Liên Hợp Quốc mới đây cảnh báo cộng đồng quốc tế đang “chậm chân” trong cuộc đua chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 24 (COP 24) tại Katowice, Ba Lan ngày 6/12 bước sang ngày làm việc thứ 5. Các cuộc đàm phán kín diễn ra hết sức căng thẳng và khẩn trương trong bối cảnh hàng loạt báo cáo về biến đổi khí hậu được công bố ngày 5/12 cho thấy, thế giới đang đứng trước thời khắc lịch sử phải sớm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/12 đã cho công bố báo cáo đặc biệt về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với sức khỏe con người. Báo cáo này là một phần nội dung được trình bày tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 24 đang diễn ra ở Ba Lan. Theo đó, hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu ngày hôm nay có thể sẽ cứu sống rất nhiều người và tiết kiệm được nhiều tiền của tính đến giữa thế kỉ 21.
Thỏa thuận Paris 2015 không chỉ mang lại lợi ích cho trái đất, mà còn là đời sống con người. Theo bà Maria Neyra – người đứng đầu cơ quan nghiên cứu tác động của môi trường và xã hội tới sức khỏe của con người thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, tiếp xúc với ô nhiễm không khí mỗi năm cướp đi mạng sống của 7 triệu người/ năm, đồng thời gây ra các bệnh như hen suyễn, các bệnh mãn tính về phổi, ung thư phổi, đột quỵ và tim mạch. Chỉ riêng việc giảm ô nhiễm không khí cũng có thể cứu sống hàng triệu người/ năm.
Bà Maria Neyra nhấn mạnh: “Theo tôi, nếu chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe con người, nếu chúng ta muốn thực hiện kế hoạch, chúng ta phải đảm bảo giảm mạnh được số người tiếp xúc với ô nhiễm không khí mỗi năm, chúng ta cần đẩy nhanh hành động chống biến đổi khí hậu. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây, càng trì hoãn hành động, chúng ta càng có trách nhiệm về cái chết của hãng triệu người xảy ra mỗi năm”.
Cùng ngày, nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Dữ liệu Khoa học mở về Tiếp cận hệ thống Trái đất và một báo cáo của tổ chức Dự án các-bon toàn cầu công bố cũng cho thấy thế giới đang đi chệch hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc gia tăng sử dụng nhiện liệu hóa thạch sẽ khiến lượng khí các-bon đi-ô-xít (CO2) toàn cầu tăng 2,7% trong năm 2018, cao hơn so mức 1,6% của năm ngoái và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Các báo cáo chỉ rõ, số ôtô và nhu cầu sử dụng than đá toàn cầu tăng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra khi nhiều nước không hoàn thành cam kết. Người dân nghèo tại các nước đang phát triển là những đối tượng phải hứng chịu nhiều nhất các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 24 diễn ra từ ngày 2-14/12 được xem là hội nghị quan trọng nhất của Liên hợp quốc kể từ sau khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015. Bởi hội nghị lần này đứng trước thời hạn chót phải ra được một cuốn sách quy định các điều luật giúp tăng cường hoạt động giới hạn mức độ ấm nóng toàn cầu ở mức 1,5 đến 2 độ C. Theo cố vấn chính trị về năng lượng và khí hậu của tổ chức Hòa bình Xanh, Happy Khambule, biến đổi khí hậu được xem là một vấn đề cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Do đó sách quy định cần phải có những chế tài mạnh.
“Tôi hi vọng, chúng ta sẽ sớm ra được cuốn sách quy định. Trên tất cả, các cuộc đàm phán phải đạt được mục tiêu mỗi quốc gia đều phải nhận ra tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không chỉ nằm ở vấn đề quốc tế mà nằm ở vấn đề quốc gia. Tôi tin là, chúng ta sẽ tích cực hơn trong đàm phán và sách quy định sẽ có chế tài và hiệu lực pháp lý trên thực tế”, ông Khambule nói.
Các cuộc đàm phán kín đang diễn ra hết sức căng thẳng tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 24 trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển tìm cách trấn an dư luận rằng, nếu các nước này đưa ra được mức cắt giảm phát thải đầy tham vọng, các quốc gia phát triển cần phải thực hiện cam kết đã hứa.
Tổ chức Khí tượng Thế giới tuần trước cảnh báo, thế giới đang trong tiến trình tăng nhiệt độ trái đất từ 3 đến 5 độ C trong thế kỷ này. Nếu các nguồn nhiên liệu hóa thạch tiếp tục được sử dụng, nhiệt độ trái đất sẽ còn tăng cao hơn. Liên Hợp Quốc mới đây cảnh báo cộng đồng quốc tế đang “chậm chân” trong cuộc đua chống lại tình trạng biến đổi khí hậu./.
Theo