Site icon Thời báo Việt Đức

Tổng thống Pháp tham vọng đưa EU trở thành lực lượng dẫn dắt thế giới

Đồ họa: Trung Hiếu

Kế hoạch thành lập một lực lượng quân đội châu Âu của ông Macron hồi tuần trước cũng đã nhận được sự tán đồng của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

6 tháng trước các cuộc bầu cử quan trọng tại Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 18/11 có chuyến thăm Đức nhằm thúc đẩy các dự án châu Âu tham vọng, cũng như tạo đà cho mối quan hệ Pháp-Đức. Dù bị thử thách trước một loạt sóng gió thời gian qua, song mối quan hệ được xem là cột trụ của Liên minh châu Âu này vẫn chứng minh được vai trò không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển của Liên minh hơn 60 năm tuổi này.

 

Ngay sau khi đặt chân tới thủ đô Berlin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tham dự một buổi nói chuyện với giới trẻ Đức về chủ đề hòa bình, trước khi cùng với Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel đến đặt vòng hoa tại khu tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong chiến tranh. Ông Emmanuel Macron đã trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên trong 18 năm qua có bài phát biểu tại Quốc hội liên bang Đức.

Cùng với lời kêu gọi nước Đức hãy cùng với Pháp mở ra một “giai đoạn mới” trong công cuộc xây dựng châu Âu nhằm “tránh cho thế giới bị trượt dài trong sự hỗn loạn và đi tới con đường hòa bình”, ông Macron bày tỏ mong muốn về một “Châu Âu mạnh mẽ hơn và chủ quyền hơn”.

Theo ông, châu Âu sẽ không thể phát huy được vai trò của mình nếu trở thành “món đồ chơi” của các cường quốc: “Trách nhiệm mới của Pháp và Đức là trang bị cho châu Âu những công cụ can thiệp mới, những công cụ về chủ quyền. Giai đoạn mới này có thể khiến chúng ta lo sợ, vì chúng ta sẽ phải chia sẻ, phải cùng nhau đưa ra quyết định, phải chứng minh được năng lực đưa ra các quyết sách về ngoại giao, nhập cư và phát triển, xây dựng một chiến lược phòng thủ chung, triển khai một chính sách nhập cư với một hệ thống tị nạn hài hòa…”.

Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 20 phút của mình, Nhà lãnh đạo Pháp không dưới một lần kêu gọi người dân Pháp và Đức “vượt qua những điều kiêng kị và những lề thói” để tiến lên. Bài phát biểu đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của các nghị sĩ Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí sau đó còn đánh giá đây là “bài diễn văn ấn tượng”. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã có một cuộc cuộc gặp riêng rẽ để thảo luận về những cải cách mới của Liên minh châu Âu (EU), cũng như kế hoạch thành lập quân đội châu Âu trong tương lai. 

Sáu tháng trước các cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu, ông Macron hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ tích cực hơn từ chính phủ Đức đối với những đề xuất “vực dậy châu Âu” được nêu trong bài phát biểu tại Sorbonne hồi tháng 9/2017. Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đó đã cho thấy thái độ trì hoãn và thận trọng.

Tuy nhiên, lập trường của nước Đức dường như đã có sự thay đổi lớn kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Đức ở Meseberg, gần thủ đô Berlin hồi tháng 6 vừa qua, với một lộ trình cải cách chung được soạn thảo. Tổng thống Pháp hi vọng, kế hoạch của mình sẽ được các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ tại cuộc họp Hội đồng châu Âu vào ngày 13 và 14/12 tới trước khi hướng tới những mục tiêu tham vọng hơn sau cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 6 năm sau.

Có thể thấy, sau  một thời gian dài hoài nghi, danh sách những vấn đề đạt được sự nhất trí giữa Pháp và Đức đã ngày càng được nối dài. Về khu vực đồng euro, Pháp và Đức đã thống nhất những điểm chính đối với kế hoạch ngân sách cho khu vực đồng tiền chung châu Âu và dự kiến sẽ đệ trình lên các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung tại Brusells (Bỉ) trong ngày hôm nay.

Là một trong những ý tưởng then chốt của Tổng thống Pháp nhằm bảo vệ đồng euro, kế hoạch ngân sách này từng là điểm gây bất đồng giữa Pháp và Đức. Về kế hoạch thành lập một lực lượng quân đội châu Âu, Tổng thống Emmanuel Macron hồi tuần trước cũng đã nhận được sự tán đồng của Thủ tướng Angela Merkel.

Dù những mục tiêu tham vọng của Pháp có có lẽ sẽ còn lâu nữa mới có thể thành hiện thực, song rõ ràng ở thời điểm hiện tại khi Liên minh châu Âu đang đối diện với những thách thức lớn, thì sự đồng lòng của cặp đôi Pháp-Đức là điều cần thiết để đẩy mạnh đoàn kết nội khối, thúc đẩy cải cách, cùng đưa “con tàu” Liên minh châu Âu vượt qua các chướng ngại vật để tiếp tục tiến lên phía trước./.

Theo Thu Hoài/VOV1

Nguồn: vov.vn

Exit mobile version