Tôi vừa trở về Việt Nam sau hơn ba tháng ở Hà Lan. Khi máy bay quá cảnh ở Dubai, tôi đã gặp rất nhiều người Việt về quê ăn tết, phần lớn trong số họ trở về từ Angola.
Ở một góc của sân bay, những tiếng cười nói vẫn râm ran mặc dù chuyến bay bị chậm tới hơn một tiếng đồng hồ. Được nói tiếng Việt với nhiều người là một niềm hạnh phúc.
Nhưng khoảnh khắc đáng nhớ nhất là khi những bánh xe của máy bay vừa chạm xuống sân bay Nội Bài, một tráng pháo tay vang lên xen lẫn với những thông báo từ phi hành đoàn. Khoảnh khắc đó, nhiều người mắt ngấn nước nói rằng: “Đã về tới Việt Nam rồi”. Đó là nước mắt của những kiều bào sau một năm dài nơi đất khách.
Tôi đã nghe ai đó nói rằng, người ta chỉ biết quý trọng những gì đang có khi thực sự mất nó. Người ta sẽ thấy yêu đất nước mình hơn, khi phải xa nhà, xa gia đình. Trong tâm trạng của một người mới chỉ rời Việt Nam ba tháng, nhưng tôi cũng có thể cảm nhận được điều đó. Có ở nước ngoài mới thấm thía nỗi nhớ quê của những người con xa xứ.
Ở nước ngoài, là được hít thở một bầu không khí trong lành, là được thử những món ăn chưa bao giờ nhìn thấy, là được tới những nơi mà ta chỉ từng nhìn thấy trên tivi, là được nói một thứ ngôn ngữ khác.
Nhưng ở nước ngoài, cũng là khi mà ta nhớ sự ồn ào, sôi nổi của người Việt, là khi mà ta nhớ những món ta đã ăn từ tấm bé, là khi mà ta nhớ những vạt nắng ấm áp, cũng là khi mà ta nhớ tiếng Việt. Ở nước ngoài, ta cũng phải chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt, với sự cô đơn mỗi khi về nhà sau một ngày làm việc. Đó cũng là lúc ta thấy tủi thân khi cả nước ăn mừng chiến thắng còn ta phải đạp xe dưới những cơn mưa đá lạnh ngắt khi trời vẫn chìm trong màn đêm để đi làm.
Tết là để trở về (Ảnh minh họa) / nguoiduatin.vn |
Nhà thơ Xô Viết cũ, Raxun Gamzatốp từng viết: “Tôi không thể kể lại mọi điều. Các bậc cao niên ở miền đất chúng tôi đã dạy rằng. Chỉ tất cả mọi người mới kể được mọi điều. Còn anh, anh hãy kể về chuyện của mình, rồi sau đó sẽ có tất cả. Mỗi người chỉ xây nhà của mình, nhưng kết quả là xuất hiện cả một làng”.
Khi xa nhà, cũng là lúc mà ta được nhìn thấy những ngôi nhà khác, những đất nước khác, những nền văn hóa khác. Và đấy là lúc thấm thía nhất hai chữ “Dân tộc”.
Câu chuyện của người Hà Lan là chinh phục những đầm lầy, những vùng đất thấp dưới mực nước biển để xây dựng lên một Hà Lan giàu mạnh hôm nay. Câu chuyện của người Nhật là tính kỷ luật và sự kiên cường với những thảm họa của thiên nhiên. Câu chuyện của người Việt là cuộc kháng chiến với những kẻ thù lớn mạnh nhất thế giới.
Mỗi đất nước đều có câu chuyện của mình. Mỗi đất nước là một sự không lặp lại, là bản sắc của mỗi dân tộc. Có sự so sánh ấy, ta sẽ biết ta đang ở đâu, ta có điểm mạnh gì, điểm yếu gì để không còn tự ti, nhưng cũng không tự tin thái quá.
Và mỗi người cũng thế, trên chuyến bay kia, có thể có những người chỉ mới xa nhà vài ngày, có người vài tháng, nhưng cũng có nhiều người đã xa nhà cả chục năm để kiếm ăn nơi đất khách. Nhưng bây giờ, tất cả đã trở về để đoàn tụ với gia đình, được ăn những món ăn Việt quen thuộc, được gặp gỡ lại người thân, bạn bè. Mỗi người đều có một câu chuyện. Khi ta nhìn vào câu chuyện của người khác, cũng là lúc ta nhìn vào câu chuyện của chính mình, để biết rằng, ta là ai.
Nhưng đã sắp đến Tết, Tết là lúc để trở về bên người thân, để nhìn lại trong năm qua, ta đã làm được gì, và năm tới, ta sẽ làm gì tiếp theo.
Theo Nguyễn Vương / nguoiduatin.vn