LTS: Vừa qua, Thời báo Việt Đức có dẫn đăng bài viết “Nghề mua bầu bán bí và những xóm không chồng ở Đức”, nói về tình trạng nhiều phụ nữ nước ngoài tại Đức, trong đó có cả phụ nữ Việt Nam, sang Đức theo diện học nghề hay hợp tác lao động, rồi có thai và tìm “bố giả” cho con, để được giấy tờ cùng con ở lại Đức. Bài viết thu hút rất nhiều bạn đọc và các lượt bình luận, chia sẻ. Trong đó có những ý kiến đồng tình với quan điểm tác giả bài viết, và cũng có những ý kiến phản đối vì cho rằng “người khó khăn, bần cùng nên chuyện mua bầu bán bí cũng cần được thông cảm, bỏ qua”.
Ban biên tập xin chân thành cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp cho bài viết. Để cung cấp thêm góc nhìn khách quan hơn, Thời báo Việt Đức tiếp tục dẫn đăng bài viết của độc giả Trần Gia Bảo (Hamburg) gửi về tòa soạn với những chia sẻ về quan điểm, góc nhìn của độc giả này. Xin trích đăng nguyên văn.
Chuyện “mua bầu bán bí” hay thay họ đổi tên không lấy làm lạ. Không những ở Đức, hầu như ở rất nhiều nước châu Âu, hay Mỹ, và gần hơn là các nước châu Á có chính sách luật pháp cho phép “mẹ theo con” đều có tình trạng này. Đã nhiều lần tôi cũng từng nhắc đến, nhưng cứ nhắc thì y như rằng lại có người phản đối. Tôi tôn trọng những suy nghĩ của họ. Các ý kiến phản đối chuyện lên án “mua bầu bán bí” đa phần tập trung vào những luận điểm sau đây.
“Thứ nhất, phải thông cảm cho những người phụ nữ ấy, vì họ khổ quá nên phải làm liều. Họ vay mượn tiền ở Việt Nam rồi sang Đức, hết thời hạn lao động vẫn chưa đủ tiền trả nợ. Họ phải ở lại để tiếp tục tìm cách lao động, kiếm tiền về chăm nuôi gia đình.” Quan điểm này theo tôi dù nghe có vẻ dễ mang lại sự đồng cảm, nhưng tư duy này nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ người ta tráo “sự khó khăn của một (nhóm) người sang gánh nặng cho một xã hội mà bản thân người đó không hề có nghĩa vụ. Việc nói nghèo, khó khăn để tìm mọi cách, kể cả “lách luật” và vi phạm các giá trị đạo đức để được tiền từ nhà nước Đức trợ cấp là điều không chấp nhận được. Người dân Đức phải lao động, đóng mức thuế cao ngất ngưởng, có khi lên đến 40%, mục tiêu là để lo cho thế hệ trẻ có môi trường tốt hơn, và đảm bảo khi họ về già họ không trở thành gánh nặng của xã hội. Một nghiên cứu gần đây cho thấy người già ở Đức ngày càng trở nên nghèo khó, trong khi thời trẻ họ lao động và đóng thuế rất cao. Nếu làn sóng người nhập cư, tị nạn vẫn ăn theo tư duy mình nghèo thì bám vào xã hội (nơi mà mình không đóng một đồng thuế nào), thì chén cơm mình ăn, đồng nghĩa với việc lấy phần cơm của người khác (xứng đáng được hưởng).
“Thứ hai, con sinh ra ở Đức không có đủ cha mẹ còn tốt hơn là lớn lên ở Việt Nam. Thế nên thà ở Đức chứ về Việt Nam khổ lắm”. Lập luận này vừa mang tính ngụy biện, vừa mắc lỗi quy chụp không đầy đủ cơ sở. Quyền thiêng liêng nhất của một người được sinh ra, đó không phải là quyền được trợ cấp từ nhà nước hay bám víu vào lòng thương hại của xã hội. Mà đó là quyền được có đầy đủ mẹ cha, được nuôi dưỡng và giáo dục trong tình thương yêu của gia đình. Các nghiên cứu về tâm lý đều cho thấy một đứa trẻ được sinh ra nếu vắng cha hoặc mẹ hay cả hai đều có rủi ro cao hơn trong các vấn đề về tâm lý, sức khỏe, và cả khả năng phát triển một cách bình thường của chúng so với những đứa trẻ có đủ mẹ cha. Điều này không chỉ đúng ở phương đông, mà cả phương tây cũng như vậy. Triết lý giáo dục của người Đức (và cả các nước phát triển khác) chưa bao giờ hướng đứa trẻ đến với đồng tiền với những mệnh giá lớn nhỏ, mà là hướng chúng đến những giá trị cốt lõi của cuộc sống, trong đó gia đình là điều vô cùng quan trọng. Vậy nên, việc cho rằng qua Đức ở vắng cha vẫn hơn là ở Việt Nam đầy đủ cha mẹ là hoàn toàn sai lầm, ít nhất là trong phạm vi tranh luận vấn đề “mua bầu, bán bí” hay tìm “bố giả” cho con.
