Site icon Thời báo Việt Đức

Thảm họa môi trường Vũng Áng: Một tháng khủng hoảng (Phần 1)

NGƯ DÂN SẼ SỐNG RA SAO?

Khủng hoảng khởi đầu tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ngày 6.4, ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh phát hiện cá nuôi lồng bè trên biển chết hàng loạt. Cùng ngày, hàng loạt cá tự nhiên chết dạt vào bờ, và nhanh chóng

Ảnh: http://baodatviet.vn

bùng phát như dịch bệnh. Cả nước chấn động tin tức, hình ảnh video dồn dập, cá chết hàng loạt khủng khiếp dọc mấy trăm cây số duyên hải từ Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên-Huế, đến ngày 29.4 tới Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Bình nặng nhất, tới ngày 29.4, thu gom được trên 100 tấn cá chết. Dự báo nếu không ngăn chặn có thể lan tận Phú Quốc. Hàng chục ngàn ngư dân không dám ra biển, riêng Quảng Bình có 18 xã với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Ngư dân đánh bắt vùng biển xa, cập bến, các đầu mối tiêu thụ quen từ chối mua, bởi ai cũng sợ nhiễm độc. Nhiễm độc: Ở huyện Phúc Trạch, Quảng Bình, có ít nhất hơn 20 trường hợp phải tới bệnh viện tỉnh cấp cứu, vì ăn các loại hải sản nghi bị nhiễm độc. Tại huyện Quảng Trạch khoảng 200 thực khách dự tiệc khai trương một nhà hàng bị trúng độc sau khi ăn hải sản. Dân hoảng loạn: Đổ xô đi mua nước mắm, đồ khô, lo dự trữ. Sợ ăn phải cá biển nhiễm độc, người dân chuyển sang các thực phẩm khác đẩy giá thịt heo tăng 10%. Mặt hàng nước mắm, muối, đồ khô, sức mua tăng gấp 5 lần.

FORMOSA VÀ KHU KINH TẾ VŨNG ÁNG

Khu kinh tế này được thành lập vào tháng 4.2006 theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3.4.2006, có diện tích 22.781 ha, trên cơ sở khu công nghiệp – cảng biển Vũng Áng đã được thành lập từ năm 1997. Tập đoàn Formosa đầu tư vào đây, được thành lập năm 1954 bởi hai anh em Vương Vĩnh Khánh và Vương Vĩnh Tại có trụ sở tại Đài Loan. Theo Forbes xếp hạng, 4 công ty con đều đứng trong Top 1000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới năm 2015. Tổng doanh thu 4 tập đoàn này đạt hơn 60 tỷ USD và vốn hóa thị trường đạt gần 70 tỷ USD. Tại Việt Nam, dự án lớn nhất của Formosa là khu liên hợp gang – thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, Formosa Group nắm gần 95% cổ phần. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án vào khoảng 10 tỷ USD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Tiền sử Formosa vào 1999, họ mua chuộc quan chức Campuchia và xả 3000 tấn chất thải chứa thủy ngân ở thành phố Sihanouville. Năm 2004 và 2005 đã xảy ra hai vụ nổ của tập đoàn này (ở Mỹ) khiến 5 người chết và nhiều người bị thương. Từ 2003 đến 2013, Formosa vi phạm nhiều quy định bảo vệ môi trường bị phạt tại Mỹ với số tiền lên đến 5 triệu USD.

Formosa và ngân sách tỉnh Hà Tĩnh. 9 tháng đầu năm 2013, thuế, phí bảo vệ môi trường Formosa nộp cho Hà Tĩnh 1.299 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2014 nộp cho Hà Tĩnh 492 tỷ đồng. Vậy trung bình một tháng Formosa nộp 99,5 tỷ, một năm khoảng 1200 tỷ VNĐ (khoảng 54 triệu đô la đô la một năm). Dự án có tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt biển (cảng Sơn Dương), tổng số tiền cho thuê đất, mặt nước trong thời gian 70 năm là khoảng hơn 96 tỉ đồng. Một năm khoảng 1,37 tỷ đồng, (khoảng 60 nghìn đô la). Vậy Formosa nộp cho Hà Tĩnh khoảng 1/5 tổng ngân sách khoảng 6065 tỷ. Trong khi đó, với thảm họa môi trường, trước mắt tỉnh mất khoảng vài chục tỷ đô la một năm do thất thu du lịch, đánh cá vận tải, chăn nuôi thủy sản, tức gấp khoảng vài chục lần số tiền thu được.

Formosa lên tiếng trước khủng hoảng môi trường: Ngày 25.4, báo Tuổi trẻ phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà nội, Ông Phàm trả lời thách thức: “Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”.

NGUYÊN NHÂN

Nguồn độc có khả năng lan xuống tận Phú Quốc. KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, giải thích (theo Người Đô Thị): Trong đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam, do chênh lệnh nhiệt độ giữa Bắc Cực và Xích đạo, trái đất quay từ Tây sang Đông, bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn luôn có dòng hải lưu tầng đáy chạy dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc xuống Nam, nhưng mạnh nhất từ Vũng Áng – Sơn Dương, Hà Tĩnh đến mũi Cà Mau. Tốc độ dòng tầng đáy tính toán được khỏang 0.38 m/s. Về mùa đông, ảnh hưởng gió đông bắc nên có dòng chảy mặt theo hướng từ Bắc xuống Nam với tốc độ bình quân 0.757 m/s. Theo tính toán dòng chảy như trên, thì chất độc không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà còn có nguy cơ lan chảy từ Hà Tĩnh xuống Phú Quốc. Vấn đề cần làm hiện nay là phải cắt ngay nguồn độc này!

Độc tố. Theo giáo sư Lê Huy Bá, độc tố thứ nhất phải mạnh, nhiều, tải lượng cao, nồng độ lớn thì mới có thể gây chết cá hàng loạt như thế. Những chất đó thường là chất hóa học hoặc kim loại nặng, có thể dưới dạng ion hoặc dạng axit mạnh hoặc những kim loại nặng gây chết hàng loạt như crom, niken, thủy ngân hoặc đồng, chắc chắn từ công nghiệp. Tác hại nhiễm độc rất lâu dài, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự làm sạch của biển (detoxifica- tion). Lịch sử Nhật đã chứng minh, 30 năm sau vẫn còn bị mặc dù họ đã có biện pháp tức thời để tẩy rửa nhưng không ăn thua. Nó nằm ở trầm tích biển thì làm sao vớt lên được mà loại trừ. Cái nguy hiểm nhất là nó đi vào dây chuyền thực phẩm. Khi thực vật trôi nổi (phytoplankton) nhiễm arsen, hay crom thì trong   những con sinh vật phù du (plankton) sẽ ăn và tích lũy hơn rất nhiều lần. Lần lượt chim cá ăn, rồi người ăn chim cá tích lũy cao nhiều lần nữa. Hậu quả cuối cùng, con người là sinh vật tiêu thụ cao dễ bị ung thư hơn cả, nguy cơ tiềm tàng cho cả mọi thế hệ.

Thực nghiệm: Chiều 26-4, tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trước sự chứng kiến của đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và nhiều người dân, phóng viên VTC đổ nước vàng đục lấy từ vùng biển Vũng Áng – nơi Formosa xả thải khỏi nhà máy luyện thép, bị nghi là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt gần 1 tháng qua – ra thau nhựa rồi cho 2 con cá đang sống khỏe vào. Sau 2 phút tung tăng, 2 con cá đuối dần rồi chết ngay đơ. (Còn tiếp)

(Thanh Lương tổng hợp)

Exit mobile version