Site icon Thời báo Việt Đức

Sòng phẳng tiền bạc có nên chăng?

Ảnh minh họa: pixabay.com

  1. TBVĐ- Khác với phong cách sòng phẳng kiểu Tây, việc sòng phẳng tiền bạc giữa người Việt với nhau, dù đã sống ở Đức, nhiều khi vẫn mang lại nhiều chuyện đau lòng.

Cách đây mấy năm tôi có một người quen ở miền trung nước Đức còn rất trẻ, anh là chủ một quán ăn, vì chuyện tiền nong không rõ ràng trong việc trả tiền lương mà cuối cùng bị người làm có giấy tờ ở Tiệp khắc cũ đâm chết.

Sự việc đau lòng

Kẻ thủ ác đương nhiên vào tù nhưng hậu quả để lại thật đau lòng. Người chết có ba đứa con thơ với một người vợ trẻ. Cô góa phụ phải chịu cảnh bơ vơ nơi đất khách quê người. Kẻ phạm tội cũng có một gia đình như vậy. Không chỉ có trường hợp này mà muôn vàn câu chuyện khác luôn được kể lại khắp nơi. Thậm chí còn tìm nhau cả trên Facebook đòi tính sổ với giọng sát khí đằng đằng.

Cách đây gần hai chục năm, ông T., một người làm dịch vụ giấy tờ bị bắn chết ở một thị trấn tiểu bang Sachsen. Nguyên nhân cũng do không sòng phẳng mà ra: nhận tiền nhưng không làm được giấy tờ cho khách và không trả lại. Với người không giấy tờ hay tị nạn thì tiền kiếm được của họ rất vất vả. Nên khi mất tiền họ sẽ rất tức giận từ đó chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đây chỉ là hai ví dụ mà báo chí đăng tin còn phần chìm trong im lặng thì không thể kể hết.

Ngoài người không có giấy tờ làm chui bị thiệt thòi thì còn một đối tượng khá phổ biến là học sinh, sinh viên đi làm thêm lúc nghỉ hè hoặc giữa kỳ. Rất nhiều chủ không muốn trả tiền hoặc trả chỉ rất ít, không đáng kể với công sức người lao động bỏ ra. Hợp đồng không có, người làm công luôn luôn chịu thiệt mà không biết kêu ai. Phần lớn trong số họ đều ngậm đắng nuốt cay đi tìm chỗ làm mới với hy vọng gặp được người chủ tốt hơn nhưng đều rất hiếm hoi.

Văn hóa Việt và Đức

Người Việt tuy xa quê nhưng khi đến một vùng đất mới thì phần lớn họ mang theo văn hoá ứng xử nơi quê nhà. Đấy là tính cả nể, người Việt trọng tình cảm đã quen, khi tin nhau người ta trao cho nhau mọi thứ mà không cần suy tính, trong đó có tiền bạc.

Thật sự trong chuyện này thường là đáng thương hơn là đáng trách, nhưng đáng trách hay đáng thương thì sự việc cũng gây rất nhiều hệ lụy cho cả đôi bên. Ở Việt nam, việc giao dịch không có giấy tờ hợp pháp lên đến hàng trăm tỷ rồi mất trắng là chuyện thường trong xã hội. Khi bị quỵt tiền nhiều cuộc thanh trừng rùng rợn xảy ra chúng ta không lạ.

Nước Đức cùng với tính kỷ luật là gì? Đó là rõ ràng và sòng phẳng. Từ công việc đến tiền nong hay quan hệ xã hội. Người Đức rõ ràng, quy củ đến từng chi tiết nhỏ. Bạn hãy tìm hiểu về bộ luật của Đức thì biết. Người Việt nhiều khi không hiểu nổi cả những chuyện li ti họ cũng có luật rõ ràng.

