Site icon Thời báo Việt Đức

Sau chuyện phồn hoa

Ảnh: Trung Hiếu

Tôi dành những dòng này chỉ để nói về chuyện phồn hoa ở xứ người, nhân vụ 39 nạn nhân (dù có quốc tịch nào đi chăng nữa) tử nạn trên đường vượt biên qua xứ sở sương mù.

Tôi ở Đức gần ba năm, một thời gian không dài nhưng cũng kha khá đủ để tiếp xúc với khá nhiều người Việt. Từ những gia đình mở nhà hàng, rau quả, may mặc, thực phẩm châu Á đến những cô chú, ông bà sống bằng nghề rửa bát, rửa ly, bồi bàn thuê và ăn tiền trợ cấp.

Họ sống chủ yếu ở phía Đông Đức, như Berlin, Leipzig đến Erfurt, Ilmenau hay vài thành phố khác. Người Việt Nam tại Đức xếp vào số đông đúc ở châu Âu. Họ sang Đức từ những năm 70, 80 và 90 bằng đường xuất khẩu lao động, học nghề hoặc bằng đường vượt biên bằng thuyền qua nhiều nước trước khi đặt chân đến nơi này.

Cái giá của họ trả đủ. Ông chú mà tôi ở cùng thời ở Đức là một ví dụ. Khi còn ở Việt Nam qua Đức học nghề, về nước làm một thời gian lại tìm đủ cách quay lại sang Đức. Chuyện hợp tan của ông và vợ với các con, chuyện đi rồi về-về rồi lại qua, cứ như phim hành động. Tôi hay bảo ông là người ngụp lặn giữa hai bờ đại dương để tìm đến nơi mà ông gọi là chốn bình yên – ở đó con cái được hưởng tất cả những phúc lợi tốt nhất của một nhà nước ưu Việt về giáo dục, y tế, v.v.

Cạnh đó là một thuyền nhân, người tôi hay sang cắt tóc vào những khi tóc dài chụp cả tai (ở Đức cắt tóc đắt nên sinh viên tranh thủ cắt cho nhau, đẹp xấu không quan trọng). Ông bỏ mấy chỉ vàng, đóng chiếc thuyền rồi leo lên cược tính mạng với những con sóng. Rồi cũng đến Hong Kong, và bằng cách nào đó là ngụp lặn sang tận Đức. Ông vẫn hay rủ tôi nói chuyện chính trị quê hương, với những sự cay đắng, giận hờn dẫu rằng ở tuổi của ông với căn bệnh tiểu đường, mỡ máu thì có lẽ đã vẹn tròn bên con cháu với những giây phút ấm cúng.

Rồi cũng trong làng ấy, có gia đình cô chú sang Đức theo diện hợp tác lao động. Nước Đức thống nhất khi bức tường Berlin sụp đổ, người Việt được nhận tiền bồi thường để trở về quê hương. Số tiền ấy đủ mua một ngôi nhà lớn và nếu để đến nay, chắc giá trị đã tầm vài chục tỷ. Ông bám lại bất chấp, rồi đón vợ, các con sang. Những ngày tháng cháo rau cũng đưa ông bà trở nên sung túc hơn với nhà cửa, con cái thành đạt.

Còn nhiều lắm những câu chuyện mà bất kỳ ai cũng sẽ phải thèm thuồng khi nghĩ tới nước ngoài, tới sự giàu có và sung túc. Ăn uống không lo lắng ô nhiễm, ra đường không phải đeo khẩu trang, không có nạn quan liêu, cũng chẳng có cướp bóc trắng trợn. Hiếm có chuyện chết vì thiếu tiền chữa bệnh, và lại càng không có chuyện bỏ học vì nghèo. Ôi! Biết bao nhiêu thứ làm cho chúng ta say sưa.

Thành phố Düsseldorf. Ảnh: Trung Hiếu

Ngày tôi chọn cách về Việt Nam, nhiều người cản. Họ có lý! Có thể ở bên ấy không có địa vị xã hội, thậm chí chỉ cần đi phụ bếp thì gia đình cũng không phải quá lo nghĩ đến chuyện áo cơm. Nhà nước cấp cho người dân biết bao thứ miễn phí. Sướng!

