Site icon Thời báo Việt Đức

Thành phố Trung Quốc hóa giữa lòng nước Đức

Duisburg thay đổi diện mạo khi trở thành cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vận chuyển bằng đường sắt tràn vào châu Âu.

Trong thế kỷ trước, Duisburg ở vùng công nghiệp phía tây nước Đức là một thành phố than – thép với những ống khói xả mù mịt lên bầu trời. Tuy nhiên, thành phố đầy bụi than tại thung lũng Ruhr này vẫn ẩn chứa điều gì đó mà phần còn lại của thế giới muốn khám phá, theo Guardian.

Năm 1585, chính tại Duisburg, Gerardus Mercator xuất bản cuốn sách bản đồ đầu tiên về các nước châu Âu, được cho là cuốn “atlas” đầu tiên của thế giới. Đây cũng chính là nơi Mercator công bố bản đồ thế giới mới của mình, một sản phẩm mang tính cách mạng với các thương nhân dùng tàu buôn luôn muốn tìm những hành trình vượt biển ngắn nhất tới những miền đất mới thời đó.

Bốn thế kỷ sau, Duisburg của năm 2018 lại trở nên nhộn nhịp, không chỉ vì các thương gia ngày nay vẫn luôn muốn tìm đường ngắn nhất cho hàng hóa của mình. Khi những lời đe dọa áp thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các rào cản thương mại liên quan đến Brexit tạo ra những trở ngại rõ ràng giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ – Anh, thành phố công nghiệp Duisburg chứng kiến làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của hàng hóa Trung Quốc.

Mỗi tuần, khoảng 30 chuyến tàu Trung Quốc đến khu cảng nội địa rộng lớn ở Duisburg, mang theo những container chất đầy vải vóc, đồ chơi và thiết bị điện tử từ Trùng Khánh, Vũ Hán hay Nghĩa Ô, rồi chuyển xe hơi Đức, rượu Scotland, rượu vang Pháp và đồ dệt may Milan trên đường quay về.

Hàng hóa Trung Quốc từ cảng nội địa này được vận chuyển thẳng ra cảng Duisburg trên bờ sông Rhine, rồi được chất lên tàu thủy, tàu hỏa hoặc xe tải chạy thẳng tới Hy Lạp, Tây Ban Nha hoặc Anh.

Duisburg từng được coi là cảng nội địa lớn nhất thế giới, nhưng quy mô và tầm vóc của nó giờ đây trở nên lớn hơn bao giờ hết, với sự hồi sinh của Con đường Tơ lụa cổ xưa bằng dòng vốn hàng tỷ USD của chính phủ Trung Quốc. Duisburg giờ đây trở thành điểm trung chuyển hậu cần trung tâm của cả châu Âu, với khoảng 80% tàu hỏa từ Trung Quốc dừng chân tại đây khi thực hiện hành trình tới châu Âu.

Các quan chức ở Duisberg rất hài lòng khi nhận thấy tên của thành phố này được in đậm hơn, to hơn so với London, Paris hay Berlin trên bản đồ châu Âu treo tại sân bay Thượng Hải.

“Chúng tôi là thành phố Trung Quốc trong lòng nước Đức”, Soren Link, thị trưởng thành phố Duisburg, tuyên bố. Suốt nhiều năm qua, thành phố của ông trở thành một biểu tượng cho nỗ lực tái cấu trúc dài hạn ở vùng công nghiệp Ruhr.

Tỷ lệ thất nghiệp của Duisburg năm nay ở mức 12%, cao gần gấp 4 lần tỷ lệ bình quân của nước Đức, nhưng ít nhất hình ảnh của thành phố đã có sự thay đổi đáng kể. Hình ảnh lan truyền trên truyền thông về Duisburg không còn là cảnh các nhà máy bị đóng cửa hay công nhân đình công, mà là chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Duisburg cách đây 4 năm trong chuyến công du tới Đức.

“Đó là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của thành phố sẽ ngày càng tăng lên”, Link nói. “Chúng tôi có thể trở thành cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào châu Âu và ngược lại”.

