Site icon Thời báo Việt Đức

Tìm hiểu phong tục giáng sinh ở Đức

TBVĐ- Lễ Giáng sinh, tiếng Đức là Weihnachtfest, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh hay Noel, là nói tắt của từ Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là ngày kỷ niệm Chúa Jesus sinh ra đời.

Người Cơ đốc giáo tin là Jesus được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của đế quốc La Mã giữa năm 06 trước công nguyên và năm 06. Phần lớn các nước trên thế giới ăn mừng ngày này vào 24 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 25 tháng 12. Những người theo chính thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Nguyên thủy, lễ giáng sinh chỉ là của những người theo đạo Kitô giáo. Dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, lễ Giáng sinh với ông già và cây thông Noel ngày càng được tổ chức linh đình và được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Có thể nói rằng Weihnachten đối với người Đức và phương Tây có ý nghĩa tương tự như ngày lễ nguyên đán với người Việt Nam ta.

Thời gian Advent (Adventzeit)

Đối với người thiên chúa giáo, mùa Giáng sinh bắt đầu từ ngày chủ nhật gần 30/11, lễ thánh St. Andrew. Thời gian bốn tuần lễ mà người Thiên chúa giáo dùng để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh được gọi là Advent, gốc la tinh là Adventus, có nghĩa là sự đi đến và sửa soạn đón chào ngày Chúa Jesus ra đời. Ở châu Âu, các gia đình thường có một vòng Advent (Adventskranz) làm bằng cành thông xanh với 4 ngọn nến và các dải băng đỏ và vàng, tượng trưng cho ánh sáng và cuộc sống.

Người ta thường đặt vòng Advent trên mặt bàn ăn hay trước mặt lò sưởi, nhắc nhở từng Chủ nhật của lễ Advent. Trong ngày chủ nhật thứ nhất, cả gia đình sẽ thắp một ngọn nến và cùng cầu nguyện. Họ lập lại nghi lễ này mỗi Chủ nhật trong các tuần lễ Advent. Theo tục lệ, sẽ có 3 cây nến màu tím đậm, và cây nến thứ tư màu hồng hay tím nhạt. Một cây nến đỏ to hơn, tượng trưng cho Chúa Jesus sẽ được đặt thêm vào vòng Advent vào ngày 25/12 tức ngày Giáng sinh.

Lịch Advent (Adventskaleder)

Trong thời gian Advent, trẻ em thường có Adventskalender. Trong 24 ngày của tháng 12 trước Giáng sinh, mỗi ngày các em được mở một khung cửa sổ và nhận một món quà nho nhỏ như Schokolade, đồ chơi hay hoa quả.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Rượu vang nóng (Glühwein)

Cùng với bánh ngọt Stollen hay cây thông Noel được trang trí, rượu vang nóng Glühwein đã thành thức uống không thể thiếu được của mùa Giáng sinh ở Đức. Glühwein có nguồn gốc từ món rượu vang có kèm hương nhu của người La Mã cổ. Mỗi mùa giáng sinh, người Đức uống tới 40 triệu lít rượu Glühwein. Chỉ riêng nhà sản xuất Glühwein  lớn  nhất  nước  Đức  là hang “Original Nünberger Christkindlesmarkt Glühwein” hàng năm nấu tới 10 triệu lít rượu vang loại này.

Glühwein được chế từ nhiều loại vang đỏ và có nồng độ cồn từ 7% đến 14,5%. Rượu vang đỏ được hâm nóng ở nhiệt độ 70 độ C trong vòng 24 giờ đồng hồ với các hương vị như hồi, quế, vỏ cam chanh v.v. và trở thành Glühwein. Nếu để ý, người ta sẽ nhận ra Glühwein có mùi tương tự như loại bánh ngọt Lebkuchen hay bán trong dịp giáng sinh.

Nikolaus và ông già Noel (Weihnachtsmann)

Ngày Nikolaus 06.12 là ngày qua đời của giám mục Nikolaus ở Myra vùng tiểu Á năm 342, người đã trọn đời lo lắng chăm sóc cho trẻ em. Từ thế kỷ thứ 17 đã lưu truyền tục lệ ông Nikolaus tới các gia đình và thăm trẻ em, cho các cháu quà bánh và đồ chơi nho nhỏ sau khi chúng đọc kinh và cầu nguyện. Về sau này Nikolaus còn có người hầu Knecht Ruprecht mang roi đi theo để phạt trẻ em hư.

Cùng với thời gian và bắt đầu từ thế kỷ thứ 19, Nikolaus đã trở thành ông tiên trong dịp Giáng sinh với tên gọi Weihnachtsmann ở Đức, Santa Claus ở Mỹ, Pere Noel ở Pháp hay ông già tuyết ở Nga. Ông già Noel râu bạc mặc áo khoác đỏ, đội mũ đỏ có viền lông là nhân vật được trẻ em yêu quý nhất. Ở Đức, ông già Noel – Weihnachtsmann trong đêm giáng sinh 24.12 sẽ tới các gia đình và chia cho các cháu nhỏ những món quà ông để dưới cây thông Noel.

Cây thông Noel (Weihnachtsbaum)

Có thể so sánh cây thông Noel-Weihnachtsbaum ở Đức với cành đào, cành mai trong ngày Tết nguyên đán Việt Nam ta. Cây thông Noel chính thức được nhắc đến từ năm 1539 ở Straßburg, mặc dù trước đó cũng đã có tục lệ này và trở thành một phần không thể thiếu được của dịp Giáng sinh trong từng gia đình từ giữa thế kỷ thứ 19. Năm 1866, chiếc đế cho cây thông giáng sinh đúc bằng gang lần đầu tiên đã được đăng ký bản quyền phát minh.

Ngày nay, Weihnachtsbaum được trang trí bằng nến và các bóng thủy tinh nhiều màu sắc tượng trưng cho các món quà trẻ em được nhận trong dịp này. Nhiều nơi người ta vẫn trang trí cây thông bằng táo và bánh nướng theo truyền thống trước đây.

Thiệp mừng Giáng sinh

Tập tục gửi thiệp Giáng sinh bắt nguồn từ xứ sở sương mù (Anh) vào năm 1843. Trước đó, mỗi dịp Giáng sinh về, mọi người chỉ có thể viết thư tay chúc mừng và đích thân đem đến người nhận. Thời gian sau, nhờ hệ thống bưu điện phát triển mà việc gửi thư chúc mừng Giáng sinh không còn tốn nhiều công sức. Loại thiệp Giáng sinh đầu tiên do một họa sĩ ở London thiết kế với kiểu tranh 3 phần được vẽ bằng tay.

Phần ở giữa mô tả cảnh một gia đình quây quần bên bữa tiệc Giáng sinh, hai phần còn lại tả cảnh trẻ em nghèo được cho ăn no và mặc ấm. Trên tấm thiệp nổi bật câu chúc mừng: „Chúc bạn Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc“. Hiện vẫn còn khoảng 12 tấm vẫn nằm đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân hay ở các viện bảo tàng. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát ở Anh và du nhập sang Đức. Thiệp Giáng sinh là loại thiệp đắt khách nhất trong năm.

Hoài Nam (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!

Exit mobile version