Site icon Thời báo Việt Đức

Tại sao giới khoa học sợ hãi khi chỉnh sửa gen bào thai?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Sự kiện một nhà khoa học Trung Quốc tạo ra hai bé gái chỉnh sửa gen gây choáng váng, thậm chí là tức giận trong giới hàn lâm thế giới. Tại sao lại như vậy?

Năm ngoái, bà Jennifer Doudna – một trong các nhà khoa học đi tiên phong của kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR, từng tuyên bố: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho cái ngày khi tôi mở hộp thư hoặc trả lời điện thoại và nghe được tin ai đó sắp công bố em bé CRISPR đầu tiên”.

Cái ngày đó chính xác là ngày 25-11-2018.

Một trong những bản tin tiếng Anh đầu tiên về sự kiện chấn động này đăng trên Tạp chí MIT Technology Review. Theo đó, nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tự nhận đã tạo ra hai bé gái biến đổi gen đầu tiên trên thế giới nhờ kỹ thuật CRISPR.

“Hai bé gái xinh đẹp người Trung Quốc, Lộ Lộ và Na Na, đã cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh như bất cứ em bé nào cách đây vài tuần. Hai bé hiện đang ở nhà với mẹ Grace và cha Mark” – ông Hạ thông tin trong đoạn video đăng trên Youtube ngày 25-11.

Tuy chưa được kiểm chứng chính thức, nhưng nếu tuyên bố của nhà khoa học là sự thật, đây là cột mốc mới trong cuộc tranh luận kéo dài về đạo đức và khoa học xung quanh kỹ thuật chỉnh sửa gen người.

Công trình của nhóm khoa học Trung Quốc xoay quanh việc vô hiệu hóa một gen gọi là CCR5 trong bào thai vốn được virus HIV dùng để xâm nhập tế bào người. Trong 7 cặp đôi tham gia thử nghiệm lâm sàng, tất cả đàn ông đều dương tính với HIV. 

Trên lý thuyết, bằng cách “tắt” gen CCR5, họ có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở các em bé.

Dù thí nghiệm trên có thành công hay không, cần phải nhấn mạnh nó hết sức gây tranh cãi. Trước nay, các nhà khoa học đã dùng kỹ thuật CRISPR và các công cụ khác chỉnh sửa tế bào người nhằm chữa ung thư, rối loạn gen… nhưng trong các trường hợp này, gen bị ảnh hưởng ở yên trong cơ thể một người.

Chỉnh sửa gen một bào thai rất khác: Nó thay đổi tất cả tế bào trong cơ thể của em bé sắp ra đời, bao gồm cả tinh trùng (nếu là bé trai) và trứng (nếu là bé gái), và chúng sẽ truyền lại những thay đổi đó cho các thế hệ sau.

Đó là hành động bị cấm ở nhiều nước châu Âu và Mỹ. Bản thân nhà khoa học Trung Quốc cũng thừa nhận: “Tôi hiểu công trình của mình gây tranh cãi, nhưng tôi tin các gia đình cần kỹ thuật này và tôi sẵn sàng nhận sự chỉ trích thay họ”.

Những ngày sắp tới sẽ thử thách quyết tâm trên. Giới khoa học và đạo đức đã kịch liệt chỉ trích công trình của Hạ Kiến Khuê bằng những từ nặng nề như “quái vật”, “vô cảm”, “vi phạm nghiêm trọng quyền con người”…

Thậm chí ĐH Khoa học và kỹ thuật miền Nam (SUST) ở Thâm Quyến, nơi ông Hạ giữ chức danh giáo sư, cũng lên án ông. Họ lập tức phủ nhận sự liên quan và phê phán công trình “vi phạm nghiêm trọng đạo đức hàn lâm và các chuẩn mực”.

“Đây có phải một điều đúng đắn nên làm? Tôi nhấn mạnh là không” – nhà khoa học Paula Cannon từ Đại học Southern California nêu ý kiến.

“Tôi muốn ai đó kiểm chứng giúp liệu điều đó (chỉnh sửa gen trên bào thai) đã xảy ra chưa… Nếu là sự thật, tôi hết sức thất vọng. Nó hết sức dại dột nếu xét về an toàn, bất cẩn và ngu ngốc nếu xét về xã hội” – chuyên gia Hank Greely thuộc Đại học Stanford bình luận.

Trong trường hợp của Lộ Lộ và Na Na, giới khoa học cũng chỉ ra cha mẹ hai bé không muốn sinh ra đứa trẻ theo sở thích, họ chỉ muốn nó không mắc một căn bệnh vốn y học hiện đại đã có thể ngăn chặn.

Về bản chất, nhóm của ông Hạ Kiến Khuê đã vô hiệu hóa một gen bình thường để giảm nguy cơ mắc một căn bệnh cả hai em bé đều không có. Hiện nay y học có nhiều phương pháp giúp ngăn virus HIV truyền từ cha mẹ sang con, thậm chí đơn giản như dùng thuốc.

Ngoài ra, “tắt” gen CCR5 không đồng nghĩa hai em bé sẽ được bảo vệ hoàn toàn khỏi HIV, một số chủng virus có thể xâm nhập tế bào thông qua một protein khác gọi là CXCR4. Lộ Lộ và Nana còn có thể đề kháng yếu trước các bệnh khác như viêm não Nhật Bản, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc cúm.

Theo Phúc Long / tuoitre.vn

Exit mobile version