TBVĐ- Đã có lúc căng thẳn Mỹ và Triều Tiên khiến người ta ngờ vực vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Chỉ trong vài tuần qua, cụm từ “chiến tranh” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông khi đưa tin về tình hình quan hệ Mỹ và Triều Tiên. Nhiều người, sau cú tấn công bằng tên lửa bất ngờ và kinh hoàng của tổng thống Mỹ Donald Trump vào Suyria, trở nên lo ngại về một cuộc đụng độ hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Nếu xảy ra, đó sẽ là một thảm họa không thể lường hết hậu quả, mà tính chất của nó theo nhiều chuyên gia nhận định không thua khác gì một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ III. Cả tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều nằm trong tầm phân tích của các chuyên gia về khả năng kích hoạt một cuộc chiến quy mô lớn.
Theo hãng thông tấn Yonhap, trang web tuyên truyền Meari của nhà nước Triều Tiên hồi cuối tháng 4 vừa qua đã đăng tải một đoạn video có nội dung mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Nhà Trắng và tàu sân bay Mỹ. Đoạn video bắt đầu bằng cuộc duyệt binh với các tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc Kim Nhật Thành hôm 15-4; tiếp đó là cảnh tàu sân bay, máy bay ném bom và nhiều xe bọc thép của Mỹ nằm trong tầm ngắm giả định của tên lửa hạm đối hạm và các tên lửa Scud phía Triều Tiên. Đặc biệt, video có cảnh các tàu sân bay Mỹ bốc cháy kèm thông điệp cảnh báo: “Khoảnh khắc kẻ thù phát động tấn công và khiêu khích”.
Đây không phải là lần đầu Triên Tiên tung những đoạn video tấn công giả định, khi thì nhắm vào Hàn Quốc, lúc thì nhằm vào Mỹ – đồng minh chiến lược của Hàn Quốc tại khu vực. Lãnh đạo Triều Tiên trước đó còn cho phóng tên lửa (tuy thất bại) để gia cố quan điểm chống lại sự hiện diện của Mỹ và gây áp lực từ phía Hàn Quốc. Trong hơn một thập kỷ qua, Triều Tiên đã năm lần thử hạt nhân, trong đó riêng năm 2016 đã có đến 2 lần. Các cuộc đụng độ giữa nam-bắc Triều từ khi hai miền bị chia cắt vẫn thường xuyên diễn ra, có lúc tưởng chừng “vượt lằn đỏ” dẫn đến chiến tranh vũ trang. Dù vậy, lịch sử cho thấy lãnh đạo Triều Tiên (và Hàn Quốc) chưa bao giờ đẩy xung đột lên mức chiến tranh không thể cứu vãng và buộc Mỹ phải can thiệp, gây chiến tranh quy mô lớn. Thực tế chiến tranh là một kịch bản “thua-thua” cho cả Triều Tiên và Hàn Quốc; và nếu năng lực hạt nhân của Triều Tiên là có thật thì các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực và thậm chí là nước Mỹ xa xôi cũng không tránh khỏi những hệ lụy vô cùng nguy hiểm.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau vụ tấn công Syria một cách thiếu thận trọng đã chuyển hướng “đe dọa” Triều Tiên. Mỹ mới đây đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III – loại tên lửa đạn đạo với tầm bắn tối thiểu là 5.500 km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Giới chuyên gia nhận định về mặt lý thuyết, Mỹ cách Triều Tiên khoảng 8.000 km, thế nên ông Trump có thể tấn công Triều Tiên bằng ICBM. Niềm tin này càng được củng cố sau khi ông Trump tấn công Syria và đưa cụm tàu sân bay tấn công Carl Vinson của hải quân Mỹ đến gần bán đảo Triều Tiên để tham gia các cuộc diễn tập chung với hải quân Hàn Quốc. Dù vậy, khả năng ông Trump “vượt vùng xám” là rất thấp.
Có thể hiểu cuộc tấn công Syria là một phép đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại liên tiếp của ông Trump trong chính sách đối nội suốt 3 tháng qua. Mặt khác, Syria không phải Triều Tiên – vấn đề vốn phức tạp hơn rất nhiều và không dễ giải quyết, và chính ông Trump sau khi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải thừa nhận như thế. Hơn nữa, Triều Tiên không đứng một mình. Dù Trung Quốc lên tiếng đồng tình với Mỹ rằng phải giải quyết vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ và Trung Quốc đứng cùng một phe và giải quyết cùng một cách giống nhau là dồn Triều Tiên vào thế đường cùng. Một động thái như vậy không có lợi cho Trung Quốc, nếu không muốn nói là có hại.
Giải quyết vấn đề Triều Tiên sẽ còn lâu dài Mỹ không muốn điều đình trực tiếp với Bắc Triều Tiên, cũng không muốn phải qua mặt đồng minh Hàn Quốc để tăng uy tín cho Bắc Triều Tiên, chí ít là trước khi có những chỉ dấu rõ rệt rằng Bắc Triều Tiên ngưng chương trình nguyên tử. Ngoài ra, thương thuyết đa phương trong quá khứ đã không mang lại kết quả, rồi “hiệp ước khung” (Agreed Framework) năm 1994 sau khi ký kết cũng bị Bắc Triều Tiên vi phạm. Mặt khác, TQ cũng không muốn tăng áp lực tới mức Bình Nhưỡng phải vào cảnh suy sụp. Triển vọng Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc và sự hiện diện của quân đội Mỹ ngay sát biên giới TQ là điều TQ khó chấp nhận. Những khác biệt căn bản này cho thấy vấn đề Bắc Triều Tiên không phải là một vấn đề dễ để giải quyết, điều mà chính ông Trump cũng phải thừa nhận. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ) |
Trần Phú
Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 05.2017