Đà tiết kiệm khí đốt của người dân châu Âu hiện không được như kỳ vọng, một phần có thể do họ quá chủ quan vì được trợ cấp từ chính phủ.
Nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm cắt giảm khí đốt đang đưa châu Âu đến gần hơn với mục tiêu loại bỏ phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, kêu gọi người dân làm điều tương tự sẽ khó khăn hơn rất nhiều, giới chuyên gia nhận định.
Các doanh nghiệp đã giảm đáng kể tiêu thụ khí đốt trong những tháng gần đây, trước tình trạng giá cả tăng vọt do hệ quả từ xung đột Ukraine. Việc cắt giảm này gây ra thiệt hại kinh tế khá lớn, khi dây chuyền sản xuất bị chậm lại tại nhiều nhà máy hóa chất, một số nhà máy luyện kim thậm chí phải đóng cửa. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài, châu Âu có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái.
Hiện chưa thể tính toán chính xác mức độ cắt giảm tiêu thụ khí đốt của các hộ gia đình do chưa đủ dữ liệu, nhưng các dấu hiệu ban đầu cho thấy mức giảm trong khu vực này ít hơn so với khu vực doanh nghiệp.
Người tiêu dùng quy mô nhỏ ở Đức, chủ yếu là các hộ gia đình, bắt đầu giảm sử dụng khí đốt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng hai và đã giảm 6% so với nhu cầu dự kiến hồi tháng 4, theo Lion Hirth, giáo sư về chính sách năng lượng tại Đại học Hertie ở Berlin. Trong khi đó, người tiêu dùng công nghiệp đã bắt đầu hạn chế khi giá tăng hồi năm ngoái và giảm 11% hồi tháng 4.
Các nhà nghiên cứu tính toán nhu cầu dự kiến dựa trên xu hướng lịch sử, nhiệt độ và các yếu tố khác. Họ cho rằng phần lớn đà giảm tiêu dùng khí đốt trong người dân không phải do giá tăng mà chủ yếu bắt nguồn từ hành động phản đối cuộc xung đột Nga – Ukraine. Các nhà nghiên cứu năng lượng khác cho rằng yếu tố thời tiết cũng có thể đóng một vai trò quan trọng.
“Dữ liệu cho thấy các doanh nghiệp đều đã cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt để phản ứng với giá cao”, giáo sư Hirth nói. Theo ông, các chính trị gia hàng đầu vẫn dành quá nhiều thời gian và nỗ lực để trấn an công chúng rằng họ sẽ được bảo vệ khỏi cuộc khủng hoảng khí đốt nhưng lại dành quá ít thời gian thuyết phục họ tiết kiệm năng lượng.
Nga đã sử dụng trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ của mình như một công cụ để kiềm chế phương Tây hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine cũng như áp đặt thêm trừng phạt lên Moskva. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã đình chỉ vô thời hạn dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream đến châu Âu với lý do kỹ thuật.
Giới chức châu Âu đã đối phó bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng trong khu vực công và thúc giục các hộ gia đình cùng doanh nghiệp tiết kiệm. Hồi tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu cho toàn khối là giảm tiêu thụ khí đốt 15% để tránh tình trạng thiếu hụt trong những tháng mùa đông cần sưởi ấm sắp tới.
Khi giá khí đốt liên tục giao dịch quanh mức cao lịch sử trong những tuần gần đây, nhiều công ty đã đạt được mục tiêu do EU đề ra.
Công ty năng lượng Thụy Điển Vattenfall AB cho biết nhu cầu công nghiệp đối với khí đốt ở Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ và Italy đã giảm khoảng 15%. Các công ty công nghiệp ở Đức đã sử dụng ít hơn khoảng 22% lượng khí đốt trong tháng 8 so với mức trung bình của tháng đó những năm trước, theo cơ quan quản lý năng lượng Đức.
Một yếu tố tác động quan trọng là nhiệt độ. Theo các nhà kinh tế, một mùa đông không quá lạnh có thể khiến châu Âu hạn chế nhu cầu sưởi ấm trong gia đình nhưng một mùa đông khắc nghiệt sẽ buộc họ phải tiêu thụ khí đốt, qua đó đẩy giá nhiên liệu này tăng cao khi Nga tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine.
