Site icon Thời báo Việt Đức

Thắt chặt quan chức kê khai tài sản: Bài toán khó?

Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn

TBVĐ- Gần đây Việt Nam có những thành công trong công cuộc chống tham nhũng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi mà Việt Nam cần thêm thời gian và giải pháp để xử lý triệt để.

Mới đây nhất có thể kể đến chính là trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Theo điều tra của dư luận và báo chí trong nước, chỉ tính trong giai đoạn ba năm, từ năm 2014 đến năm 2016, ông Quý đã liên tiếp kê khai thiếu nhiều tài sản giá trị.

Giấu giếm tài sản nhiều năm liền

Qua đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập của ông Quý vào năm 2014, đoàn thanh tra phát hiện thiếu đến 1.200 mét vuông đất ở; 59.500 mét vuông đất nông nghiệp do vợ ông Quý đứng tên; không kê khai vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng. Đến năm 2015, Thanh tra Chính phủ kết luận ông Quý đã không kê khai 13.111 mét vuông đất ở, 41.500 mét vuông đất nông nghiệp do vợ ông Quý đứng tên. Ngoài ra, ông cũng không kê khai khoản 6,3 tỷ đồng vay ngân hàng và tiền vay bố vợ là 1,9 tỷ đồng. Một năm sau, tức năm 2016, ông Quý được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường. Trong năm đó, bản kê khai của ông Quý còn thiếu gần 8.000 mét vuông đất ở, 27.500 mét vuông đất nông nghiệp do vợ ông Quý đứng tên; không kê khai một nhà diện tích xây dựng 600 mét vuông tại tổ 51, phường Minh Tân, Thành phố Yên Bái đang xây dựng; không kê khai tiền vay ngân hàng 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng (khoảng 2 tỷ đồng).

Mọi chuyện bắt đầu vỡ lỡ khi đến đầu tháng 6-2017, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí về khối tài sản lớn của hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý), Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành thanh tra vụ việc theo thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ quan này đã trực tiếp đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc điều tra vì vấn đề khách quan: ông Phạm Sỹ Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm.

Thanh tra Chính phủ nói gì?

Trước chất vấn của dư luận và báo chí, trước khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có kết luận, ông Quý giải thích tiền xây quần thể biệt thự, trang trại… do gia đình huy động từ nhiều nguồn, trong đó vay ngân hàng gần 20 tỷ. Ông Quý nói với báo chí nếu làm sai sẽ từ chức. Giải thích về tài sản của gia đình khi cả hai vợ chồng đều là công chức, ông Quý cho rằng đó là quá trình tích lũy và làm kinh tế từ khi ông còn là sinh viên đại học. Ngoài ra, lượng đất đai tài sản tại thời điểm ông mua có giá trị thấp. Ngoài ra nguồn tiền của ông Quý còn đến từ nguồn vay ngân hàng.

Chiều 23-10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã thông báo kết luận thanh tra vụ việc của ông Quý sau nhiều lần hoãn công bố kết luận vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau. Theo kết luận của Tranh tra Chính phủ, ông Phạm Sỹ Quý, năm 2016, khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, đã kê khai thiếu hơn 7.905 mét vuông đất ở, hơn 27.500 mét vuông đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai một nhà diện tích xây dựng 600 mét vuông tại tổ 51 phường Minh Tân (đang xây dựng); không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.

Ngoài ra, việc Ủy ban Nhân dân Yên Bái cho phép vợ ông Quý chuyển hơn 13.581 mét vuông đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định Luật đất đai. Ủy ban Nhân dân Yên Bái còn cho phép bà Huệ chuyển mục đích sử dụng hơn 1.012 mét vuông đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở không có trong kế hoạch phê duyệt, tức là vi phạm quy định pháp luật.

Từ các điều tra và kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Quý, bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, đồng thời cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. Về chính quyền, ông Quý bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; điều động đến nhận chức vụ Phó Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái.

Bài toán “tài sản quan chức” đã được giải?

Dù ông Quý đã bị xử lý, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được lý giải thỏa đáng trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Một là, các nội dung liên quan đến việc ông Quý vay tiền số lượng lớn, làm thế nào để có thể trả, nguồn tiền giám sát của ông Quý những năm qua có hợp với lời khai của ông đều chưa khiến dư luận thỏa mãn dù Cục trưởng chống tham nhũng có giải thích “không thuộc thẩm quyền”.

Đó là chưa kể việc xử lý ông Quý chỉ dừng ở xử hành chính hay cách chức xung quanh vấn đề “không minh bạch trong kê khai” còn để lại hoài nghi về khả năng “nhẹ tay” với quan chức tham nhũng. Động cơ khiến ông Quý phải giấu tài sản vẫn còn là điều mà dư luận quan tâm và ảnh hưởng uy tín việc chống tham nhũng quốc gia. Ngoài ra, việc trì hoãn công bố kết quả điều tra cho đến lúc này vẫn chưa được lý giải một cách thuyết phục đến người dân, tạo khoảng trống cho các luồng thông tin trái chiều là điều mà ngành chức năng Việt Nam cần rút kinh nghiệm.

Một trong những tiêu chí đảm bảo vai trò nhà nước pháp quyền chính là vai trò của tòa án, tức nhánh tư pháp của quốc gia, phải đảm bảo đủ mạnh và độc lập với nhánh lập pháp và hành pháp. Không chỉ vụ ông Quý mà những vụ liên quan đến xử lý sai phạm trong báo cáo tài sản hay tham nhũng của quan chức, Việt Nam cần đảm bảo tòa án xét xử dựa theo quy định pháp luật, chứ không chỉ xử lý về mặt Đảng hay về mặt Chính quyền.

Hoàng Phú

*Bài viết được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 11.2017

Exit mobile version