Site icon Thời báo Việt Đức

Thần tài trong tín ngưỡng dân gian

Người Việt thờ Thần Tài chung với ông Địa. Ảnh: baophapluat.vn

 Thần Tài xuất phát từ tín ngưỡng của người Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Thực tế, theo văn hóa truyền thống của người Việt chỉ có tục thờ ông Địa chứ không thờ Thần Tài.

Theo tín ngưỡng truyền thống của người Trung Quốc, Thần Tài là Triệu Công Minh. Tương truyền ông là người núi Chung Nam (Thiểm Tây, Trung Quốc). Cuối đời Tần, chạy loạn vào núi Nga Mi tu luyện, sau đắc đạo thành tiên.

Theo sự tích Phong Thần, ông được phong làm Long Hổ Huyền Đàn Châu Quân, chủ quản việc vàng bạc, tiền tài, ban phúc lành. Hình tượng của ông trong tín ngưỡng Trung Quốc là một người cao to, mặt đen, mình mặc giáp trụ, tay cầm roi sắt, râu rậm xung quanh có tụ bảo, đĩnh vàng lớn lộ rõ vẻ uy nghi, nghiêm nghị. Triệu Công Minh được xem là Thần Tài nổi tiếng nhất nhưng không phải là thần tài duy nhất. 

Theo truyền thuyết người Trung Quốc, Thần tài gồm 5 vị tương ứng với 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm. Bao gồm: Trung Bân Tài Thần Vương Hợi. Văn Tài Thần Tỷ Can và Phạm Lãi, Võ Tài Thần Quan Công và Triệu Công Minh. Tuy nhiên, người ta chỉ thường biết đến Triệu Công Minh còn các vị khác vẫn nghe danh nhưng là ở một cương vị khác chứ không phải là Thần Tài. 

Mặc dù tiếp nhận tín ngưỡng thờ Thần tài từ Trung Quốc nhưng cách thờ phượng, cúng kiếng của người Việt lại rất khác so với người Trung Quốc. Ông Thần tài không được thờ ở bệ cao mà đặt thờ ở dưới thấp và cho “ở ghép” với ông Địa.

 

Hình tượng ông Thần Tài ở Việt Nam là một nhân vật râu tóc bạc phơ, ngồi trên ngai, tay cầm thỏi vàng đặt phía trước bụng nhìn rất hiền từ, phúc hậu. Từ  những mô, có thể thấy ông Thần tài người Việt thờ rất giống hình tượng của Văn Thần Tài Tỷ Can.

Người Việt lấy ngày Mồng Mười tháng Giêng làm ngày vía Thần Tài. Ngày này, nhiều nơi sẽ khai trương, mở hàng để cầu mong mua may bán đắt. Các gia đình chuẩn bị nhang đèn, hoa quả thịnh soạn để cúng vía Thần Tài. Thờ cúng là một nét tín ngưỡng, chỗ dựa tinh thần cho mỗi người dân.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều người lại dựa vào đó mà có những hành động, việc làm mê tín. Đến ngày Vía Thần Tài, nhiều người xếp hàng đứng chờ vài tiếng đồng hồ mua vàng để cầu mong may mắn, tài lộc. Mọi người cho rằng mua nhiều vàng sẽ được may mắn, hay thậm chí cúng nhiều lễ vật, đốt nhiều vàng mã mới có nhiều may mắn. 

Theo chuyên gia văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ngày Thần Tài cũng dần bị biến tướng, quan niệm mua càng nhiều vàng càng gặp may mắn trong ngày Thần Tài là hoàn toàn sai lầm. “Không thể nói mua thật nhiều vàng sẽ được càng nhiều may mắn mà phải là càng thành tâm mới càng may mắn”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh

Là “cha đẻ” của tín ngưỡng này nhưng khi đến ngày Vía Thần Tài, người Trung Quốc lại không ngó ngàng đến việc mua vàng cầu may, họ không đổ xô đi mua vàng như người Việt. Ngày nay, người dân Trung Quốc thường chỉ tổ chức các hoạt động truyền thống như đi lễ bái, cúng lấy may, múa sư tử, nhận lì xì…

Người dân đến những nơi rước Thần Tài để đốt nhang, cúng bái, cầu bình an, công việc thuận lợi. Thờ cúng theo tín ngưỡng là một việc làm bình thường, tuy nhiên cần hiểu rõ về vị thần và ý nghĩa của việc thờ cúng đó để tránh mê tín và có được niềm tin vững chắc trong tinh thần. 

Theo Đình Thương / baophapluat.vn
 
Exit mobile version