Site icon Thời báo Việt Đức

Thành phố Hồ Chí Minh được “cởi trói”

Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: pixabay.com

TBVĐ- Cuối tháng 11-2017, Quốc Hội Việt Nam chính thức thông qua dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Mình (TP.HCM) với số phiếu đồng thuận rất cao, đạt 460/465 phiếu.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp ngân sách và là vùng tập trung kinh tế-tài chính mạnh nhất trong tất cả các tỉnh thành, nghị quyết lần này giúp TP.HCM tiếp cận được những quy định thí điểm cơ chế, chính sách mang tính đặc thù về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc sự quản lý của TP.HCM.

Chuyển nhiều quyền từ Thủ tướng về Thành phố tự quyết

Nghị quyết này có rất nhiều điểm “đáng mừng” cho TP.HCM, cho thấy Chính phủ đã đưa nhiều nội dung vốn trước đây cho Thủ tướng quyết định, xuống quyền tự quyết cho chính quyền thành phố. Điển hình là Hội đồng Nhân dân Thành phố (HĐND TP) được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công. HĐND TP được đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

Một thay đổi rất được quan tâm chính là HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định với điều kiện công khai lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, HĐND TP còn tiếp cận nhiều vấn đề tự quyết khác liên quan đến (i) thu phí và thuế, (ii) hưởng ngân sách tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, (iii) vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; (iv) thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; (v) bố trí ngân sách thành phố chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập; (vi) tự quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố; v.v. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018.

Cải cách có tầm ảnh hưởng tích cực sâu rộng

Các chuyên gia kinh tế lẫn giới quan sát đều phấn khởi và nhận định đây là một bước đi tiến bộ của Việt Nam. Thực tế tại nhiều nước phát triển việc tạo cơ chế đặc thù cho các thành phố trọng điểm, hay các thành phố có đóng góp đặc biệt, là động lực của cả nước (như TP.HCM đối với Việt Nam) là không hiếm. Việc tạo ra một cơ chế đặc thù sẽ tạo ra ít nhất ba lợi ích cho Việt Nam.

Thứ nhất, lâu nay TP.HCM đều chịu chung các cơ chế quản lý với tất cả những vùng khác của các nước. Trong khi tốc độ phát triển của nơi này nhanh hơn so với nhiều nơi thì các cơ chế về luật pháp và hành chính không thể bắt kịp (vì hiệu ứng kéo chân từ các tỉnh thành phố kém phát triển hơn). Muốn tạo nên cú hích thì TP.HCM không còn cách nào là “xé rào” các cơ chế chính sách chung. Điều đó bất hợp lý và khó khăn, gây tốn kém lãng phí không chỉ cho thành phố mà cho Việt Nam nói chung.

Thứ hai, nhiều cơ chế chính sách không phù hợp với đối tượng người dân TP.HCM trong bối cảnh họ họ thuộc nhóm lao động đặc biệt hơn khi đóng góp ngân sách cao hơn rất nhiều. Điển hình như mức lương bổng của công nhân viên chức thành phố vẫn còn nhiều bất cập khi áp chung cơ chế cả nước. Nhiều người trước đây hay ví von “người Sài Gòn làm nhiều, góp ngân sách nhiều nhưng hưởng ít”. Đó là một trong nhiều vấn đề liên quan đến đời sống người dân, vốn cần có cơ chế đặc thù để đảm bảo.

Ngoài ra, TP.HCM không phải là nơi duy nhất cần được xem xét những cơ chế đặc thù. Những vùng phát triển vượt bậc so với phần còn lại cần được hưởng một cơ chế cởi mở, linh hoạt như vậy để có thể vừa phản ứng nhanh nhẹn với tốc độ phát triển, vừa có không khí cải cách và đổi mới, quan trọng hơn là có động lực khi được “cởi trói” khỏi những cơ chế chung không phù hợp, thay vào đó là tăng quyền tự chủ của chính quyền địa phương. TP.HCM sẽ là chương trình thử nghiệm đáng chú ý cho những tỉnh và thành phố khác trong cả nước để có những đề xuất tương tự trong tương lai.

Đó là lý do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cơ chế đặc thù không chỉ cho riêng TP.HCM mà cho cả nước theo tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.

Nguyễn Hoàng Dũng

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 12.2017

Exit mobile version