Site icon Thời báo Việt Đức

Sóng nhiệt từ châu Á sang châu Âu: Thiệt hại khôn lường

Ảnh minh họa: pixabay.com

Những tuần qua, nhiều đợt sóng nhiệt và bão lũ hoành hành dữ dội gây thiệt hại hàng chục tỷ USD về cả người và của, ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt trong đời sống của nhiều triệu người trên khắp thế giới.

Gây thiệt hại lớn

Bão nhiệt bắt đầu hoành hành tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ tháng 7 vừa qua. Hiện nắng nóng tại Hàn Quốc đã khiến ít nhất 42 người thiệt mạng. Nước này cũng ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng có trong 100 năm qua. Giới chức cho biết hơn 3.400 người phải nhập viện điều trị các loại bệnh liên quan đến nhiệt.

Tuần trước, nhiệt độ tại thủ đô Seoul lên tới 39,6°C, cao nhất trong vòng 111 năm qua. Seoul hiện là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cho biết dự định sẽ sửa luật để xếp nắng nóng cực đoan vào nhóm thiên tai, cho phép các nạn nhân được hưởng trợ cấp và đền bù.

Chia sẻ với báo giới ngày 12-8, chủ một nhà hàng ở thủ đô Seoul cho biết công việc kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng bất thường. Giá các loại rau tăng gấp 3 lần so với bình thường, ảnh hưởng tới hoạt động của cửa hàng.

Số liệu do Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc công bố cho thấy hầu hết giá các loại rau cùng tăng, trong đó giá bắp cải tăng tới 41,2%. Các loại trái cây cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Tại các siêu thị ở Seoul, giá một quả dưa hấu đã tăng lên đến mức khoảng 20 USD/quả, cao hơn 20% so với giá trung bình hồi tháng trước.

Ở lĩnh vực khác, giá điện và nhiên liệu cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Tổ chức Dầu mỏ quốc gia của Hàn Quốc cho biết, giá xăng trong tuần đầu tiên của tháng 8 đã chạm mức 1,43USD/lít – mức cao nhất trong năm nay. Để giúp kiểm soát giá điện, hiện chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình trong tháng 7 và 8. Theo đó, một gia đình 4 người sử dụng 350 kilowatt điện trong một tháng chỉ phải trả mức phí 58USD, giảm 25,5% so với mức giá thông thường.

Bão nhiệt còn ảnh hưởng tới quân đội. Theo Korea Times, quan chức Hàn Quốc cho biết một kho đạn đã phát nổ do phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao. Tại nước này, một số kho đạn được xây dựng trên mặt đất thay vì đặt trong hầm dưới đất. Những cơ sở này trở thành mối đe dọa lớn khi nhiệt độ tăng cao.

Trong khi đó, thành phố duyên hải miền Đông Trung Quốc là Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang đã được kích hoạt ứng phó cấp độ IV trước khi bão Yagi, trận bão thứ 14 trong năm nay ở Trung Quốc, đổ bộ vào chiều 12-8.

Hòn đảo du lịch Lombok của Indonesia trở nên hoang tàn sau 3 trận động đất diễn ra lần lượt trong các ngày 29-7, 5-8 và 9-8. Hàng chục ngàn người dân đã di chuyển lên đồi hoặc núi vì lo sợ sóng thần sẽ xảy ra. Mọi người vẫn vô cùng hoang mang và lo lắng sau cơn động đất. Hầu hết du khách nước ngoài đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Chính quyền địa phương cho biết hiện vẫn còn khoảng 20.000 người dân cần cứu trợ. Chính phủ Indonesia cũng lên tiếng kêu gọi các tổ chức và cá nhân có thể tham gia hỗ trợ công tác cứu nạn.

Tạo nhiều thảm họa

Dưới ảnh hưởng của khối khí nóng châu Phi từ phía Nam, khu vực bán đảo Iberian (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đã đạt mức nhiệt kỷ lục 48°C. Đợt nắng nóng trùng với kỳ nghỉ hè của người dân châu Âu nên các nước cảnh báo khách du lịch cần tránh ra đường trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Cơ quan dự báo thời tiết Tây Ban Nha đã phát báo động đỏ ở khu vực Tây Nam đất nước, bao gồm 2 vùng Extremadura và Andalucia, các vùng khác nằm trong mức báo động vàng và cam. Ngưỡng nhiệt kỷ lục ở Tây Ban Nha là 47,3°C, ở Bồ Đào Nha là 47,4°C.

Theo thống kê, nền nhiệt ở các nước châu Âu cũng ở mức cao, nhiệt độ trung bình trong tháng 7 ở Thụy Điển là 34°C, mức cao nhất trong 250 năm qua hay nước Anh cũng trải qua nhiệt độ cao nhất trong vòng 42 năm qua là 37°C.

Còn tại Hà Lan, nhiệt độ ngoài trời cao nhất đạt gần 40°C và ở Đức thì 4 tháng nay gần như không có mưa.

Các chuyến tham quan ngắm cảnh bằng tàu du lịch trên sông Elbe của Đức phải ngưng hoạt động do mực nước xuống thấp kỷ lục
Thời tiết nóng bức làm tan chảy sông băng trên dãy núi Kebnekaise, Thụy Điển. Nhiều vùng ở Thụy Điển trải qua 2 tháng khô hạn nhất lịch sử. Lượng mưa một số nơi chỉ bằng 10% – 15% cùng kỳ hàng năm. Ảnh chụp từ vệ tinh Copernicus cũng cho thấy đợt nắng nóng thiêu đốt làm biến đổi thảm thực vật châu Âu giữa tháng 6 và tháng 7. Nhiệt độ tăng đột biến buộc chính phủ Pháp phải tạm ngưng hoạt động 4 lò phản ứng tại 3 nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, nắng nóng cũng được cho là nguyên nhân gây ra các thảm họa cháy rừng tại châu Âu, đặc biệt là vụ hỏa hoạn tại khu nghỉ dưỡng Mati (Hy Lạp) khiến hơn 80 người thiệt mạng.

Theo Việt Anh (tổng hợp) / sggp.org.vn

Exit mobile version