Site icon Thời báo Việt Đức

Tìm hiểu hệ thống giáo dục Đức: Giáo dục phổ thông

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Hệ thống giáo dục Đức đa dạng, sàng lọc kỹ càng, tạo mọi cơ hội cho từng học sinh phấn đấu trên con đường học vấn thích hợp với khả năng và hoài bão của các em. 

Hệ thống đào tạo, giáo dục Đức từ lâu đã nổi tiếng đa dạng, sàng lọc kỹ càng, tạo mọi cơ hội cho từng học sinh phấn đấu trên con đường học vấn, thích hợp với khả năng và hoài bão của các em. Ngay từ khi còn nhỏ, các em đã được học những kỹ năng sống cơ bản tại nhà trẻ. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất là sự tự lập – tự lập trong cả hành động và suy nghĩ.

Trường tiểu học (Grundschule)

Bước chân vào lớp 1, chỉ ngay sau ngày khai trường, các em đã phải tự vào lớp. Nhà trường khuyến cáo bố mẹ chỉ nên đưa con đến cổng trường rồi để con tự vào, hãy tin tưởng con đã lớn, không cần bố mẹ vẫn có thể khoác cặp vào lớp, chọn chỗ ngồi cho mình. Sự tự lập cũng chính là kỹ năng giúp các em học tập, lựa chọn con đường học vấn và sự nghiệp tương lai cho mình.

Ở đa số các tiểu bang, bậc tiểu học bao gồm từ lớp 1 đến lớp 4. Xuyên suốt bốn năm học, các thầy cô giáo sẽ cùng nhau quan sát hành vi, học lực, thậm chí sở thích của từng em. Mỗi năm học, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ mời từng phụ huynh lên gặp mặt để có buổi trò chuyện về sự phát triển của trẻ (tiếng Đức gọi là Entwicklungsgespräch). Hai bên trao đổi để hiểu hơn về các em, giúp thầy cô và nhà trường cũng như bố mẹ xác định được khả năng của trẻ, dựa vào đó quyết định có nên cho trẻ theo học cấp 2 tại trường chuyên/trường chọn (Gymnasium) hay không.

Trường chuyên/chọn (Gymnasium)

Để có thể vào học ở Gymnasium, các em cần có một dạng giấy giới thiệu của thầy cô chủ nhiệm và nhà trường (gọi là Bildungsempfehlung). Ngoài ra, các bang cũng đặt giới hạn điểm để xét vào Gymnasium (thường là chỉ đến 2,0). Nếu không đạt đủ mức điểm này thì các em cũng không thể nhận giấy giới thiệu. Các em đạt điểm thấp hơn 2,0 và không được giấy giới thiệu nhưng nếu vẫn muốn vào Gymnasium học thì có cơ hội đăng ký thi tuyển (Aufnahmeprüfung). Nếu sau lớp 4 chưa có cơ hội này, các em có thể phấn đấu thêm ở lớp 5 hoặc 6, chỉ cần đủ điểm là bố mẹ có thể tự đi xin cho con chuyển sang Gymnasium. Thời gian học Gymnasium từ lớp 5 đến khi lấy bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (Abitur) là 8 năm, tổng cộng 12 năm.

Trường Realschule, Hauptschule hoặc Gesamtschule

Những em không muốn hoặc không có khả năng vào Gymnasium thì sẽ theo học cấp 2 tiểu học tại các trường Realschule, Hauptschule hoặc Gesamtschule. Nếu theo học Hauptschule, các em sẽ học tới hết lớp 9 (ở một vài bang vẫn bắt buộc học hết lớp 10) và hoàn thành kỳ thi cuối cùng để lấy bằng phổ thông cơ sở cơ bản (gọi là Hauptschulabschluss) – được coi là đã hết nghĩa vụ học phổ thông. Sau đó, các em có thể nghỉ học hoặc chuyển sang học nghề hoặc theo học tiếp Realschule. Nếu theo học Realschule, các em sẽ học hết lớp 10, hoàn thành kỳ thi và được cấp bằng phổ thông cơ sở chính quy (Realschulabschluss).

Với tấm bằng này, các em có nhiều con đường chọn đi tiếp. Ngoài việc nghỉ học để chuyển sang học nghề chính thức, các em có thể vào học tại các trường phổ thông trung học thực nghiệm (gọi là Fachoberschule) hoặc trường phổ thông trung học chuyên ngành (Berufliches Gymnasium). Nếu theo học trường Fachoberschule 2 năm, các em sẽ có bằng Fachabitur và sẽ chỉ được đăng ký học đại học tại các trường đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule). Nếu theo học trường Fachoberschule hoặc Berufliches Gymnasium 3 năm, các em sẽ được nhận bằng Abitur bình thường và có thể đăng ký học ở bất cứ trường đại học nào. Cách học này sẽ kéo dài tổng cộng 13 năm.

Một số tiểu bang tại Đức còn có trường Gesamtschule, gọi là trường tổng hợp, bao gồm toàn bộ chương trình của 3 trường Hauptschule, Realschule và Gymnasium. Học ở đây các em có thể học thẳng đến khi lấy bằng Abitur mà không bị buộc phải lựa chọn hay cần giấy giới thiệu. Tuy nhiên, không phải bang nào ở Đức cũng áp dụng mô hình trường Gesamtschule. Các nhà giáo và chuyên gia tại Đức hiện vẫn đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về chương trình giáo dục tại đây.

Cẩm Chi


Exit mobile version