Mất cân bằng

Thế nhưng, những chuyến tàu trở về Trung Quốc vẫn là “gót chân Achilles” của Duisburg. Cứ hai container chất đầy hàng hóa Trung Quốc tới châu Âu, chỉ có một chiếc trở về và cảng Duisburg chỉ thu được mức phí 1/5 với những chiếc container trống quay về Trung Quốc.

Trong khi cơn cuồng thiết bị điện tử sản xuất ở Trung Quốc của người phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hàng hóa châu Âu được nhập về Trung Quốc chủ yếu là sữa bột, hậu quả của việc người Trung Quốc đổ vỡ lòng tin với sữa nội sau bê bối melamine năm 2008. Nhưng đến một ngày người dân nước này tin tưởng sữa nội trở lại, số container quay về phía đông từ Duisburg sẽ còn ít hơn nữa.

“Tỷ lệ hàng đến và đi từng là 4:1, giờ đã cải thiện chút ít, nhưng vẫn mất cân bằng”, Erich Staake, giám đốc cảng vụ Duisburg, thừa nhận. Từ khi đảm nhiệm vị trí này vào năm 1998, Staake đã cho xây nhà kho mới rộng 20.000 mét vuông tại cảng, có thể chứa tới 2.000 container từ Trung Quốc.

Tham vọng của Staake không dừng lại ở đó. Ông muốn đường sắt phải là phương thức vận chuyển hàng hóa chính từ Trung Quốc tới châu Âu, để Duisburg khẳng định được vị thế của mình trên Con đường Tơ lụa Mới.

“Vận tải đường sắt từ Trùng Khánh tới Duisburg có chi phí gần gấp đôi đường biển, nhưng thời gian chỉ mất 12 ngày thay vì 45 ngày. Đường không đắt gấp đôi đường sắt, nhưng chỉ mất khoảng 5 ngày. Nếu chung tôi có thể giảm thời gian vận chuyển bằng đường sắt xuống dưới 10 ngày, tiềm năng sẽ còn lớn hơn nữa”, ông nói.

Tuy nhiên, không phải người Đức nào cũng háo hức như vậy. Một số người cảnh báo rằng nếu ngành công nghiệp vẫn đang hồi phục ở miền tây nước Đức phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, họ sẽ tạo ra đòn bẩy để Bắc Kinh phát huy quyền lực địa chính trị tới Tây Âu. “Những gì tốt cho Duisburg chưa chắc đã có lợi cho thế giới”, bình luận viên Von Jonas Schaible viết trên tờ T-Online hồi tháng 5.

Số công dân Trung Quốc sinh sống ở Duisburg đã tăng gấp đôi trong 8 năm qua. Đại học Duisburg-Essen thành lập Viện Khổng Tử và thu hút lượng lớn du học sinh Trung Quốc ở Đức, chủ yếu học về kỹ sư và khoa học kinh tế. Kéo theo đó là mạng lưới nhà hàng Trung Quốc ngày càng mở rộng, cạnh tranh với các quán ăn bản địa.

Số doanh nghiệp Trung Quốc ở Duisburg cũng tăng tới 50% kể từ sau chuyến thăm của ông Tập vào năm 2014, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở con số 90. Không giống nhiều thành phố khác trên Con đường Tơ lụa Mới, cảng Duisburg vẫn do người Đức điều hành.

Tại bảo tàng thành phố, du khách có thể tham quan mọi thứ về lịch sử và văn hóa của Duisburg, ngoại trừ diện mạo hào nhoáng với vô số hàng hóa Trung Quốc hiện nay. Tấm biển tại cửa vào của bảo tàng ghi lời chào mừng bằng nhiều thứ tiếng, từ tiếng của người Kurd, người Hy Lạp đến Ba Lan, nhưng dòng chữ tương tự bằng tiếng Trung chưa xuất hiện.

Theo Thành Nguyễn / vnexpress.net

 

Exit mobile version