Site icon Thời báo Việt Đức

Thành phố Đức cấm nước nóng để tiết kiệm khí đốt

Thành phố Hanover của Đức cấm nước nóng trong các tòa nhà công cộng và đưa ra biện pháp giảm sử dụng nhiệt trong bối cảnh thiếu khí đốt.

“Mỗi kilowatt giờ tiết kiệm được sẽ tiết kiệm được kho dự trữ khí đốt”, chính quyền thành phố Hanover, thủ phủ bang Niedersachsen, tây bắc nước Đức, cho biết trong thông báo hôm 27/8.

Đây là thành phố đầu tiên ở Đức chuyển sang sử dụng nước lạnh trong các tòa nhà công cộng, dẫn đến việc không có nước nóng để rửa tay và các mục đích sử dụng khác ở các tòa nhà chính quyền, phòng tập thể dục và hồ bơi. Thành phố cũng sẽ giảm hệ thống sưởi trong các tòa nhà công cộng, tắt hệ thống chiếu sáng mặt tiền và đài phun nước bên ngoài tòa thị chính, bảo tàng thành phố và các tòa nhà công cộng khác.

“Mục tiêu là giảm mức tiêu thụ năng lượng của chúng ta xuống 15%. Đây là phản ứng đối với tình trạng thiếu khí đốt đang diễn ra, là thách thức lớn đối với các thành phố, đặc biệt là thành phố lớn như Hanover”, thị trưởng Belit Onay cho hay.

Cư dân thành phố cũng sẽ phải chống chọi với nhiệt độ lạnh hơn khi ở trong nhà. Theo quy định mới, nhiệt độ phòng tối đa trong các tòa nhà công cộng, bao gồm cơ sở trông trẻ ban ngày, bị giới hạn ở 20 độ C. Trong các phòng tập, nhiệt độ không được vượt quá 15 độ C.

Thời gian sưởi ấm mùa đông sắp tới cho các tòa nhà trong thành phố cũng đã được ấn định từ 1/10 đến 31/3/2023. “Ngoài thời gian này, hệ thống sưởi nói chung không còn được cung cấp nữa”, chính quyền cảnh báo.

“Tình hình không thể đoán trước, như vài ngày qua đã cho thấy” ông Onay nói thêm. “Tuy nhiên, chính phủ đang cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể”.

Hannover không phải thành phố duy nhất của Đức thực hiện biện pháp phòng ngừa trước mùa đông. Thành phố Dusseldorf có kế hoạch giảm nhiệt độ sưởi ấm cho mùa thu và mùa đông để tiết kiệm năng lượng, theo tờ Bild.

Đầu tháng này, các hãng truyền thông Đức đưa tin người dân đã giảm thời gian tắm trong bối cảnh chính phủ liên tục kêu gọi thắt lưng buộc bụng. Bộ trưởng Kinh tế Đức và Phó thủ tướng Robert Habeck trước đó kêu gọi người dân giảm sưởi ấm, tắm hơi và tắm vòi sen để giúp nước này giảm phụ thuộc năng lượng Nga.

Trên khắp Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên đang nỗ lực tiết kiệm khí đốt và dự trữ cho mùa đông. Đầu tuần này, các bộ trưởng năng lượng EU thống nhất cắt giảm sử dụng khí đốt 15% từ tháng 8 đến tháng 3/2023.

Tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom hôm 25/7 thông báo ngừng hoạt động thêm một tuabin tại trạm nén khí Portovaya thuộc hệ thống Nord Stream 1 theo hướng dẫn của các cơ quan giám sát, sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của thiết bị.

Động thái này khiến lưu lượng khí đốt tới Đức giảm xuống 33 triệu mét khối khí/ngày từ ngày 27/7, tương đương 20% công suất đường ống. Moskva hôm 27/7 nói rằng họ vẫn chưa nhận được tuabin đã gửi đến chi nhánh Siemens Energy ở Canada tháng 6 để bảo trì, dù Ottawa hồi đầu tháng đã cấp giấy phép để Siemens Energy trả tuabin nén khí cho Đức để đưa đến Nga.

Kết quả các khảo sát gần đây cho thấy sự bi quan lan rộng trong ngành công nghiệp Đức. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuần trước cảnh báo thiếu khí đốt có thể dẫn đến bạo loạn. “Nếu không có tuabin nén khí, chúng ta khó có thêm khí đốt, từ đó không thể ủng hộ Ukraine vì còn bận đối phó bất ổn xã hội”, bà Baerbock nói.

Huyền Lê (Theo CNNRT)

Nguồn: vnexpress.net

 

Exit mobile version