Cá nhân tôi cho rằng, việc lách luật để tìm cách ở lại với con mang lại nhiều hệ lụy. Thứ nhất, xin thưa rằng tỷ lệ phụ nữ qua Đức gần như đông hơn nam giới, đặc biệt là với nghề điều dưỡng. Nếu “cắn răng” có thai để tiến hành “mua bầu bán bí” thì xác suất “chồng chung” là rất cao. Chuyện hai, ba cô gái cùng có con với một người đàn ông (tây hoặc ta) đã có gia đình không phải là chuyện không thể xảy ra. Trong mối quan hệ chồng chéo này, xin hỏi ai có can đảm để nói rằng không dẫn đến bi kịch? Trong bối cảnh rối ren như vầy, ai dám khẳng định đứa trẻ được sinh ra sẽ “hưởng tiền trợ cấp” mà hạnh phúc?
Hệ lụy kế tiếp chính là “người trước hại kẻ sau”, những người qua Đức dù theo diện gì nhưng cố tình có con rồi “thay áo đổi quần” để cùng con ở lại, sẽ khiến các cơ quan công quyền Đức chú ý. Đài truyền hình Đức đã đưa tin về vụ “mua bầu bán bí”, chỉ đích danh phụ nữ Việt Nam. Tới đây luật pháp sẽ được siết chặt, khả năng cho những người lao động chân chính muốn sang Đức học tập và làm việc vì thế sẽ càng trở nên khó khăn. Vụ Hàn Quốc từng “cấm cửa” lao động Việt Nam vì tình trạng khi đi ký hợp đồng đàng hoàng, đến nơi thì tìm cách sống chui không về nước là một bài học còn chưa khô mực. Người có nhu cầu sang Đức làm việc chân chính không phải ít, nhất là khi nhu cầu về lao động phổ thông tại Đức ngày càng tăng, thì việc rơi vào tầm ngắm của các cơ quan công quyền của Đức chỉ làm tổn hại đến những người khác.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, hình ảnh của cộng đồng người Việt tại Đức sẽ xấu đi. Tính đến nay đã hơn sáu thập kỷ kể từ khi những người theo diện học và hợp tác lao động sang Đức. Đến nay, cộng đồng người Việt không phải là những cá thể nhỏ lẻ, mà là một tập thể uy tín với mức độ hội nhập vô cùng hiệu quả tại Đức. Trẻ em người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba đã ra đời và đang “thống lĩnh” ở khắp các trường phổ thông, thậm chí trường đại học tại Đức. Nhiều em được xem là gương điển hình, đáng để các bạn Đức học hỏi, cả về sự thông minh, nhạy bén và về cả khía cạnh nhân văn – tình cảm gia đình. Sẽ ra sao khi những đứa trẻ mang dòng máu Việt Nam phải đối mặt với những vấn đề đáng xấu hổ mà chính đồng bào của chúng gây ra? Uy tín người Việt sẽ bị suy giảm đáng kể, nhất là khi người Đức căm ghét và thù địch sự lừa lọc và dối trá, ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong đời sống và làm ăn.
Bạn cứ “mua bầu bán bí” đi, rồi ngả lưng tựa ghế uống ly vang đỏ, cười ngạo nghễ như mình vừa chiến thắng cả nền tư pháp nước Đức. Nhưng rồi bạn cũng sẽ mất ngủ dài dài vì sợ cảnh sát đến gõ cửa nhà bạn mỗi đêm; sẽ xấu hổ với con mình khi chúng được thầy cô dạy rằng “sống không dối trá”, còn mẹ (và cha) chúng lại là một tấm gương xấu. Bạn có an ủi mình “mẹ, ba làm tất cả vì con” thì điều ấy cũng không mang lại cho đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc, bởi lẽ chúng vốn không phải được sinh ra vì tình yêu thương, mà vì một hợp đồng mua bán.
Mọi người có thể cảm thông cho việc “mua bầu bán bí”, cá nhân tôi xin bảo lưu quan điểm: có rất nhiều con đường để bạn chọn, dù có đường cùng thì cũng đừng để mình làm hại đến chính đứa con mình đứt ruột sinh ra.
Trần Gia Bảo (Hamburg)
*Thời báo Việt Đức tiếp tục lắng nghe ý kiến tranh luận từ phía quý độc giả. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: info@thoibaovietduc.com