Trong nửa đầu năm nay, lượng tiêu thụ khí đốt của Đức giảm khoảng 15%. Thời tiết ôn hòa của mùa đông năm ngoái đã góp phần vào một nửa mức giảm đó, theo hiệp hội năng lượng – tiêu dùng BDEW.
Dữ liệu về mô hình tiêu dùng của dân cư hiện khá ít ỏi, một phần do xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào cuối tháng hai, thời điểm cuối mùa đông. Theo dữ liệu lịch sử, người tiêu dùng châu Âu dùng hơn 80% lượng khí đốt hàng năm chủ yếu trong những tháng lạnh giá của mùa đông.
“Bạn không thể rút ra được nhiều điều trong mùa hè”, giáo sư Hirth từ Đại học Hertie nói.
Giới chuyên gia kinh tế cho hay những người thuê nhà ở Đức, Hà Lan và một số nơi khác tại châu Âu ít phản ứng với việc tăng giá nhiên liệu vì phương thức thanh toán đặc biệt ở những quốc gia này. Người thuê thường đàm phán với chủ nhà về chi phí năng lượng một năm sau khi chi phí phát sinh.
“Họ không biết mình phải trả bao nhiêu vào thời điểm họ sử dụng năng lượng”, Stefan Lechtenbohmer, chuyên gia cấp cao tại Viện Wuppertal về Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, một tổ chức nghiên cứu của Đức, cho biết.
Ông ước tính người dân sẽ phải giảm hệ thống sưởi khoảng 3 độ C để đạt được mục tiêu tiết kiệm khí đốt. “Tôi không mong đợi mùa đông tới”, ông nói.
Trợ cấp, cắt giảm thuế, áp giá trần điện cùng các biện pháp khác nhằm bảo vệ cử tri khỏi tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng cũng có thể khiến người dân không mặn mà với việc tiết kiệm. Đến nay, 5 nền kinh tế lớn nhất EU đã công bố các gói hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp, với tổng trị giá khoảng 202 tỷ USD.
Hans Jorg Depel, giám đốc điều hành Hiệp hội Người thuê nhà Cologne, đang kêu gọi người thuê ở thành phố một triệu dân này giảm nhiệt độ máy sưởi hoặc thúc đẩy những người chủ xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng hơn. Ông cho biết nếu họ không làm vậy, người thuê nhà có thể gặp rủi ro khi hóa đơn trả một lần vào năm tới có thể tăng gấp ba lần hoặc hơn, lên đến hàng nghìn USD.
Khủng hoảng “đã chạm tới tầng lớp trung lưu. Với họ, mọi thứ sẽ rất khó khăn”, ông nói.
Nhân viên quản lý khách sạn Katharina von Essen, 27 tuổi, hồi tháng ba chuyển đến một căn hộ studio với giá thuê hơn 800 USD/tháng ở Cologne cùng với con mèo của cô, Max.
“Tôi phải xem căn hộ của mình lạnh đến đâu”, von Essen nói, thêm rằng cô hy vọng nhiệt độ từ các căn hộ xung quanh có thể giúp căn hộ của cô ấm lên phần nào.
Để tiết kiệm, cô đã đặt một túi chườm nóng trên giường của mình để giữ ấm vào những đêm lạnh. “Hoặc tôi sẽ dùng con mèo của mình”, von Essen chia sẻ. Dù lo ngại hóa đơn sưởi ấm năm tới sẽ tăng vọt, cô chỉ định giảm nhiệt một chút vào mùa đông này.
“Tôi có lo lắng về nó nhưng chỉ một chút thôi”, cô nói.
Nicole Kaiser, ở thị trấn Hurth gần đó, cho biết tiền thuê nhà của cô đã tăng từ khoảng 600 USD lên 640 USD vào tháng 7 do giá năng lượng tăng. Chuyên gia dịch vụ khách hàng 43 tuổi này cũng đã chọn trả cho chủ nhà thêm 60 USD mỗi tháng để giảm hóa đơn tổng vào năm sau, do tính toán rằng giá khí đốt sẽ còn tăng.
Dù biết có thể phải chi trả một hóa đơn lớn, Kaiser không chắc mình nên giảm nhiệt máy sưởi đến mức nào trong mùa đông này. “Nếu làm vậy, tôi sợ tôi sẽ hóa thành cục nước đá mất”, cô nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
Nguồn: vnexpress.net