Đại liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục suy yếu sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử cơ quan lập pháp mới tại bang Hessen, miền Tây nước Đức, vừa được công bố.
Sau 13 năm nắm quyền, nhà lãnh đạo nước Đức đang phải trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Một phần của thực tế này đến từ quyết định mở cửa đất nước cho người di cư tị nạn vào năm 2015. Mặc dù đã thắt chặt đáng kể chính sách này nhưng Thủ tướng Đức đã bị “trọng thương” bởi sự thắng thế của phe cực đoan trong các cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9-2017. Bà đã chiến đấu suốt gần 6 tháng sau đó để thành lập một chính phủ liên minh với SPD và CSU. Tuy nhiên, sau hai cuộc bầu cử thất bại vừa qua, chính phủ liên minh CDU/CSU, SPD cầm quyền của Thủ tướng A.Merkel dường như đang bị dồn vào thế bí. Đặc biệt, hiện liên minh phải giải quyết mâu thuẫn giữa người đứng đầu CSU, ông Horst Seehofer với bà A.Merkel.
Từ nhiều tháng qua, CSU đã liên tục chỉ trích Thủ tướng A.Merkel về chính sách nhập cư, tạo ra những căng thẳng trong chính quyền Berlin. Một vấn đề khác mà Thủ tướng A.Merkel phải đối diện là ý định ra khỏi liên minh cầm quyền của SPD. Hơn nữa, ngay sau thất bại của CSU và SPD trong cuộc bầu cử ngày 14-10, phe cực hữu đã nhanh chóng đòi chính phủ phải giải tán.
Trong phát biểu đưa ra ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử bang Hessen được công bố, Chủ tịch SPD Andrea Nahles cho biết, đảng của bà đang lên kế hoạch một lộ trình mới cho chính phủ cầm quyền với Thủ tướng A.Merkel. Theo đó, ban lãnh đạo SPD sẽ sử dụng lộ trình này để đánh giá những tiến bộ đạt được của liên minh cầm quyền theo từng giai đoạn, từ đó có thể đưa ra quyết định có tiếp tục tham gia chính phủ liên minh cầm quyền với liên đảng CDU/CSU hay không.
Như vậy, kết quả cuộc bầu cử tại bang Hessen được đánh giá sẽ có tác động lớn tới đời sống chính trị nước Đức cũng như uy tín của Thủ tướng A.Merkel, và được cho là nguyên nhân quan trọng khiến bà tuyên bố sẽ không nỗ lực để tái cử chức Chủ tịch CDU tại đại hội đảng này tháng 12 tới.