Ngay cả những đứa con mình sinh ra ở đây mà nhiều khi cũng phải ngỡ ngàng vì cách xử sự của chúng trong công việc và tiền bạc. Thấy có gì như tủi thân nhưng ngẫm lại câu thành ngữ” mất lòng trước được lòng sau”, lại thấy là đúng hoàn toàn. Nhờ sự rõ ràng đấy mà nhiều mối quan hệ của người Đức không hề sứt mẻ theo thời gian dù đôi khi ta thấy nó hơi lạnh lùng và cứng nhắc.

Cái tình lúc đúng lúc sai!

Câu hỏi được nhiều người đặt ra chính là: Vậy chúng ta có cần cư xử giống hệt như người Đức không? Câu trả lời tuỳ suy nghĩ từng người, nhưng theo tôi thì dung hoà được cả hai nền văn hoá vẫn là điều hay nhất. Vì suy cho cùng chúng ta vẫn là người Việt nên không thể một chốc bỗng trở thành người Đức được.

Tiền thì có nhiều quan hệ khác nhau như cho vay, làm dịch vụ, nợ tiền hàng, chung vốn làm ăn, trả lương, thậm chí nhờ giữ tiền hộ hay thuê két giữ tiền chung trong ngân hàng. Cách đây nhiều năm, ông B., có tới năm anh em ruột ở Đức nhưng ông là người tị nạn. Tiền kiếm được anh nhờ người bạn giữ hộ. Nghe thật vô lý, nhưng ông B. phân trần nếu đưa người nhà giữ, họ tiêu mà không đòi lại được, trong khi ông có gia đình riêng tại Việt Nam không ai lo lắng.

Người bạn vừa thương ông B. vừa thông cảm cho ông ấy nên nhận lời giữ giúp. Sau đó ông B. cần, người bạn đưa nguyên vẹn số tiền ông B. gửi tôi. Ông nói ông là người may mắn vì rất nhiều người quen đã mất sạch bởi người giữ tiền hộ vì tham mà không đưa lại. Giấy tờ đương nhiên chẳng có nên đành ngậm đắng nuốt cay chịu mất tiền. Mất tiền mất luôn tình cảm thật là nỗi buồn nhân đôi. Đó là cái tình. Người Việt bản chất vốn lành, cái tình đôi khi cần đặt trọn vẹn niềm tin.

Nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng tin được, nhất là khi quyết định tin tưởng cũng có nghĩa là quyết định gặp rủi ro. Chị H., làm nghề giao hàng, cũng vì tin tưởng mà đi thuê chung một cái ngăn đựng tiền và giấy tờ với người khác trong nhà băng. Cuối cùng cãi nhau vì bị mất mát gì đó mà chứng cứ lại chẳng rõ ràng nên tiền mất tật mang. Bạn trở thành thù.

Nguyên tắc vàng

Một là về tiền bạc. Tuỳ giao dịch mà làm hợp đồng hoặc viết tay rõ ràng. Từ cho vay cho đến tiền lương hay dịch vụ (tuy bất hợp pháp nhưng cũng cần có chứng cứ. Ví dụ như trao tiền bao nhiêu, cho ai? Mục đích gì? Nên đặt vấn đề để khi dở sự có chứng cứ mà đòi. Tất nhiên mục đích người cầm tiền ghi sao cho hợp lý…).

Sang đến phần công việc. Đối với chủ Việt ở Đức nói chung không phải ai cũng quá đáng, vì chính họ cũng rất cần người làm bởi đặc thù công việc và quan hệ. Từ đấy để tránh phiền phức, cả chủ lẫn người làm nên ghi một thỏa thuận công việc rõ ràng, kể cả giờ giấc để hai bên ghi nhớ, tránh việc tranh chấp như kể trên mà dẫn đến mâu thuẫn nặng nề. Làm như thế nhiều người lo lắng vì sự khuất tất trong giờ làm việc nhưng thỏa thuận thực sự sẽ có lợi ích nhất định.

Mai Anh Kiệt

Exit mobile version