Site icon Thời báo Việt Đức

Thủ tục hồ sơ xin visa sang Đức thăm thân cho trẻ vị thành niên không đi cùng bố mẹ

Ảnh Chí Vỹ

TBVĐ- Không chỉ đón bố mẹ, anh chị em qua Đức thăm thân, nhiều gia đình còn muốn đón cháu sang Đức chơi vào dịp nghỉ hè.

Câu hỏi: Trong bài viết „những lưu ý khi chuẩn bị thị thực thăm người thân“ có nói đến trường hợp xin thị thực cho trẻ vị thành niên. Tôi rất muốn quý báo nói rõ các giấy tờ cần chuẩn bị khi xin thị thực cho trẻ vị thành niên du lịch sang Đức không đi cùng bố mẹ. (Tran, ph…@gmail.com)

Trả lời: Trẻ vị thành niên (người chưa tròn 18 tuổi) thường đi cùng với bố mẹ, những thân nhân khác trong gia đình (ông bà, cô, chú, bác) hoặc đi cùng với người phụ trách (v/d như trong một nhóm học sinh). Những giấy tờ cần chuẩn bị khi xin thị thực cho trẻ vị thành niên không đi cùng bố mẹ:

– Một đơn xin thị thực khai đầy đủ và chữ ký của người có quyền nuôi dưỡng hoặc người giám hộ, kèm theo bản tuyên bố theo quy định tại Mục 8, Khoản 2, Điều 54 và Điều 53 Luật Cư trú. Đối với mỗi một đứa trẻ phải khai 2 đơn xin thị thực riêng do những người có quyền nuôi dưỡng ký (thông thường là cả bố và mẹ). Trẻ em tròn 16 tuổi phải tự tay ký thêm vào đơn của mình.

– 2 Ảnh hộ chiếu Dán vào tờ khai 1 ảnh và 1 ảnh để rời nộp kèm.

– Một hộ chiếu có giá trị. Bản gốc và bản phô tô những trang có ghi dữ liệu; Hộ chiếu phải còn hạn ít nhất 3 tháng sau khi kết thúc chuyến đi. Hộ chiếu không được cấp trước ngày nộp hơn 10 năm. Hộ chiếu phải còn ít nhất hai trang trống và những hộ chiếu có giá trị và đã hết hạn (bản gốc và bản phô tô những trang có thị thực các các nước Schengen, Anh, Mỹ, Canda, úc hoặc Newzealand)

– Giấy khai sinh của đứa trẻ

– Một bản phô tô trang đầu tiên của hộ chiếu của những người đưa ra tuyên bố đồng ý (hộ chiếu phải có chữ ký của người mang hộ chiếu)

– Bản tuyên bố đồng ý với việc xin cấp thị thực và đi thăm của con (lập mới trong vòng 6 tháng trở lại, bản gốc và bản phô tô). Khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực cho trẻ em, những người có quyền nuôi dưỡng (thông thường là cả cha và mẹ) phải trực tiếp có mặt để ký bản tuyên bố đồng ý. Trong trường hợp người có quyền nuôi dưỡng không thể trực tiếp đến nộp hồ sơ cùng trẻ em thì có thể tới Phòng Lãnh sự trước đó để xin công chứng bản tuyên bố đồng ý.

Mẫu tham khảo bản tuyên bố đồng ý của tất cả những người có quyền nuôi dưỡng đồng ý cho con đi thăm thân không đi cùng bố mẹ.

– Giấy tờ chứng minh quan hệ họ hàng: ví dụ giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn..

– Một bản phô tô hộ chiếu của thân nhân gia đình hoặc người quen định sang thăm. Nếu người mời không mang quốc tịch Đức, phải nộp thêm bản phô tô giấy phép lưu trú hiện tại ở Đức

– Người xin cấp thị thực có người thân như: cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, anh chị em ruột … cư trú tại lãnh thổ Schengen phải nộp bản phô tô hộ chiếu, giấy phép lưu trú của những người đó kèm theo giấy khai sinh/ chứng nhận kết hôn để chứng minh quan hệ họ hàng, ngay cả trong trường hợp người đó không đứng ra mời.

– Bằng chứng về chỗ ở tư nhân (giấy mời) của người mời: Giấy mời bản gốc hoặc giấy bảo đảm, Bản phô tô hộ chiếu hoặc chứng minh thư của người đảm nhận chi phí/ người mời, Bản phô tô giấy phép lưu trú, nếu người đảm nhận chi phí/ người mời là người nước ngoài. Hoặc: Xác nhận đặt chỗ khách sạn, thuê nhà nghỉ, đặt chỗ trong một ký túc xá sinh viên …

– Chứng minh đã đặt vé máy bay về hoặc vé máy bay khứ hồi: khi nhập cảnh vào khu vực Schengen người làm đơn xin thị thực phải xuất trình bằng chứng về chuyến đi quay trở lại (thời gian lưu trú từ ngày nhập cảnh đến ngày xuất cảnh khỏi khu vực Schengen không được quá 90 ngày).

– Cam kết bảo lãnh: chứng minh đảm nhận chi phí theo mẫu quốc gia, còn gọi là Giấy cam kết bảo lãnh.

– Bảo hiểm y tế du lịch cho toàn bộ thời gian lưu trú dự kiến với mức ít nhất là 30.000 Euro có giá trị cho tất cả các nước thuộc khu vực Schengen.

– Xác nhận của nhà trường (bản gốc) cho phép nghỉ trong khoảng thời gian xin đi

Nguồn: Đại sứ quán Đức ở Việt Nam (bản cập nhật Tháng 12.2016)

Exit mobile version