Nhưng đó là một nửa bức tranh.

Người Việt, đã từng không ít gia đình, dậy từ 2-3 giờ sáng dưới tiết trời rét đậm, tuyết qua đầu gối để đi bán quần áo ở những phiên chợ trời. Có hôm phải thắp cây nến to bằng bắp tay trong xe để sưởi ấm chờ đến khi rạng sáng bán quần áo, cạnh tranh từng chút với những tay người Thổ.

Người Việt, gần như nhiều gia đình làm nhà hàng, cửa hiệu thực phẩm, chỉ nghỉ được một ngày trong tuần. Thậm chí có gia đình một năm chỉ nghỉ nửa ngày giáng sinh – đó là khi người Tây vào nhà chung vui tết đến, chẳng ai màn đổ ra đường.

Người Việt, đã có người ăn mì gói chất chiu bao năm, thậm chí nhịn đói để thời gian thức khuya dậy sớm, dành dụm để mở cửa hàng. Họ quên thời gian, quên không gian, quên luôn chuyện dạy con cái. Đến ngoài 50 phát hiện bệnh nặng, nằm đơn độc trong bệnh viện trời tây. Con cái không chăm, vì chúng bảo “con chăm thì sao bằng y tá”. Ngày mất mím môi trôi nước mắt, con cái hưởng một cục tiền thừa kế rồi đốt vào những quán bar thâu đêm hay những chiếc xế hộp mà ba mẹ chúng cả đời chưa bao giờ dám đặt đít.

Người Việt, có những đứa con nhiều khi đáng thương, vì chúng không bao giờ có tết. Khổ một nổi là tết tây thì gia đình chúng vẫn buôn bán còn tết ta thì không phải ngày nghỉ ở Tây. Thành ra chúng nói “chả biết tết ta là gì, chả biết tết trung thu là gì, và chả biết bao nhiêu điều nữa”. Tôi hay nói đùa (mà thật): Đó là những đứa trẻ không bao giờ có tết.

Người Việt, dù ở trời tây phải đi nhặt từng cái lon, chai nước ngọt đổi lấy 8 cent, thì về Việt Nam phải đốt hàng chục ngàn Euro chỉ trong nháy mắt. Khổ thay mang tiếng Việt kiều, về Việt Nam tặng 500 ngàn bị bà con xì xào bàn tán. Khô tahy mang tiếng Việt kiều, anh em trăm sự đổ lên vai: tiền hiếu hỉ, ma chay, tiền phải chăng với từng người trong họ. Ra nhà hàng gọi đồ ăn ngập mặt, người trong nước thì hả hê thể hiện còn Việt kiều tặc lưỡi: Sao phí quá, bao nhiêu đồ ăn, toàn đổ.

Người Việt, cứ ngỡ qua Tây rồi trở nên “tây”, nhưng đằng sau cũng phải bon chen, mánh khóe. Có người “bán bầu” có người “mua bí” – tức “mua bán” con giả để có giấy tờ. Có vài cô gái kia phải có con với cùng một người đàn ông để hợp pháp hóa giấy tờ vì “đã lỡ qua, tốn kém, nên phải ráng bám lại”. Vụ này cảnh sát Đức nói hoài.

Còn biết bao câu chuyện, mà người Việt phải chịu đựng phía sau những câu chuyện sướng vui hào nhoáng. Ít ai biết. Thường thì ai thành công bám trụ Đức hoặc muốn kéo theo “bạn cùng cảnh ngộ” sẽ chỉ nói vài ba mảnh ghép của một bức tranh.

Vậy nên, tôi nghĩ chuyện 39 người tử nạn trên đường vượt biên cũng chỉ là một thảm kịch trong số nhiều thảm kịch khác (có thể) họ sẽ trải qua. Chỉ mong tất cả mọi người trước khi chọn lựa, hãy biết rằng không có bức tranh nào chỉ vỏn vẹn một màu hồng!

Nguồn Facebook Đỗ Thiện

 

Exit mobile version