Site icon Thời báo Việt Đức

Thực tại đáng sợ: khói thuốc bám trên quần áo cũng có thể phá hủy nội tạng

Ảnh minh họa: pixabay.com

Khói thuốc lá đang trở nên nguy hại hơn bao giờ hết, khi các hóa chất còn bám trên vật dụng xung quanh cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe đã được khoa học chứng minh từ lâu. Vào giữa thập niên 1980, chúng ta còn biết thêm rằng việc hút thuốc thụ động (do hít phải khói từ người hút thuốc) cũng gây tác hại rất lớn, thậm chí là lớn hơn hút chủ động.

Tưởng chỉ có vậy, thế nhưng hóa ra việc hút thuốc thụ động còn một dạng khác nữa. Thế giới gọi đó là third-hand smoke (THS – tạm dịch: khói lần 3), nhằm ám chỉ dư lượng khói thuốc còn bám trên những đồ xung quanh: rèm cửa, thảm, nội thất, quần áo…

Và nay, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng dư lượng khói ấy hoàn toàn có thể tiếp tục làm hại con người. Theo đó, kể cả khi khói thuốc đã tan, lượng hóa chất còn tồn đọng – như nitrosamine – sẽ tiếp tục là một vấn đề nan giải. Nếu như được tích tụ qua thời gian, chúng hoàn toàn có thể gây ra một loại ung thư hoàn toàn mới.

“Mục tiêu của chúng tôi là xác định thời gian tối thiểu để tạo ra những ảnh hưởng về thể chất ở chuột khi chúng tiếp xúc với khói lần 3, bằng cách sử dụng phương pháp tiếp xúc giống như con người vẫn gặp,” – Manuela Martins-Green, nhà nghiên cứu từ ĐH Califronia, Riverside cho biết.

Sau khi cho các vật liệu ngập trong khói thuốc để lưu lại THS, họ đặt chúng vào trong chuồng nuôi chuột. Trong vòng 6 tháng, các chuyên gia sẽ thực hiện xét nghiệm não, gan và huyết thanh của chúng. Họ sẽ xác nhận thay đổi về hormone, khả năng kháng insulin, hệ tiêu hóa, và các dấu hiệu tổn thương hệ thần kinh, nội tạng.

Và kết quả thì thật đáng buồn. “Chúng tôi nhận thấy chỉ sau một tháng tiếp xúc với THS, gan đã bị tổn thương” – trích lời Martins-Green.

“Trong 2 tháng, tổn thương lan ra ở mức phân tử, và khoảng 4 – 6 tháng đã gây tác hại rất rõ. Chuột cũng cho thấy dấu hiệu kháng insulin sau khi tiếp xúc với khói lần 3 trong thời gian dài.”

Gan là trung tâm thải độc của con người, vậy nên các hóa chất cản trở chức năng của gan sẽ khiến độc tố ngày càng mạnh, đẩy nhanh quá trình hủy diệt cơ thể. Ngoài ra, các hormone stress trong chuột cũng tăng dần lên, khiến hệ miễn dịch của chúng ngày càng giảm sút.

Nhưng quan trọng hơn, cần nhấn mạnh rằng nghiên cứu này được thực hiện trên chuột, trong điều kiện lý tưởng của phòng thí nghiệm. Thế giới thực thì không như vậy, khi hiện đang có đến hơn 1 tỉ người hút thuốc mỗi ngày (số liệu từ WHO năm 2016). Có nghĩa là, chúng ta đang đối mặt với những nguy cơ rất lớn.

“Dù nghiên cứu không thực hiện trên con người, nhưng chúng ta nên xác định rằng khách sạn, xe hơi, hay chính ngôi nhà của bạn, nhiều khả năng đang bị ám khói lần 3.”

Tại Mỹ, 5 người chết thì có 1 liên quan đến hút thuốc. Còn nói về hút thuốc thụ động (second hand smoke), chúng ta có những thực tế đáng quan ngại hơn nữa, khi nó liên quan đến rất nhiều căn bệnh nghiêm trọng cho cả trẻ em và người lớn.

Và có lẽ giờ đây, các con nghiện thuốc là nên thực sự tìm cách cai thuốc, vì tác hại của thuốc đang ngày càng lớn rồi.

Nguồn: Clinical Science
Theo Oct / ttvn.vn
Exit mobile version