khai báo các thông tin cá nhân.

Trong trường hợp này, chiếu theo luật pháp, cảnh sát cũng không được đánh giá việc các đối tượng giữ im lặng là vì họ phạm tội. Đối tượng chỉ trở thành “hung thủ” sau khi tòa án xét xử dựa trên các bằng chứng xác thực và ra án quyết xử phạt. Các nghi phạm thường được khuyên là hãy giữ im lặng và liên lạc với luật sư của mình để được tư vấn và bảo vệ. Trong quá trình điều tra tội phạm, cảnh sát thường không vào vai “anh hùng” hay “cứu hộ” nữa, mà điều họ quan tâm nhất lúc này là phá án.

Nhiều nghi phạm chỉ vì khai báo quá nhiều và thậm chí quá thừa cũng đã tự chuốc họa, bởi nhiều lời khai vô tình dễ gây mâu thuẫn lẫn nhau mà đối tượng không để ý. Vì thế cách tốt nhất khi vướng vào nghi án thì hãy nhớ tới câu châm ngôn “nói là bạc, im lặng là vàng”!

C.Chi

Exit mobile version